QĐND Online - Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết ngày 21-7-1954. Theo đó, Vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải đã buộc phải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước ta. Hiệp định Giơnevơ quy định: Tất cả các đồn công an giới tuyến đều được treo cờ Tổ quốc lên hàng ngày. Và lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc - biểu tượng thiêng liêng nhất của người dân Việt Nam đã luôn được tung bay bên bờ Bắc sông Bến Hải. Để lá cờ đỏ sao vàng luôn được tung bay bên bờ Hiền Lương đó là cuộc đấu tranh chính trị căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch trong suốt những năm đất nước bị chia cắt.

Lá cờ tổ quốc tại cầu giới tuyến Hiền Lương kéo lên trong lễ Thượng cờ - Ảnh: Báo Tuổi trẻ

 

Cuộc chiến dựng cột cờ bên bờ Hiền Lương

Trong những năm từ 1954 đến 1956, các chiến sĩ của ta làm cột cờ bằng một cây phi lao có chiều dài là 12m và treo lá cờ Tổ quốc khổ 3,2m x 4,8m. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay đã làm nức lòng đồng bào hai miền Nam Bắc. Ngay lập tức thực dân Pháp cho cắm cờ tam tài cao 15m lên nóc lô cốt Xuân Hòa bên bờ Nam.

Theo nguyện vọng của đồng bào giới tuyến là cờ ta phải cao hơn, đẹp hơn cờ địch. Đáp ứng nguyện vọng đó của đồng bào, các chiến sĩ an ninh vũ trang đã lặn lội vào rừng sâu tìm được cây gỗ cao 18m về thay cột cờ cũ và trên đỉnh được treo lá cờ 24m2. Hằng ngày, những người dân dọc hai bờ sông Bến Hải dõi mắt theo lá cờ Tổ quốc và đặt niềm tin hy vọng vào ngày mai chiến thắng.

Trước cảnh đồng bào miền Nam thường tổ chức chào cờ trước khi đi làm đồng hoặc lên nương rẫy, Ngô Đình Diệm đã cho dựng trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam và treo lá cờ tam tài cỡ lớn, có hệ thống đèn nê ông nhấp nháy đủ màu đầy thách thức. Chưa hết, chúng còn cho loa phóng thanh công suất lớn khiêu khích suốt ngày đêm.

Tháng 7-1959, Trung ương chỉ đạo và tạo điều kiện, các chiến sĩ công an vũ trang dựng cờ bằng ống thép cao 34,5m, treo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh rộng 108m2, sao vàng năm cánh bằng đồng với đường kính là 1,2m, trên đỉnh 5 cánh sao đều được gắn những chùm đèn loại 500w.

Khi Mỹ, ngụy tiếp tục xây dựng lại cột cờ cao 35m, Chính phủ ta đã điều một đơn vị xây dựng chở vật liệu từ Hà Nội vào xây cột cờ mới cao 38,6m, treo lá cờ 134m2, nặng 15 kg. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh như sự hiện diện thường xuyên của miền Bắc XHCN ngay sát cạnh miền Nam đang kiên cường đấu tranh chống Mỹ, ngụy.

Người chiến sĩ may, vá lá cờ Tổ quốc

Người chiến sĩ may, vá lá cờ Tổ quốc là đồng chí Nguyễn Đức Lãng, sinh năm 1940, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị. Khi mới 15 tuổi, cũng là lúc dòng sông Bến Hải quê hương Lãng trở thành giới tuyến quân sự, tạm thời chia cắt đất nước. Mặc dù tuổi còn trẻ, trước cảnh đất nước bị xâm lăng, với lòng yêu nước thiết tha, Lãng đã tình nguyện tòng quân, cứu nước. Nguyễn Đức Lãng đã vượt tuyến ra Bắc, sau đó 4 năm, được điều về công tác tại Ban Hậu cần của công an vũ trang Vĩnh Linh với nhiệm vụ là nhận cờ Tổ quốc tại Quân khu 4 đưa về treo lên trên cột cờ Hiền Lương.

Lá cờ Tổ quốc được treo trên cao, với khổ cờ lớn, nên rất nhanh bị thời tiết làm rách, cứ vài ngày lại phải thay một lá. Để có cờ treo liên tục 24 giờ/24 giờ từ năm 1959 đến năm 1961, Nguyễn Đức Lãng một mình đi nhận cờ rồi miệt mài may cờ mỗi khi bị rách.

Sau khi cuộc chiến xây dựng cột cờ của ta đã chiến thắng, đồng chí Lãng đã đề nghị cấp trên cấp cho một chiếc máy khâu và các vật dụng khác để may cờ.

Bí ẩn giới tuyến Vĩnh Linh

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ đã gây cho chúng ta bao đau thương, mất mát. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống lại sự xâm lược đó đã đưa những tên đất, tên làng và những con người Việt Nam trở thành anh hùng. Vĩnh Linh là một trong những địa danh đó.

Từ khi trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước ta, ngày 21-7-1954, sự kiện Vĩ tuyến 17 đã thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Từ đây, dòng sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương, cửa Tùng - những địa danh của mảnh đất Vĩnh Linh đã trở thành huyền thoại.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các làng quê bình dị của Việt Nam đã bị bom Mỹ tàn phá, bị đốt cháy và chém giết với những đau thương, mất mát. Tiếp lửa truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhân dân ta, các làng quê Việt Nam đã đứng lên với một tinh thần chiến đấu quật cường vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhưng không phải tất cả mọi điều đều được biết tới. Lịch sử càng lùi xa, những “bí ẩn” của cuộc chiến dần được tiết lộ, trong đó có Vĩnh Linh.

Những “bí ẩn” ở giới tuyến quân sự tạm thời - Vĩnh Linh được các nhân chứng sống ở đôi bờ Bắc - Nam tiết lộ về cuộc sống, chiến đấu của mảnh đất anh hùng này.

Từ năm 1954 đến năm 1975, huyền thoại đã được viết lên từ những điều bình dị nhất. Những cô gái sơn cầu, tất cả đều được sơn bằng tay. Địch sơn màu nào, ta sơn ngay màu đó để khẳng định quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân ta. Rồi cột cờ Hiền Lương luôn được xây mới, to hơn và đẹp hơn để đồng bào ta ở cả hai bờ luôn vững tin vào Tổ quốc. Hệ thống địa đạo Vĩnh Linh được xây dựng có một không hai trên thế giới. Quân và dân Vĩnh Linh đã đào được một hệ thống giao thông hào bằng nửa chiều dài của đất nước. Trong lòng địa đạo Vĩnh Linh đã có hơn 60 em bé chào đời, một sức sống mãnh liệt, một huyền thoại từ trong lòng đất Vĩnh Linh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bình quân một người dân Vĩnh Linh phải hứng chịu 15 tấn bom đạn, một sự khốc liệt chưa từng có, gần 30.000 người dân Vĩnh Linh bị thương vong và có những thị trấn bị san phẳng.

Vĩnh Linh không chỉ có sự ác liệt của bom đạn Mỹ, mà cuộc đấu trí của các chiến sĩ công an vũ trang ta với cảnh sát giới tuyến ngụy cũng diễn ra gay go, quyết liệt...

Có một thực tế chứng minh là cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường bên bờ Hiền Lương thế hệ nối tiếp thế hệ, chiến công nối tiếp chiến công, Vĩnh Linh luôn anh dũng, hiên ngang và cuối cùng chúng ta đã chiến thắng, non sông thu về một mối.

TS. Nguyễn Văn Bạo ( Theo Hồ sơ vĩ tuyến 1954-1975)