Bám sát chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp là Cục Nhà trường, đồng thời linh hoạt, sáng tạo và không ngừng đổi mới để thích ứng với điều kiện dịch bệnh, các nhà trường đã hoàn thành tốt kế hoạch, chương trình, nội dung năm học, với một số chỉ tiêu nổi bật hơn so với năm học 2019-2020.
Linh hoạt, phù hợp với thực tế
Trong năm học 2020-2021, các nhà trường quân đội đã chủ động khắc phục khó khăn, nhất là tác động từ đại dịch Covid-19 để tập trung đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát thực tế. Tại Học viện Hậu cần, để bảo đảm chất lượng dạy-học gắn với phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, nhà trường đã tổ chức quân số các lớp học linh hoạt, phù hợp từng phòng, bảo đảm mỗi học viên một bàn, khoảng cách giữa các bàn tối thiểu là hai mét; thực hiện đeo khẩu trang trong suốt thời gian học tập; tổ chức giảng dạy qua cầu truyền hình đối với một số phòng học...
 |
Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và Học viện Quân y động viên cán bộ, học viên Học viện Quân y lên đường vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 (tháng 8-2021). Ảnh: VĂN CHIỂN |
Trong thời điểm địa bàn đóng quân có dịch bùng phát, học viện không tổ chức các hoạt động huấn luyện dã ngoại ngoài doanh trại mà thay thế các tiết học tham quan bằng các hình thức huấn luyện tập bài, tọa đàm, phù hợp với nội dung từng môn học. Học viện cũng linh hoạt chuyển một phần lực lượng thực tập ở các đơn vị trên địa bàn Quân khu 3 có nguy cơ dịch bệnh sang các đơn vị trên địa bàn Quân khu 1, Quân khu 2.
Đại tá Vũ Hồng Hà, Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Hậu cần) cho biết thêm: “Học viện cũng linh hoạt tổ chức Lễ bế giảng năm học 2020-2021 theo 4 nhóm đối tượng ra trường, thay vì tổ chức một buổi cho tất cả các đối tượng, vừa đáp ứng yêu cầu thời gian, vừa bảo đảm quy định PCD; đặc biệt đã chủ động liên hệ, hiệp đồng chặt chẽ, tổ chức xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR cho số học viên tốt nghiệp, xin mệnh lệnh cơ động của cấp trên, tổ chức xe đưa học viên về bàn giao tại các đầu mối đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, bảo đảm an toàn tuyệt đối”.
Kết thúc năm học, kết quả GD-ĐT của Học viện Hậu cần vượt chỉ tiêu nghị quyết năm học đề ra, nổi bật là đối tượng đào tạo cử nhân phân đội, với kết quả huấn luyện chuyển năm học có tỷ lệ khá, giỏi tăng hơn 11,8%, tốt nghiệp ra trường tỷ lệ khá, giỏi tăng 6,34% so với năm học trước.
Nằm trên địa bàn TP Hà Nội, Học viện Biên phòng cũng có nhiều đổi mới để thích ứng với điều kiện PCD của địa phương. Đại tá Khuất Văn Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Giám đốc Học viện Biên phòng cho biết: “Trong huấn luyện, học viện đã điều chỉnh chương trình, kế hoạch, lịch huấn luyện theo từng tuần, từng môn học, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; điều chỉnh phương pháp lên lớp, huấn luyện theo hướng “chia nhỏ, tập nhiều”; tăng thời gian trao đổi, tự học, tự nghiên cứu, tự luyện tập; đẩy mạnh áp dụng đánh giá kết quả các môn bằng hình thức trắc nghiệm”.
Ngoài ra, khi cơ động lực lượng huấn luyện tại các cơ sở hay trung tâm huấn luyện thực hành, học viện sử dụng ô tô, thực hiện “một cung đường, hai điểm đến”, không để cán bộ, học viên tiếp xúc với người lạ. Khi hành quân lên giảng đường, đội hình học viên đi theo nhiều đường, lên xuống cầu thang giảng đường bảo đảm giãn cách về thời gian; sắp xếp lại chỗ ngồi trên phòng học thông thoáng; triển khai cho học viên tự học buổi chiều tại đơn vị. Việc tổ chức cho học viên tốt nghiệp về các đơn vị cũng được Học viện Biên phòng thực hiện khoa học, hiệu quả.
