Đại tá Vũ Ngọc Xuyên, nguyên Trưởng ban Khoa học Quân sự, Bộ CHQS tỉnh Nam Định có một kỷ niệm khá sâu sắc: Đó là năm 1966, ông cùng đồng đội hạ gục chiếc EB-66, loại máy bay điện tử hiện đại của Mỹ lúc bấy giờ...
QĐND - Đại tá Vũ Ngọc Xuyên, nguyên Trưởng ban Khoa học Quân sự, Bộ CHQS tỉnh Nam Định có một kỷ niệm khá sâu sắc: Đó là năm 1966, ông cùng đồng đội hạ gục chiếc EB-66, loại máy bay điện tử hiện đại của Mỹ lúc bấy giờ.
Năm 1966, Vũ Ngọc Xuyên là sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Ăn Tết xong, đơn vị của ông được điều động lên Tuyên Quang. Tại đây, đơn vị nhận mệnh lệnh khẩn cấp của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Phùng Thế Tài (đại ý): Để giảm số máy bay bị bắn hạ, Mỹ dùng máy bay chiến tranh điện tử EB-66 để thám thính, săn lùng và bắn hạ các trạm ra-đa cảnh giới của ta. Đây là loại máy bay dùng để chở 12 đầu máy phát sóng cực lớn. Từ trên máy bay phi công Mỹ có thể xác định mức độ nguy hiểm từ các đài ra-đa theo dõi, ra-đa pháo phòng không và ra-đa tên lửa, quyết định cách tránh tên lửa, pháo phòng không. Mỹ coi đây là “Đài chỉ huy bất khả xâm phạm”. Máy bay EB-66 cất cánh từ đảo Gu-am vào địa phận nước ta rồi bay theo đường vòng của dãy Tam Đảo, sau đó hạ thấp độ cao, lắt léo bay qua Tuyên Quang, Phú Thọ… rồi xuống Hà Nội. Nếu lọt được vào Hà Nội, chúng gây nhiễu các đài quan sát của trận địa tên lửa làm cho màn hình tên lửa bị che lấp, không nhìn thấy các loại máy bay cường kích khác của địch. Bọn giặc lái thả sức ném bom xuống các mục tiêu đã định sẵn. Do vậy, bằng mọi giá chúng ta phải hạ được EB-66.
CCB Vũ Ngọc Xuyên, kể: "Nhận được lệnh, chúng tôi nghiên cứu bản đồ đường bay của đối phương và đề ra cách xử lý các giả thuyết ngoài lập trình bay thông thường đã được phổ biến. Đúng 24 giờ, ngày 12-3-1966, có lệnh báo động, tất cả vào vị trí chiến đấu. Ba giờ sáng, ra-đa của ta bắt được mục tiêu cách trận địa 70km. Khi mục tiêu cách 30km, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh phát sóng. Thật tiếc, mục tiêu đang bay vào tầm tên lửa của đơn vị, bỗng quay ngoắt lại chạy trốn. Lệnh ngừng phát sóng lập tức được thực hiện. Đơn vị hội ý và thống nhất, nhận định: “Địch sẽ quay lại”. Trước tình hình đó, tôi đề nghị: Khi mục tiêu vào tầm ngắm 25km mới phát sóng và cho nối điện đồng bộ 4 quả tên lửa trước. Nếu để đến khi phát hiện ra mục tiêu như lần trước mới nối thì sẽ muộn. Tiểu đoàn trưởng đồng ý, coi đây là một sáng kiến. Tất cả vào vị trí chờ lệnh. Quả nhiên, chiếc EB-66 xuất hiện. Chúng tôi nín thở chờ mục tiêu bay vào đúng tọa độ cách 25km và lập tức phát sóng. Khi mục tiêu lộ rõ ở tầm ngắm 20km thì ấn nút. Hai quả tên lửa như mũi tên xé không khí bay lên tạo thành đường thẳng như kẻ chỉ giữa không trung. Trong nháy mắt, 3 trắc thủ báo tin: “Máy bay địch cháy rồi!”. Chúng tôi kiểm tra lại trên màn hình và cùng reo vui mừng thắng lợi...".
NGUYỄN ĐỨC HÒE