QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Quảng Nam là một trong những nguồn cung cấp sức người, sức của quan trọng cho lực lượng vũ trang ở chiến trường Liên khu 5, Hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, nên thực dân Pháp trong Kế hoạch Na-va, được triển khai từ giữa năm 1953, đã tập trung tăng cường lực lượng để đánh chiếm và bình định vùng tự do Quảng Nam.

Cán bộ Tỉnh đội Quảng Nam và các đơn vị bàn kế hoạch tác chiến năm 1953-1954. Ảnh tư liệu.

Để đạt mục tiêu, Quân đội Pháp mở chiến dịch Át-lăng, với 3 bước: Bước 1, đánh chiếm tỉnh Phú Yên; bước 2, đánh chiếm Bình Định; bước 3, tập trung lực lượng đánh chiếm Quảng Ngãi, đặc biệt là Quảng Nam-nơi tập trung cơ quan đầu não của Liên khu 5. Thực dân Pháp huy động hơn 50 nghìn binh lính của các binh đoàn cơ động mạnh, như: Binh đoàn cơ động số 10, số 100 lính lê dương; điều động các Binh đoàn số 11 từ Bình-Trị-Thiên vào, số 21 từ Nam Bộ ra và các Binh đoàn số 41, 42 tại chỗ, để tham gia chiến dịch Át-lăng. Như vậy, trên chiến trường Liên khu 5, trong sự tương đồng về thời gian, âm mưu thủ đoạn, quy mô và phương thức tiến hành, thì chiến dịch Át-lăng được triển khai song song với Điện Biên Phủ, có sự tác động hỗ trợ lẫn nhau.

Quán triệt chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Liên khu 5 xác định nhiệm vụ trong việc đối phó với chiến dịch Át-lăng. Ta chủ trương buộc địch phân tán lực lượng bằng việc tấn công lên Tây Nguyên, tiêu diệt lực lượng chủ lực địch, giải phóng Kon Tum và Bắc Tây Nguyên, bảo vệ vững chắc vùng tự do.

Sau khi ta tấn công, chặn địch ở Phú Yên, tạo điều kiện tiến lên giải phóng Bắc Tây Nguyên; địch buộc phải điều các đơn vị chủ lực trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng tăng cường cho Tây Nguyên. Đồng thời, để đánh lạc hướng bộ đội ta, chúng liên tiếp tấn công ta ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An. Nắm được ý đồ của địch, để huy động lực lượng, động viên tinh thần quân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với chiến trường cả nước và Liên khu 5, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động Phong trào "Thi đua giết giặc lập công", giành cờ thưởng luân lưu "Quyết chiến, quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, quân và dân tỉnh Quảng Nam đã tạo nên các đợt nổi dậy từ đồng bằng đến miền núi, đồng loạt tấn công vào các vị trí của địch trên địa bàn huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Bến Hiên, Bến Giằng... Quân và dân Quảng Nam thực hiện chia cắt, tiêu diệt địch tại một số vị trí xung yếu như: Đèo Hải Vân, hạ đồn Châu Lâu, Non Trượt, đồn Thủy Tú, Hòa Vang, thị xã Hội An..., hỗ trợ, chi viện cho chiến trường chính Tây Nguyên, Hạ Lào. Chiến dịch Át-lăng của địch tại Quảng Nam bước đầu bị phá sản.

HƯƠNG NGÂN (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam)