Nơi “đồi gió sương”

Xe lăn bánh đưa đoàn công tác theo hướng Hà Nội - Lai Châu, vượt qua chặng đường gần 400km với những cung đường hiểm trở, khó khăn. Hành trang mà chúng tôi mang theo là những phần quà nhỏ bé, những trái tim thổn thức “nóng hổi” thấm đượm tình người lên với đồng bào, chiến sĩ và các em học sinh nơi đây.

Dào San chào đón đoàn công tác trong màn sương giá lạnh, nhưng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ đã lan truyền cho nhau khiến chúng tôi quên đi cái mệt mỏi, giá rét của chuyến đi dài.  

Đoàn công tác Học viện Khoa học quân sự trao tặng áo ấm cho các em học sinh Trường Trung học cơ sở Dào San 1.

Đồn Biên phòng Dào San tọa lạc trên đỉnh Chùng Sủa Sằn hùng vĩ thuộc xã Dào San, huyện Phong Thổ, nơi được gọi với cái tên như đặc sản riêng của đồn - “đồi gió sương”. Xuân sắp về trên vùng cao biên giới, khung cảnh nơi đây rực rỡ sắc màu, màu trắng của mây, màu xanh của trời, của núi đồi, rừng cây, những cánh đào hồng đang hé nở chào đón Xuân.

Thiếu tá Trương Minh Đức, Đồn trưởng Đồn biên phòng Dào San đón đoàn bằng những cái bắt tay siết chặt. Bên tách trà ấm áp, chúng tôi được nghe những câu chuyện về đồn, về tình hình địa bàn và đặc biệt hơn là những khó khăn trong nhiệm vụ mà các chiến sĩ vẫn ngày đêm thực hiện.

Thay mặt cho Thường vụ Đảng ủy Ban giám đốc Học viện, Đại tá, PGS.TS. Ma Đức Khải, Phó Chính ủy Học viện Khoa học quân sự trao tặng quà tết tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đồn, giọng anh xúc động: “Thêm một cái Tết, một năm xa gia đình, chúc các đồng chí luôn vững vàng niềm tin, hạnh phúc bên đồng đội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới…”.

Khi hạnh phúc là sự sẻ chia

Tạm chia tay các anh, những người lính quân hàm xanh, đoàn tiếp tục hành trình đến với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Dào San, huyện Phong Thổ.

Dẫn đường cho đoàn là thầy giáo Đinh Công Toại, người thầy đã 6 năm xa quê (Thanh Ba - Phú Thọ) mang ước mơ con chữ dưới miền xuôi ngược về với các em học sinh trên địa bàn huyện Phong Thổ.

Đoạn đường chỉ dài 3km, nhưng rất khó đi với những khúc cua gập góc, những đoạn sạt lở cắt ngang, đoàn phải xuống xe đi bộ, các thành viên chỉ dẫn cho xe lách qua những tảng đá.

Khi tới bản Sểnh Sảng A với những ngôi nhà sàn xiêu vẹo san sát bên nhau; những đứa trẻ dáng người nhỏ thó, gương mặt lấm lem bùn đất, em có áo dài thì quần ngắn, em lại áo ngắn không quần vẫn tung tăng nô đùa chống chọi với cái rét của những cơn gió rét tê tái, khiến lòng chúng tôi bỗng thấy xót xa!

Những bộ quần áo, chiếc chăn, chiếc mũ, đôi tất chúng tôi quyên góp được trở thành món quà vô cùng quý giá đối với bà con nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Đinh Công Toại phân trần: “Dân cư ở bản Sểnh Sảng A nghèo lắm, nhiều gia đình cơm không đủ no, áo không đủ mặc, cái đói, cái rét theo họ quanh năm, các em thì miếng ăn không đủ, huống chi là đi học. Nhiều em mùa hè và mùa đông như nhau, vẫn là chiếc áo, chiếc quần đó đi qua hết ngày nắng nóng lại mùa gió rét”.

Đoàn đến thăm hỏi, trao quà, chăn ấm cho gia đình em Vàng Thị Ram và gia đình em Trù Thị Xênh – là 2 trong những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản. Được biết, gia đình em Vàng Thị Ram có 5 anh chị em, bố nghiện, mẹ đi làm ăn xa, 5 anh chị em ở với ông nội. Ngôi nhà em ở quá nghèo, diện tích chưa đến 10m2, lụp xụp với vách đất mái lá, bên trong được ngăn đôi bằng những thanh gỗ, cây tre, một bên là bếp, một bên là nơi ngủ nghỉ của cả ba thế hệ và có lẽ mấy bắp ngô khô gác bếp trong nhà là tài sản quý giá nhất của 6 ông cháu.

