“Một tập trung, hai khâu đột phá” vừa là tên phong trào thi đua Quyết thắng, vừa là khẩu hiệu hành động năm 2008 của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long. Qua phong trào này, nhiều đơn vị trong Binh đoàn đã khắc phục dứt điểm những điểm yếu tồn tại kéo dài, giảm tối đa các buổi hội họp không cần thiết, tăng thời gian bám nắm bộ đội của cán bộ.

Giảm 80% thời gian hội họp

7 giờ sáng ngày N. chúng tôi đến Đại đội 9 (Phân đội 3, Đoàn pháo binh B43, Binh đoàn Cửu Long) dự buổi kiểm tra báo động SSCĐ từ thường xuyên lên tăng cường đã thấy Thượng tá Phạm Kim Cương, Chính ủy Đoàn B43 có mặt ở đại đội. Anh trực tiếp cùng đội ngũ cán bộ cấp dưới kiểm tra từng khẩu đội. Tròn 39 phút, mọi nội dung theo yêu cầu đều đã sẵn sàng, sớm trước thời gian theo quy định “chuẩn”.

Huấn luyện chiến sĩ mới ở Đoàn Pháo binh B43 (Binh đoàn Cửu Long).

Nói chuyện về khả năng SSCĐ cũng như chất lượng xây dựng tác phong, nếp sống chính quy của đơn vị, Thượng tá Phạm Kim Cương cho biết: Năm 2008, hưởng ứng phong trào thi đua do Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn xác định, Đảng ủy Đoàn B43 đã quán triệt nghiêm túc, đồng thời tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, chiến sĩ cũng như các tổ chức quần chúng nhằm đề ra các biện pháp thực hiện. Qua đó, nhiều điểm yếu của đơn vị như: Tình trạng quản lý quân số còn lỏng lẻo; việc chấp hành kỷ luật chưa nghiêm; thực hiện quy định bảo đảm an toàn giao thông chưa tốt... được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thảo luận công khai, dân chủ. Đó thực sự là một diễn đàn làm chuyển biến nhận thức, thu hút sự quan tâm của mọi người, đồng thời nâng cao trách nhiệm xây dựng đơn vị. Trong rất nhiều ý kiến đóng góp, Đảng ủy nhận thấy tình trạng tổ chức các buổi hội, họp, quán triệt nhiệm vụ ở các cấp chiếm nhiều thời gian, mà chất lượng không cao. Từ thực tế này, Đảng ủy Đoàn quyết định chọn việc “đổi mới các buổi họp” làm khâu then chốt trong đột phá cải cách hành chính quân sự. Đảng ủy, chỉ huy Đoàn gương mẫu làm trước. Trước đây, sau khi có nghị quyết lãnh đạo, Đoàn thường tổ chức 5 hội nghị bao gồm: Hội nghị quân chính và 4 hội nghị chuyên ngành (tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật) để triển khai nhiệm vụ. Đến nay, sau khi có nghị quyết, các phòng chức năng phải chuẩn bị thật kỹ để trong hội nghị quân chính triển khai, lấy ý kiến các đơn vị cơ sở. Thực hiện chủ trương này, số thời gian tổ chức hội nghị giảm tới 80%, nhưng chất lượng công việc vẫn rất thông thoáng. Bởi lẽ, nội dung nhiệm vụ được triển khai kỹ, các đề xuất của đơn vị được phản ánh tập trung, giải quyết khắc phục những vấn đề nảy sinh cũng hết sức nhanh gọn.

Tinh thần chỉ đạo đó cũng được quán triệt sâu sắc đến từng phân đội. Đại úy Phạm Văn Vinh, Đại đội trưởng Đại đội 5 (Phân đội 2) cho biết: “Thực hiện tinh thần giảm họp, tăng thời gian bám nắm bộ đội, Ban chỉ huy đại đội rà soát lại các loại hình hội họp ở đơn vị, thực hiện giảm từ 2 đến 3 phiên họp mỗi tuần. Các buổi sinh hoạt của tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân được kết hợp trong ngày sinh hoạt chính trị văn hóa tinh thần hằng tháng. Đơn giản như chế độ điểm danh, điểm quân số hằng ngày, hằng tuần, do chuẩn bị kỹ, xác định rõ nội dung nên cũng giảm được 15 phút cho mỗi lần tiến hành”.

