 |
Chiến sĩ Đơn vị T2 (Quân khu 2) giải lao trên bãi tập. Ảnh: MINH TRƯỜNG
|
Đúng 19 giờ các chiến sĩ đã có mặt đông đủ tại phòng Hồ Chí Minh Phân đội 15 (Đoàn 5, Quân khu 7) dự buổi sinh hoạt bình báo tường của các “thi sĩ-chiến sĩ”. Dưới ánh điện, những bài hát cách mạng, những ca khúc quân hành vang lên, cán bộ, chiến sĩ ai cũng phấn khởi hồ hởi chuẩn bị trổ tài thi, ca, nhạc, họa... Nhìn họ thật sôi nổi, trẻ trung, hầu như không còn sự mệt mỏi sau một ngày huấn luyện, rèn luyện vất vả. Thú vị và hồi hộp ngay từ đầu là phần công bố tên các tác phẩm, tên chiến sĩ được tham gia bình báo. Những ánh mắt như đổ dồn về phía người dẫn chương trình-Thượng úy Phan Xuân Hưng. Sau mỗi tên tác phẩm nêu lên là những ánh mắt dõi tìm tác giả cùng những tràng vỗ tay chúc mừng. Chiến sĩ Lương Quốc Cường thuộc Đại đội 1 mở đầu phần bình báo với bài thơ “Tâm tình người lính trẻ”. Những lời thơ, lời bình mộc mạc nói lên tâm tư, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Buổi bình thơ mỗi lúc một sôi nổi, hào hứng với những vần thơ, bài hát do chiến sĩ ấp ủ, sáng tác trong quá trình học tập, rèn luyện, như các bài: “Cánh thư xuân”, “Thư lính pháo”…
Hạ sĩ Nguyễn Khắc Sáng, thuộc Đại đội 2 cho biết: Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã đam mê sáng tác thơ ca, song không có những buổi bình thơ, bình báo vui như ở đơn vị. Những sinh hoạt bổ ích này giúp chúng em học hỏi lẫn nhau và thêm yêu mến đơn vị, đồng đội, phát triển tài năng... Đại úy Nguyễn Văn Chương, Chính trị viên phó phân đội, Bí thư đoàn cơ sở cho biết: Chiến sĩ nhập ngũ vào đơn vị, cán bộ đã tìm hiểu nắm tâm lý, sở trường, năng lực của từng người để xây dựng các hạt nhân nòng cốt, gây dựng phong trào, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tham gia. Nhiều bài thơ, điệu hò, câu hát... do bộ đội sáng tác được chép vào sổ tay chiến sĩ, rồi họ cùng đọc, cùng chia sẻ trong sinh hoạt hoặc ngay trên bãi tập đầy nắng gió. Những bài thơ hay, lời bình “xuất sắc” còn được chỉ huy đơn vị biểu dương, chúc mừng bằng những món quà nhỏ như cây bút, phong bì thư, sách, truyện… cùng những tràng pháo tay, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần của bộ đội. Các bài thơ hay được “tổ biên tập” của đơn vị chọn lọc, trình bày trên báo tường, lưu giữ tại đơn vị với việc trang trí, nội dung, ý tưởng, chủ đề… phù hợp đặc điểm nhiệm vụ, tâm tư của cán bộ, chiến sĩ.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, hoạt động báo tường, bình thơ, bình báo… ở các phân đội vẫn là món ăn tinh thần, hoạt động văn hóa “đặc sắc” của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5, nhất là với những chiến sĩ mới lần đầu xa nhà, xa quê hương, người thân. Hoạt động báo tường đã đi vào nền nếp hằng quý, hằng năm, mỗi độ xuân về, nhân ngày thành lập Đoàn… Hội thi báo tường không chỉ thu hút cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà cả người thân, bạn gái của chiến sĩ, thanh niên địa phương, đơn vị kết nghĩa. Chính từ hoạt động báo tường mà Thiếu tướng Đoàn Văn Khoan, nguyên Chính ủy Đoàn 5 đã có những bài thơ hay được nhiều cán bộ, chiến sĩ yêu thích, lưu chép trong sổ tay, bởi đã phản ánh tâm tư tình cảm, khát vọng của tuổi trẻ đơn vị.
Hoạt động bình thơ, thi báo tường… vốn là “sở trường” của chiến sĩ ta, không phải tổ chức công phu, tốn kém, lại thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ hào hứng tham gia. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng, ở một số đơn vị, báo tường không phải là “sản phẩm tập thể”, mà do một vài đồng chí có năng khiếu “tự biên, tự diễn”; bài vở, thơ, tranh vẽ… chủ yếu cóp nhặt, sưu tầm, nội dung “nhạt” và không gần gũi, thiết thực với đời sống, công tác hằng ngày, tâm tư tình cảm của bộ đội. Có đơn vị do chạy theo hình thức, để đạt giải cao trong hội thi báo tường đã thuê người trình bày báo, in ấn công phu, gây tốn kém không cần thiết. Cũng như nhiều hoạt động “cây nhà lá vườn” khác, bình thơ, làm báo tường phải xuất phát từ tâm hồn, tình cảm, phục vụ thiết thực đời sống văn hóa-tinh thần của chiến sĩ.
DUY HIỂN-MINH NAM