QĐND - Sau một thời gian nghiên cứu, xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ngày 19-3-2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 823/QĐ-BQP “Về việc tổ chức lại Viện Thuốc phóng Thuốc nổ (TPTN), hoạt động theo Nghị định 115 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ (KH-CN) công lập”. Đây là đơn vị đầu tiên trong quân đội được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép triển khai theo mô hình mới này.

 

Tạo sự chủ động trong nghiên cứu khoa học

 

Đây là điều đầu tiên được Đại tá, PGS, TS Ngô Văn Giao, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Viện trưởng Viện TPTN, khẳng định trong buổi làm việc với chúng tôi. Anh Giao nói:

- Từ trước tới nay, ở các tổ chức KH-CN công lập, kinh phí đầu tư cho việc triển khai các đề tài nghiên cứu đều được ngân sách Nhà nước bảo đảm. Vì vậy, một số cán bộ khoa học ở các đơn vị này chưa dành hết tâm lực, trí lực cho công trình do mình đảm nhiệm. Chỉ xét đơn thuần về mặt thu nhập, cán bộ khoa học đảm nhiệm đề tài dù chất lượng tới đâu, hằng tháng vẫn được hưởng lương theo quy định. Đây là nguyên nhân gây nên sức ỳ rất lớn trong nghiên cứu khoa học của đội ngũ những người làm khoa học. Tính thụ động, không phát huy hết khả năng, tâm lý ỷ lại tồn tại trong tư duy làm khoa học của đội ngũ cán bộ nghiên cứu chiếm tỷ lệ không nhỏ. Mặt khác, việc quản lý hành chính làm cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu không có động lực phát triển từ bên trong.

Nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm thuốc nổ trên dây chuyền công nghệ hiện đại ở Viện TPTN.

- Vậy, việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo phương thức mới liệu có giải quyết được tình trạng nêu trên? - Tôi hỏi Đại tá, PGS, TS Ngô Văn Giao.

- Việc thực hiện mô hình hoạt động theo phương thức mới, nói một cách dễ hiểu là sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học phải do chính nhà khoa học quyết định từ đầu tư kinh phí đến chất lượng sản phẩm. Khi nghiên cứu thành công một sản phẩm khoa học, cán bộ nghiên cứu trực tiếp tham gia sẽ được thụ hưởng theo đúng giá trị của sản phẩm. Nói cách khác, sản phẩm do anh nghiên cứu mang lại giá trị cao, được thị trường chấp nhận thì anh sẽ được hưởng thành quả lao động cao và ngược lại. Do chuyển đổi cơ chế, làm cho nhận thức của cán bộ, nhân viên ở các đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học sẽ thay đổi theo hướng tích cực, tránh được tình trạng trông chờ, ỷ lại, thụ động trong triển khai nhiệm vụ chính trị được giao. Khi triển khai nhiệm vụ, họ đều chủ động, tính đến hiệu quả và luôn nghĩ tới tiết kiệm nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian, chú trọng năng suất chất lượng, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; hoạt động nghiên cứu KH-CN, tư vấn và chuyển giao công nghệ sẽ mang lại hiệu quả. Như vậy, khi thực hiện cơ chế này, vấn đề đặt ra là đòi hỏi đội ngũ cán bộ nghiên cứu phải hết sức năng động; bám sát nhu cầu của thị trường để tổ chức nghiên cứu. Đây là điều kiện để tạo ra sự chủ động trong quá trình lựa chọn đề tài và quyết định đầu tư nghiên cứu đối với các nhà khoa học. 

 

 Giữ cán bộ và tận dụng năng lực trang bị

 

Đây là cái được lớn thứ hai trong thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo phương thức mới. Theo đó, Viện TPTN sẽ tận dụng được nguồn nhân lực, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có trong biên chế. Quá trình nghiên cứu sẽ tạo được sự đa dạng trong sản phẩm mang tính lưỡng dụng, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, vừa phục vụ phát triển kinh tế. Với sự chủ động trong nghiên cứu, Viện TPTN có thể chủ động, phát huy tối đa thế mạnh của đơn vị, nhất là nghiên cứu, chế tạo, đưa ra thị trường các loại vật liệu nổ mới; các sản phẩm đặc chủng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đề cập đến vấn đề nêu trên, anh Giao cho rằng: Với những lợi thế đó, các sản phẩm nghiên cứu không những mang lại lợi ích cho đơn vị mà còn góp phần nuôi dưỡng, gìn giữ, tái tạo, thu hút đội ngũ cán bộ nghiên cứu (viện có điều kiện trả lương và tạo việc làm cho hơn 80 lao động tại nơi đóng quân). Mặt khác, việc được tham gia các chương trình nghiên cứu cũng chính là cơ hội để đội ngũ cán bộ của đơn vị rèn luyện, bổ sung kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị (khóa XI). Với cơ chế tự chủ phần lớn về tài chính, chính là điều kiện để đơn vị thu hút được đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao tham gia các đề tài; đồng thời hoàn toàn chủ động được nguồn nhân lực có chất lượng, có kinh nghiệm, sẵn sàng tham gia các chương trình, dự án trọng điểm, cũng như thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao.

Nghiên cứu, tìm hiểu thực tế mô hình chuyển đổi một phần hoạt động theo phương thức mới còn tạo điều kiện để đơn vị quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính. Theo lý giải của lãnh đạo Viện TPTN thì nếu thực hiện theo phương thức trước đây, nguồn kinh phí của công trình nghiên cứu do Nhà nước bảo đảm toàn bộ thì bây giờ, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phần còn lại phụ thuộc vào sự tính toán của các nhà khoa học. Như vậy, việc này sẽ khắc phục được sự lãng phí trong sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, một vấn đề “cố hữu” mà từ trước tới nay, các cơ quan chức năng chưa giải quyết được trong tổ chức nghiên cứu khoa học.

- Cũng từ sự chủ động về tài chính nên lợi nhuận thu được thông qua các sản phẩm nghiên cứu sẽ là điều kiện để đơn vị ký hợp đồng lao động với những cán bộ giỏi và hỗ trợ kịp thời các công trình nghiên cứu có giá trị cao... - anh Giao khẳng định.

Thực hiện mô hình theo cơ chế mới cũng là điều kiện để Viện TPTN tự chủ hơn trong tổ chức sản xuất với những sản phẩm quy mô vừa, số lượng không nhiều, phù hợp với năng lực của đơn vị. Điều này vừa gắn quá trình nghiên cứu với quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; vừa mang lại lợi ích trực tiếp cho đội ngũ cán bộ khoa học. Thực hiện cơ chế mới, Viện TPTN được phép thành lập xí nghiệp sản xuất trên cơ sở nâng cấp xưởng sản xuất, chế thử trước đây.

Như vậy có thể thấy rõ những ưu việt trong tổ chức thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo phương thức mới ở Viện TPTN. Tuy nhiên, do là đơn vị đi đầu và chưa có mô hình cụ thể trong thực tiễn nên chắc hẳn, đội ngũ các nhà khoa học ở đây cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Cái lợi là rất rõ, điều quan trọng phụ thuộc vào quyết tâm của đội ngũ các nhà khoa học ở Viện TPTN trong tổ chức thực hiện.  

Bài và ảnh: LONG TUÂN THẮNG