Đại tá Nguyễn Mạnh Dũng, Đoàn trưởng, Chủ tịch Hội đồng thi đua Đoàn B43 đánh giá: “Đột phá vào khâu cải cách hành chính quân sự đã thiết thực tăng thêm 150% thời gian bám nắm bộ đội của đội ngũ cán bộ. Mọi nhiệm vụ trong đơn vị “chạy” hơn. Đơn vị chấm dứt được việc cán bộ, chiến sĩ đi lại sai quy định, không có vụ việc vi phạm kỷ luật. Rõ nhất là đợt trực SSCĐ trong dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, đơn vị được cấp trên kiểm tra đánh giá đạt loại giỏi…”.

Chọn đúng khâu đột phá

“Chúng tôi chống hình thức trong thi đua bằng cách chọn đúng khâu đột phá, đặt ra chỉ tiêu cho từng đơn vị phấn đấu giải quyết cho được các khâu yếu, việc khó”- Đại tá Phan Tiến Hạc, Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Binh đoàn Cửu Long khẳng định. Đồng chí thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những mặt làm được, nhiều năm trước đây, phong trào thi đua ở Binh đoàn còn có lúc “chạy theo” nhiệm vụ chính trị, mà chưa thực sự tạo ra động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ vươn lên trong học tập, rèn luyện và công tác. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2008, Đảng ủy Binh đoàn đã có nghị quyết chuyên đề xác định: Đột phá vào các khâu yếu, mặt yếu tồn tại kéo dài. Từ nghị quyết này, Hội đồng thi đua Binh đoàn xác định khẩu hiệu: “Một tập trung, hai khâu đột phá”: Một tập trung là tập trung cho đơn vị cơ sở, trước hết là các đơn vị cơ sở đủ quân. Hai khâu đột phá là đột phá vào rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy và đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự.

Phong trào thi đua xây dựng môi trường cảnh quan đã tạo ra nhiều khuôn viên doanh trại đẹp ở Đơn vị N50 (Binh đoàn Cửu Long).

Sự cụ thể hóa của “một tập trung, hai khâu đột phá” ở từng đơn vị có những sáng tạo riêng. Như Đơn vị B1 (Đoàn B09), mấy năm về trước tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường khá cao. Đến nay, sau khi thực chủ trương “một tập trung, hai khâu đột phá” tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, nhiều đơn vị trong Binh đoàn còn có sáng kiến sử dụng một số đồng chí đã từng vi phạm khuyết điểm làm báo cáo viên, trình bày rõ nguyên nhân vi phạm. Bằng cách làm này thực sự trở thành bài học trực quan sống động, thuyết phục mọi người tham gia tích cực vào phong trào thi đua. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật, hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua.

Đại tá Phan Tiến Hạc cho biết thêm: Chọn đúng các khâu yếu, mặt yếu để làm khâu đột phá chẳng những giúp các đơn vị giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài, mà còn thực sự tạo nên động lực để các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Binh đoàn hiện nay đều thể hiện rõ điều này như: Đơn vị Công binh N50 lấy “thái độ, trách nhiệm của cán bộ với nhiệm vụ” làm khâu đột phá, thực sự làm tăng hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ mọi mặt của đơn vị. Đoàn Pháo binh B43 tập trung cải cách hành chính quân sự, đã làm cho đội ngũ cán bộ các cấp có thêm thời gian tìm hiểu, nắm bắt tâm tư tình cảm của bộ đội, khắc phục triệt để tình trạng bộ đội đào, bỏ ngũ. Đơn vị 3 (Đoàn 9) do đóng quân ở vùng sâu, vùng xa nên chọn việc “nắm chắc, hiểu rõ nhiệm vụ” của cán bộ làm khâu đột phá... Trong đợt thi đua “60 ngày đêm hành động kiểu mẫu mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc năm nay, toàn Binh đoàn xác định đây là đợt thi đua cao điểm nhằm đưa phong trào “Một tập trung, hai khâu đột phá” giành những đỉnh cao mới. Tính đến nay, các mục tiêu đề ra đã hoàn thành xuất sắc, đặc biệt là chỉ tiêu “mỗi đại đội một công trình kỷ niệm”. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm quý về đặt mục tiêu thi đua đột kích vào phong trào thi đua thường xuyên ở Binh đoàn Cửu Long.

Bài và ảnh: HỒNG HẢI