QĐND - Năm 2014, Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quân về tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) nhập ngũ vào đơn vị. Đây là nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, công tác của đơn vị, đồng thời đặt ra những vấn đề mới về cơ chế, chính sách, để sử dụng nguồn nhân lực này sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS).

Chiến sĩ mới thiết kế phần mềm

Chúng tôi tìm hiểu kết quả huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) tại Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Giờ câu lạc bộ, chúng tôi gặp Binh nhì Giáp Văn Thụy, chiến sĩ Trung đội ĐKZ, Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, cùng một số cán bộ, chiến sĩ miệt mài lao động tại bãi huấn luyện thể lực, vật cản của đơn vị. Mặc dù tiết trời khá lạnh nhưng trên khuôn mặt Thụy vẫn đẫm mồ hôi. Chúng tôi thật sự ấn tượng về động tác đo đạc, tính toán, xử lý bản vẽ thành thạo của Thụy. Tranh thủ ít phút giải lao, Thụy cho biết: “Trước khi nhập ngũ, tôi đã tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành xây dựng. Ra trường, tôi tình nguyện lên đường thực hiện NVQS. Hôm nay, đơn vị tổ chức sửa chữa, xây dựng bãi vật cản, tôi đã tham gia một số công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình”.

Theo Trung tá Lưu Nam Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 692: "Gần đây, số lượng CSM nhập ngũ vào đơn vị có trình độ CĐ, ĐH tăng lên là tín hiệu đáng mừng. Năm 2014, có 30% CSM của đơn vị có trình độ CĐ, ĐH; kết quả huấn luyện, SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị có chuyển biến rõ rệt". Là người trực tiếp quản lý CSM, Thiếu tá Nguyễn Hữu Nam, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692, cho biết: Đơn vị có 71 chiến sĩ có trình độ CĐ, ĐH, hầu hết được đào tạo bài bản với các chuyên ngành như: Xây dựng, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, sư phạm... Chiến sĩ Phạm Ngọc Cường ở Tiểu đội 8, Trung đội 6, Đại đội 10, còn tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ giúp chỉ huy đơn vị xây dựng phần mềm về quản lý doanh trại, quản lý đơn vị.

Chỉ huy Sư đoàn 301 trò chuyện với các chiến sĩ mới có trình độ cao đẳng, đại học tại đơn vị.

Trước khi nhập ngũ, Cường đã tốt nghiệp chuyên ngành tin học, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và đã có gần hai năm làm việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Đông Dương. Cường tâm sự: "Tôi tình nguyện nhập ngũ bởi mong muốn được cống hiến, phục vụ Tổ quốc và rèn luyện bản thân. Môi trường quân đội giúp tôi trưởng thành, hoàn thiện hơn trong cuộc sống…”.

Nguyện vọng chính đáng

Tìm hiểu thực tế tại Sư đoàn 301, chúng tôi thấy, phần lớn các chiến sĩ đã tốt nghiệp CĐ, ĐH đều có nguyện vọng được phục vụ lâu dài trong quân đội. Binh nhất Giáp Văn Thụy bày tỏ: “Tôi mong muốn được trở thành sĩ quan quân đội bởi từ nhỏ, hình ảnh người lính đã in đậm vào tâm trí tôi. Quân đội là môi trường tốt để tôi rèn luyện, cống hiến, trưởng thành”.

Về nguyện vọng của Binh nhất Giáp Văn Thụy cũng như nhiều chiến sĩ khác, Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 301, cho biết: "Đó là nguyện vọng chính đáng. Chiến sĩ có học vấn cao thực hiện NVQS là một nhân tố quan trọng để thực hiện chủ trương xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ở góc độ khác, tôi cho rằng điều này phản ánh sự công khai, dân chủ, minh bạch, chấp hành nghiêm pháp luật trong công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ".

Để tạo điều kiện, cơ chế thu hút các chiến sĩ có trình độ, tài năng thật sự phục vụ lâu dài trong quân đội, qua khảo sát tại một số đơn vị, nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề lớn và phải căn cứ vào chủ trương chung của Bộ Quốc phòng về nhu cầu đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ trong quân đội; căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị… Nếu chúng ta có cơ chế, chính sách phù hợp thì sẽ thu hút được nhân tài, tiết kiệm chi phí đào tạo, nhất là một số ngành, lĩnh vực mà các nhà trường quân đội chưa tổ chức đào tạo. 

Từ năm 2015, Bộ Quốc phòng thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới phương thức tuyển quân, hướng tới các đối tượng đã qua đào tạo ĐH, CĐ để nâng cao chất lượng tuyển quân. Để chủ trương này phát huy hiệu quả, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho chiến sĩ có trình độ, tài năng được phục vụ lâu dài trong quân đội sau khi hoàn thành NVQS. Đây cũng là vấn đề chính trị, xã hội đang được đông đảo nhân dân, nhất là đội ngũ thanh niên rất quan tâm.

Bài và ảnh: NGUYÊN THẮNG