QĐND - Đến Lữ đoàn Thông tin 80 (Quân khu 4), chúng tôi được chỉ huy đơn vị đưa đi tham quan toàn bộ cơ ngơi và nhiều mô hình sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ cho huấn luyện, SSCĐ.
Sở chỉ huy lữ đoàn được quy hoạch, xây dựng rất khoa học; các dãy nhà làm việc, nhà sinh hoạt được đầu tư nâng cấp, ngăn nắp, sạch sẽ; hệ thống dây điện, cáp thông tin được gắn chìm trong tường gọn gàng; các phòng giao ban, phòng làm việc… đều được lắp đặt hệ thống camera và các thiết bị thông tin điện tử phục vụ quản lý, điều hành mọi hoạt động của đơn vị.
 |
Phân đội Thông tin cơ động thuộc Tiểu đoàn 26, Lữ đoàn Thông tin 80, huấn luyện khí tài mới (xe VCĐ3).
|
Chia sẻ với chúng tôi về những kết quả ứng dụng khoa học-công nghệ, Đại tá Hoàng Minh Đức, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 80, cho biết: "Vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cũng là một phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Để có được nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật như hôm nay, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu, vươn lên làm chủ các trang thiết bị hiện đại. Chúng tôi tiết kiệm từng đồng từ quỹ vốn thường xuyên, từ tăng gia sản xuất để mua sắm vật chất, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mô hình đồ dùng huấn luyện được đẩy mạnh. Hằng năm, đơn vị đều tổ chức hội thi, hội thao và kịp thời khen thưởng những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị. Chính từ phong trào này, nhiều đề tài, sáng kiến đã ra đời, góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng huấn luyện và bảo đảm thông tin liên lạc.
Tham quan thực tế, chúng tôi rất ấn tượng với các sáng kiến như: Hệ thống giao ban xa; mạch điều khiển xa cho máy vô tuyến điện thế hệ mới, thiết bị điều khiển xa VT07; bếp cơ động đa năng; phần mềm quản lý xăng, dầu quân sự... Những năm vừa qua, Lữ đoàn Thông tin 80 được trang bị nhiều trang bị, khí tài mới, hiện đại, như: Xe thông tin VCĐ2, VCĐ3, Trunking; máy vô tuyến điện VRU-611, máy phát 91Z cải tiến… Từ đây, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác, sử dụng hiệu quả trang bị, khí tài vào quá trình bảo đảm thông tin liên lạc cho các nhiệm vụ; phục vụ huấn luyện, SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hoàng Đình Thắng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 26, cho biết: “Đặc điểm các loại khí tài mới hầu hết là đơn chiếc. Để huấn luyện cho bộ đội khai thác, sử dụng thành thạo trong thời gian nhanh nhất, đơn vị đã cử cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn do Binh chủng Thông tin liên lạc tổ chức, cùng với tổ giáo viên của lữ đoàn liên tục cập nhật kiến thức qua tài liệu, mạng internet.., từ đó trao đổi thống nhất biên soạn thành các tài liệu huấn luyện. Lữ đoàn đã thành lập Tổ giáo viên đảm nhiệm bồi dưỡng, huấn luyện cho các thành phần còn lại trong đơn vị. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức huấn luyện chuyên sâu cho các đối tượng trong biên chế (các kíp xe, các trung đội), đồng thời thực hiện huấn luyện “đồng hóa nghiệp vụ” cho các đối tượng khác trong đơn vị để luôn có lực lượng dự bị hợp lý, kịp thời. Đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều sử dụng thành thạo các trang bị, khí tài theo biên chế”.
Đại úy QNCN Nguyễn Thiện Tuấn, nhân viên khí tài Tiểu đoàn 26, là một trong những người nắm chắc và sử dụng, khai thác tốt trang bị, khí tài thông tin hiện đại, chia sẻ kinh nghiệm: “Đối với các loại khí tài đơn chiếc, nếu trực tiếp huấn luyện, lên lớp trên khí tài, trang bị sẽ dẫn tới sai lệch độ chính xác và nhanh xuống cấp. Mặt khác, một số thiết bị do sản xuất ở nước ngoài, qua quá trình khai thác, sử dụng, có những tính năng chưa phù hợp với điều kiện của chúng ta, vì thế, chúng tôi thường xuyên nghiên cứu để cải tiến các tính năng chưa phù hợp đó, cũng như làm ra các mô hình phục vụ cho huấn luyện, nhằm tăng thêm tuổi thọ cho trang thiết bị”. Từ năm 2001 đến nay, Đại úy QNCN Nguyễn Thiện Tuấn đã có 31 sáng kiến, cải tiến mô hình huấn luyện. Đặc biệt, sáng kiến bộ cảnh báo luồng trên xe thông tin Trunking của anh đã khắc phục được tình trạng trước đây các thành viên trong kíp xe rất khó phát hiện khi xe thông tin mất luồng. Sau khi được cải tiến, nếu xe mất luồng sẽ có chuông báo, giúp người chỉ huy và các thành viên kịp thời phát hiện và xử lý.
Lữ đoàn Thông tin 80 còn mạnh dạn đầu tư hệ thống mạng LAN tới tất cả đầu mối trong đơn vị, ứng dụng vào công tác quản lý, chỉ huy, điều hành như: Hội họp, giao ban, chuyển nhận công văn tài liệu, huấn luyện từ xa cũng như giám sát các hoạt động cơ bản của toàn bộ lữ đoàn. Mới đây, lữ đoàn tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cuộc diễn tập chỉ huy-cơ quan có một phần thực binh ở thực địa thành công tốt đẹp.
Nhờ những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu ứng dụng CNTT, năm 2014, Lữ đoàn Thông tin 80 được Bộ tư lệnh Quân khu 4 tin tưởng, giao nhiệm vụ tổ chức tập huấn cho tất cả các đơn vị trong LLVT quân khu về lĩnh vực này. Hiện nay, đã có rất nhiều đơn vị “đặt hàng” lữ đoàn lắp đặt, chuyển giao CNTT trong quản lý, điều hành, huấn luyện, diễn tập chiến thuật... Chúng tôi được biết giá thành chi phí do Lữ đoàn Thông tin 80 thiết kế, lắp đặt các công nghệ trên chỉ bằng 50% giá ngoài thị trường... Thực tế đã chứng tỏ tinh thần tự lực, tự cường, sự chủ động, sáng tạo, không ngừng vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại-một phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ-đang được cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 80 phát huy tốt trong điều kiện mới.
Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN