QĐND Online - Giai đoạn 2009 – 2014, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã có nhiều đổi mới trong tổ chức phong trào thi đua Quyết thắng (TĐQT) và thu được kết quả tốt, tạo ra những đỉnh cao mới. Phóng viên Báo QĐND Online đã phỏng vấn Trung tướng Lê Văn Hoàng, Chính ủy TCHC để làm rõ hơn vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chính ủy, nhiều ý kiến cho rằng, phong trào TĐQT ở các cơ quan, đơn vị hiện nay đã đổi mới, nhưng vẫn còn mang tính hình thức. Ở TCHC, việc khắc phục hiện tượng này thế nào?
Trung tướng Lê Văn Hoàng: Những năm trước đây, Phong trào TĐQT đã được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai khá chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, có nội dung, có đợt thi đua cao điểm thực hiện chưa tốt, còn mang tính hình thức, kết quả hạn chế; có đơn vị tổ chức phát thì rất hoành tráng, nhưng duy trì phong trào không thường xuyên, liên tục, để phong trào rơi vào trầm lắng; sơ kết, tổng kết chưa chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nhất là những hạn chế để có biện pháp khắc phục; lựa chọn đối tượng biểu dương, khen thưởng chưa thực sự điển hình, giảm động lực thi đua, mất đi ý nghĩa của thi đua xã hội chủ nghĩa. Chính vì nguyên nhân ấy mà hoạt động thi đua chưa thu hút, động viên tổ chức, cá nhân.
Khắc phục những hạn chế đó, giai đoạn 2009-2014, Đảng ủy, chỉ huy TCHC đã quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám chắc phương hướng thi đua “Một tập trung, ba khâu đột phá” và “Bốn tốt”; từng bước đổi mới, vận dụng sát với yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm. Trong đó, những vấn đề: Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự; nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội… được lượng hóa thành các chỉ tiêu cụ thể, tạo “cột mốc”, “đỉnh cao” để cơ quan, đơn vị hướng tới. Nhiều biện pháp tổ chức thi đua được áp dụng, làm cho hoạt động thi đua khởi sắc, tươi mới, sống động, hút được mọi đối tượng. Một trong những biện pháp chủ đạo là tăng cường kiểm tra, rút kinh nghiệm để hạn chế biểu hiện hình thức trong thi đua của cơ quan chức năng; chỉ đạo lựa chọn đúng khâu đột phá trong thi đua; phát huy vai trò năng động của cán bộ chủ trì, gắn trách nhiệm cán bộ, đảng viên với thi đua; tổ chức thi đua khoa học, đúng quy trình và đổi mới xây dựng chỉ tiêu; gắn thi đua với xây dựng điển hình và lấy khen thưởng đúng tiêu chí, dân chủ, thực chất, đúng người, đúng việc để kích thích phong trào thi đua phát triển đồng đều.
PV: Với sự đổi mới quyết liệt ấy, Phong trào TĐQT giai đoạn 2009-2014 của các cơ quan, đơn vị trong TCHC đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa đồng chí?
 |
Trung tướng Lê Văn Hoàng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần.
|
Trung tướng Lê Văn Hoàng: Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, TCHC đã đạt được nhiều kết quả tốt trong phong trào TĐQT. Nhiều tập thể giành được cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và TCHC. Hàng trăm lượt tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng, chiến sĩ thi đua cơ sở. Tiêu biểu là mô hình "3 bám, 4 kịp thời" (Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; bám nguyên tắc và chức năng nhiệm vụ; bám cơ sở. Phát hiện vấn đề kịp thời, đề xuất kịp thời; giải quyết kịp thời; sơ kết, tổng kết kịp thời) ở khối cơ quan. Phong trào thi đua này đã giúp TCHC theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần. Đến nay, các đơn vị tự túc trên 95% định lượng rau, củ, quả; 65% định lượng thịt, tự xay xát được gần 40% nhu cầu lương thực; các mô hình vườn-ao-chuồng-giàn, trạm (trại) tăng gia chăn nuôi, chế biến tập trung phát triển rộng khắp...
Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng dần đi vào chiều sâu, thực chất. Chỉ tính từ năm 2010 đến 2013, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt TSVM tăng thêm 7,16%; tổ chức đảng yếu kém giảm từ 0,26%. Phong trào TĐQT cũng giúp tình hình vi phạm kỷ luật, tội phạm giảm hơn so với giai đoạn 2005-2009 là 17 vụ; TNGT giảm 43 vụ, tai nạn lao động, huấn luyện chỉ còn 2 vụ. Đáng kể nhất là phong trào thi đua tiết kiệm phát triển sâu rộng ở tất cả các cấp, các lĩnh vực và đạt 156 tỷ đồng, trong đó có 6 tỷ tiết kiệm điện, nước. Điển hình như Cục Quân nhu đã mạnh dạn đề xuất Bộ Quốc phòng và trực tiếp sản xuất, triển khai lắp đặt hệ thống bếp lò hơi cơ khí cho các bếp ăn trong toàn quân, giảm chi phí chất đốt, giảm thiểu độc hại, cải thiện điều kiện và sức khỏe nhân viên nuôi quân. Hay như việc tổ chức thi đua ở các doanh nghiệp đã khắc phục ảnh hưởng tâm lý do khủng hoảng tài chính, kinh tế và sắp xếp tổ chức, chuyển đổi mô hình quản lý, cổ phần hoá. Kết quả là, từ năm 2010 đến 2014, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong TCHC ước đạt 37.484.232 triệu đồng, nộp ngân sách 3.020.928 triệu đồng, lợi nhuận đạt 1.103.197 triệu đồng; thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 2.484.000 đồng/người/tháng (năm 2009), lên 5.145.000 đồng/người/tháng (6 tháng đầu năm 2014).
PV: Thi đua phải luôn gắn với khen thưởng, đó là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc khen thưởng của ta chưa có sức hút. Vậy vấn đề này được Đảng ủy, chỉ huy TCHC lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết như thế nào?
Trung tướng Lê Văn Hoàng: Thành công lớn nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào TĐQT ở TCHC là đột phá đổi mới công tác khen thưởng thông qua xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Đây là mắt xích, khâu đột phá, làm cho phong trào TĐQT mới mẻ, sôi động, có sức sống, tạo động lực lôi cuốn tập thể, cá nhân. Trên cơ sở tiêu chí khen thưởng của trên, Đảng ủy TCHC chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng các tiêu chí khen thưởng toàn diện và trên từng lĩnh vực công tác rồi lấy ý kiến rộng rãi trong tập thể. Tiếp đó, các đơn vị đã đăng ký danh sách điển hình để theo dõi, quản lý. Đầu năm, các điển hình viết cam kết, đăng ký thi đua bằng văn bản. Từ đây, ý thức trách nhiệm, sự sáng tạo của cá nhân, tinh thần đoàn kết tập thể được đề cao. Tiêu biểu như đã có hàng loạt các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ra đời, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. Đáng kể nhất là các đề tài khoa học và sáng kiến trong lĩnh vực y khoa của các cá nhân, tập thể ở Bệnh viện 105 và 354 thời gian qua. Nhiều công trình, đề tài, sáng kiến đã được ứng dụng rộng rãi trong khám, thu dung, cấp cứu và điều trị rất hiệu quả, được phổ biến, nhân rộng trong các bệnh viện toàn quân. TCHC chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức bình xét khen thưởng theo phân cấp, dân chủ, công khai, khách quan, không chạy theo tỷ lệ. Do phát huy tốt vai trò của cơ quan chức năng, nhất là cơ quan chính trị các cấp nên đã tránh được hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong khen thưởng, khen vượt tỷ lệ; tránh được hiện tượng trùng khen, khen chỉ huy, lãnh đạo nhiều hơn các đối tượng khác. Cùng với đó, ngoài kinh phí khen thưởng thường xuyên, TCHC cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trích quỹ vỗn từ tăng gia, sản xuất và hoạt động dịch vụ để thưởng xứng đáng cho những người có trách nhiệm thật, thành tích thật; nhất là những cá nhân, tập thể có sản phẩm nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến, sáng chế áp dụng và mang lại hiệu quả hữu ích trong thực tiễn. Có thể nói, những biện pháp trên là động lực khuyến khích các đối tượng thi đua bình đẳng và làm cho phong trào TĐQT trong TCHC phát triển đồng đều.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
MẠNH THẮNG (thực hiện)