Tôi được các anh chỉ huy Phòng biên tập Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh) giao nhiệm vụ đi gặp gỡ nhân chứng để viết về Chiến dịch Tây Nguyên. Các anh gợi ý một số người, rồi bảo phải gặp bằng được Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo (nguyên Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, nay là Học viện Quốc phòng), bởi ông đã sống, chiến đấu ở Tây Nguyên nhiều năm, lại là người trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên và đang sinh sống tại Hà Nội, nên sẽ có rất nhiều tư liệu quý.

Một sĩ quan cấp úy như tôi khi đó nghe nói phải đi gặp một Thượng tướng, lại là tướng chiến thuộc hàng lừng danh nữa, nên trong bụng không khỏi phân vân. Nhưng việc không thể không đi, nên tôi đành tặc lưỡi “Cứ đi xem sao, giả sử bác ấy từ chối, không gặp thì cũng còn có lý do để báo cáo”. Thế rồi theo sự mách bảo của mấy anh cùng phòng, tôi dò số điện thoại nhà riêng của ông và bấm máy. Thật may, đầu dây bên kia có một giọng trầm trầm cất lên: “Ai gọi nhà tôi đấy?”. Tôi đoán là ông, nên lễ phép trình bày tên tuổi, lý do muốn xin đến gặp ông. Nghe tôi trình bày xong, ông bảo: “Thế thì cậu xuống ngay đây, tôi vừa đi hội thảo về nên có lắm chuyện hay…”. Mừng quá, tôi lấy xe gắn máy phóng xuống nhà ông trong chiều mưa lất phất.

Nhà ông nằm trên phố Phùng Chí Kiên, cạnh Học viện Quốc phòng. Tôi bấm chuông, vào nhà thì đã thấy ông ngồi chờ bên chiếc bàn tròn nhỏ trước hiên. Ngay trước cửa nhà có cái ao nhỏ, thi thoảng lại thấy tiếng cá rô búng lõm tõm. Lần đầu trực tiếp gặp và hỏi chuyện ông nên tôi hơi lo. Cho đến khi ông rót cho tôi chén nước và bảo: “Uống đi cho ấm, rồi ta vào việc”, rồi lại gọi với vào trong: “Bà có hoa quả gì thì đem ra cho bác cháu tôi ăn”, tôi bỗng nhiên thấy cảm động và vững dạ lạ thường. Nói đến Tây Nguyên, ông vào chuyện hết sức tự nhiên. Mọi chi tiết, ngóc ngách của dải đất Tây Nguyên, của Chiến dịch Tây Nguyên dường như lúc nào cũng thường trực trong ông. Ngay cả chuyện quân địch đi đứng thế nào, ăn ở ra sao, dịch chuyển thế nào, vì sao lại thế… ông đều phân tích rất cặn kẽ. Tôi thầm nghĩ, có những con người như thế này chiến đấu ở Tây Nguyên thì làm gì quân địch không thua. Khi nói hết về Chiến dịch Tây Nguyên, ông quay trở lại mặt lý luận và phân tích về bốn yếu tố “mưu, kế, thế, thời” khiến tôi vô cùng khâm phục. Với khối kiến thức của một sĩ quan cấp úy, quả thực lúc bấy giờ tôi chưa hiểu hết những điều ông nói, nhưng vẫn nhớ như in. Ông bảo: Có mưu thì sẽ sinh ra kế, có thế trận thì sẽ "đẻ" ra thời cơ. Khi ta biết chớp lấy thời cơ đó thì chắc chắn sẽ giành phần thắng. Thế nhưng, tất cả những yếu tố về "mưu, kế, thế, thời" không tự nhiên mà có, mà phải trải qua suy nghĩ, trải nghiệm, hoạt động thực tiễn thì thế trận mới hình thành và thời cơ mới đến. Cậu tưởng tượng chiến trường miền Nam nó giống như cái đòn gánh ấy, ta hoạt động mạnh ở hai đầu nên buộc địch phải tăng cường lực lượng ra hai phía. Thế nên hai đầu đòn gánh thì nặng, ở giữa trở nên mỏng yếu, nếu đánh một cú mạnh vào giữa cái đòn gánh thì có phải nó sẽ gãy không. Chiến dịch Tây Nguyên chính là đánh vào giữa cái đòn gánh ấy. Lại muốn đánh được Tây Nguyên thì ta phải bày trận, phải nghi binh, lừa địch…

Buổi nói chuyện giữa hai bác cháu kết thúc vào lúc trời đã nhá nhem. Câu chuyện hôm ấy với Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo cứ theo tôi mãi. Cho đến tận năm 2014, khi được cử đi học tại Học viện Quốc phòng và lại được nghe các giảng viên nói về “mưu, kế, thế, thời” khi nghiên cứu về các chiến dịch, chiến lược quân sự thì tôi đoán chắc, tư tưởng về quân sự, kiến thức, kinh nghiệm của Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã được truyền vào giảng đường học viện từ nhiều năm qua. Và cũng từng ấy năm, có hàng vạn lượt cán bộ cao cấp của Quân đội ta đã nghe và phân tích về “mưu, kế, thế, thời” để từ đó vận dụng vào quá trình lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị.

TRẦN ANH TUẤN