Đại tá Vũ Hồng Khanh, Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Biên phòng) cho biết: “Ở một số địa bàn cụ thể, học viện kết hợp xe đưa cán bộ về học viện dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng để đón sĩ quan mới ra trường đi chiều về, bàn giao cho các đơn vị. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các đoàn công tác đưa học viên tốt nghiệp về bàn giao cho các đầu mối đơn vị, bảo đảm an toàn tuyệt đối”.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn trong thời gian tuyển sinh quân sự (TSQS) nên các nhà trường quân đội đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền hướng nghiệp TSQS; gửi hơn 20.000 tài liệu về TSQS tới ban TSQS cấp tỉnh, huyện và gần 4.900 trường THPT trên toàn quốc. Khi tiếp nhận học viên về nhập học, các trường triển khai nghiêm túc các biện pháp PCD như cách ly, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR; khám phúc tra sức khỏe, bảo đảm an toàn, đủ điều kiện mới tổ chức nhập học và học tập theo kế hoạch.
Nhờ triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ các biện pháp nên theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu), những hạn chế, tồn tại của năm học 2019-2020 cơ bản được các nhà trường khắc phục trong năm học 2020-2021; chất lượng GD-ĐT tiếp tục được nâng lên; cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chỉ huy tốt nghiệp ra trường có trình độ, năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị.
Bước trưởng thành mới của thầy và trò
Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức, song cũng khơi dậy, củng cố sự đồng thuận, đoàn kết và sức mạnh trí tuệ của các nhà trường. Theo Đại tá Vũ Hồng Hà, từ quá trình điều chỉnh nội dung, chương trình, hình thức huấn luyện cho các đối tượng, áp lực đã được tạo ra, qua đó rèn luyện khả năng phản ứng linh hoạt và sự năng động, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện Hậu cần. Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng công nghệ thông tin của thầy và trò cũng được nâng lên một bước trong thời dịch. Ví dụ, thay vì đi trinh sát thực địa trong bài tập dã ngoại, giảng viên đã ứng dụng phần mềm cho học viên trinh sát thực địa trên bản đồ kỹ thuật số...
Với Học viện Biên phòng, học viên các khóa có điều kiện “thử lửa” ngay trong quá trình đào tạo, thông qua hoạt động thực tế, thực tập kết hợp với PCD Covid-19. Đại tá Vũ Hồng Khanh cho biết: “Trong năm học vừa qua, Học viện Biên phòng đã tổ chức hai đợt với gần 700 học viên đi thực tế, thực tập và PCD tại 5 tỉnh ở khu vực biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được cấp ủy, chính quyền các địa phương khen thưởng và đánh giá cao”.
Năm 2020 đi thực tế và trực tiếp PCD tại Lạng Sơn trên cương vị chiến sĩ, sang năm 2021 lại đi thực tập và PCD tại Long An với cương vị Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính, Trung sĩ Nguyễn Tuấn Anh, lớp 41A, Đại đội 41, Tiểu đoàn 4 (Học viện Biên phòng) vừa được góp sức vào công tác PCD giúp nhân dân, vừa tích lũy kiến thức thực tế chuyên ngành quản lý biên giới.
“Với khoảng 7 tháng hoạt động trên các tuyến biên giới, tôi từng bước làm quen và trực tiếp tham gia công tác bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; tuyên truyền, vận động nhân dân PCD Covid-19, không vượt biên trái phép; tham gia phòng, chống và xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép... Đây là những kiến thức thực tế vô cùng hữu ích đối với tôi”, Trung sĩ Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Trong khi đó, để đảm nhiệm số đầu lớp tăng cao do quá trình tách lớp, đội ngũ giảng viên cũng phải đẩy mạnh đổi mới phương pháp để bảo đảm thời gian, nội dung giảng dạy. Trực tiếp dẫn học viên đi thực tế, thực tập kết hợp PCD trên biên giới, Trung tá Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên Khoa Cửa khẩu (Học viện Biên phòng) chia sẻ: “Tham gia nhiệm vụ này, giảng viên có điều kiện gắn lý luận với thực tiễn; tích lũy thêm kinh nghiệm cả trong quản lý cửa khẩu cũng như trong PCD để làm phong phú thêm bài giảng; đồng thời có thêm những ý tưởng, sáng kiến trong nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu...”.
Trong hệ thống nhà trường quân đội, Học viện Quân y cũng cử học viên trực tiếp tham gia PCD Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 khẳng định: “Nhân dân miền Đông Nam Bộ là những vị khảo thí khách quan, chính xác nhất đối với học viên Học viện Quân y. Bà con chia sẻ với chúng tôi rằng họ rất yên tâm, tin tưởng và xúc động khi được các tổ quân y cơ động do cán bộ, học viên đảm nhiệm cứu chữa, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả”.
Như vậy có thể thấy, sự sáng tạo, thay đổi để thích ứng, vươn lên được thể hiện rất rõ trong hoạt động của các nhà trường. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng làm nên những kết quả nổi bật trong công tác GD-ĐT của quân đội năm học 2020-2021.
HOÀNG HÀ - DUY ĐÔNG