Còn với gia đình em Trù Thị Xênh, hoàn cảnh không khác nhà Ram là mấy, nhà cách trường khá xa, bố ốm đau bệnh tật, cuộc sống gia đình trông chờ vào đôi vai của mẹ; mỗi lần đi học em phải đi bộ 6 tiếng đồng hồ, vì vậy mà em được bố mẹ đưa đến ở cùng bác và một chị lớn hơn em 2 tuổi.

Rời bản Sểnh Sảng A, chúng tôi trở lại Trung tâm Y tế xã, nơi đang diễn ra hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc niễn phí cho đồng bào và các em. Tại đây, cán bộ bác sĩ của đoàn cùng các y Bác sĩ Hội Thầy thuốc Việt Nam đang thăm khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con trong huyện. Thượng úy Vũ Duy Khánh, Bác sĩ Quân y Học viện Khoa học Quân sự – người trực tiếp thăm khám bệnh cho bà con cảm động cho biết: “Nhìn những gương mặt mong đợi khi cầm tờ giấy đăng ký và vui mừng khi được thăm khám, tư vấn về tình trạng sức khoẻ, cũng như đón nhận thuốc mà tổ chức chương trình và đội ngũ bác sỹ làm công tác từ thiện chúng tôi như tiếp thêm động lực cho bản thân để tiếp tục thực hiện những công việc ý nghĩa như thế”.

Tiếp đó, đoàn trở về trường Trung học cơ sở Dào San 1, nơi diễn ra các hoạt động trao tặng quà, áo ấm cho em học sinh. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc ánh lên trên đôi mắt long lanh của các em, khi tiếp xúc trò chuyện và xòe bàn tay nhỏ nhận những món quà từ các anh, chị. Những đôi mắt vừa mừng rỡ lại vừa bẽn lẽn khi được tặng những thanh kẹo ngọt, gói bim bim hay những ống bỏng gạo. Những đôi chân bé xíu, bầm tím đã chai sần theo thời gian trên những con đường đất đá lổn nhổn trong những đôi dép tổ ong mỏng cũ rách hay những chiếc áo mỏng manh, sờn rách trong tiết trời giá lạnh mong được thay bằng chiếc áo khác mới hơn, ấm hơn để đón Xuân sang.

Đoàn công tác Học viện Khoa học quân sự và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Dào San 1.

Ấm tình nơi biên cương

Đêm Dào San, dẫu ngoài trời cái lạnh rít lên theo từng ngọn gió đang bao trùm lên tất cả mọi người, tiếng hát yêu thương, ngọt ngào cũng chính là những điều chúng tôi muốn gửi đến bà con dân bản trong đêm giao lưu Xuân biên giới. Mọi người dường như quên hết cái lạnh nơi vùng cao, chỉ có niềm vui rạng ngời trên ánh mắt của các bà, các mẹ, các chú, các anh…

Bác Tẩn A Lẻng ở bản Pho, xã Bản Lang vui vẻ nói: “Cám ơn các cán bộ nhiều, tết năm nay nhà tôi có chăn ấm rồi, không sợ gió rét nữa. Cám ơn cán bộ”.

Hân hoan bên chiếc áo ấm mới vừa được tặng, em Vừ Thị May, học sinh trường Tiểu học Dào San 1 phấn khởi cho hay: “Em rất vui mừng khi nhận được chiếc áo ấm này. Bố mẹ cũng sẽ rất vui vì từ nay, em có áo ấm đến lớp, có áo mới đón tết nữa. Em cảm ơn các cô chú, anh chị và sẽ cố gắng học thật giỏi để giống như chị, được làm cô bộ đội để bảo vệ bản làng em”.

Những món quà mang tình cảm của chúng tôi trao đến tay các em học sinh; những nụ cười của các em và của chúng tôi nữa đã khép lại hành trình “Xuân biên giới 2018”. Thượng tá Vũ Hữu Thanh, Phó chủ nhiệm chính trị Học viện Khoa học Quân sự chia sẻ: “Một hành trình chưa đủ để đoàn chúng tôi có thể thực hiện hết những tình cảm đã ấp ủ. Chính những trải nghiệm này đã khiến đoàn viên, thanh niên học viện càng thấm thía hơn về giá trị của cuộc sống - giá trị của sự cho đi và nhận lại, giá trị của niềm vui từ những điều giản đơn, thường ngày mà không phải cứ khẩu hiệu, hô hào mới có được”.

Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San bằng những cái bắt tay siết chặt như thay lời hứa hẹn cho hành trình giữ gìn một mùa xuân bình yên, hạnh phúc.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ THU