QĐND - Làm nên thắng lợi “chấn động địa cầu” của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 bên cạnh những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu còn có sự góp công sức không nhỏ của lực lượng dân công, đặc biệt là dân công hỏa tuyến ngày đêm tiếp lửa cho chiến trường. Thanh Hóa là một trong những địa phương có lực lượng dân công đông đảo nhất với 1.061.593 lượt người, hơn 27 triệu ngày công đã chi viện hơn 34 nghìn tấn thóc cùng một số lượng lớn lương thực, thực phẩm khác phục vụ cho chiến trường.
Một thời oanh liệt
Trong những ngày tháng Năm lịch sử, chúng tôi về lại Xứ Thanh tìm gặp cụ Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội Xe thồ hỏa tuyến 101 Thanh Hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau một hồi vòng qua các con phố hẹp, chúng tôi cũng tìm được nhà cụ Trần Khôi. Gia đình cụ sống trong một ngôi nhà nhỏ giản dị nằm nép mình trên con phố Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Dù đã 85 tuổi, sau 58 năm trở về từ những con đường tiếp vận Điện Biên, mái tóc đã bạc phơ nhưng đôi mắt cụ còn tinh anh và dáng đi còn nhanh nhẹn.
Đưa mắt nhìn xa xăm hồi tưởng lại một thời trai trẻ với trí nhớ còn khá minh mẫn, cụ Trần Khôi chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về quá trình tham gia cách mạng và những dấu ấn khó quên khi tham gia trong đoàn dân công hỏa tuyến chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954.
Đại đội Dân công 101 của cụ Trần Khôi được giao nhiệm vụ chuyển lương thực từ Thanh Hóa, đi qua Sầm Nưa đến Vạn Mai, lên Cò Nòi rồi từ đó chuyển qua Sơn La lên Điện Biên. Những con đường được lực lượng dân công đi trước xé rừng và đánh dấu bằng vải trắng, sau đó, từng đoàn xe thồ và dân công bộ lần theo đó mà đi. Đoàn dân công hầu hết là những chàng trai, cô gái còn trẻ ở vào độ tuổi mười tám đôi mươi. Trong Đại đội Dân công 101 có những cô gái mới 17 tuổi. Dù ở vào cái độ tuổi sung sức nhất, nhưng không ít người đã bị quật ngã giữa chốn rừng thiêng nước độc, mãi mãi nằm lại giữa đại ngàn Tây Bắc.
 |
85 tuổi, cụ Trần Khôi còn tinh anh lắm. |
Hồi ấy, anh thanh niên Trần Khôi có một chiếc xe đạp được gia đình mua cho từ khi còn đi học. Từ chiếc xe nguyên bản có nguồn gốc từ Pháp, Trần Khôi cùng đồng đội tháo bớt một số bộ phận, đồng thời gia cố lại nan hoa, khung vành và gắn thêm các giá thồ hàng, một tay ngai bằng tre được lắp thêm vào tay lái để dễ dàng điều khiển. Từ những chiếc xe thồ này, nhiều chuyến hàng đã được đưa ra mặt trận. Với quyết tâm và sự sáng tạo của các chiến sĩ dân công, sức chở của những chiếc xe không ngừng tăng lên. Ban đầu là 60kg sau tăng dần lên 1 tạ, rồi 2 tạ. Kỷ lục được xác lập lần đầu thuộc về “Kiện tướng thồ hàng” Cao Văn Tỵ với 320kg, sau đó được nâng lên 345,5kg với thành tích của “Vua xe thồ” Trịnh Ngọc.
Do khối lượng chở quá lớn lại đi trên đường đèo núi nên hầu hết các xe đều bị hỏng lốp. Để xe vẫn tiếp tục lăn bánh, nhiều người đã xé những mảnh chăn, thậm chí là cả quần áo của mình để quấn vào vành xe. Những đoạn đường ngược dốc chiếc xe thồ chỉ chực trôi xuôi. Có dân công đã dùng cả cơ thể của mình để chèn xe. Vượt qua những núi non hiểm trở, bàn chân tứa máu vì bám đá tai mèo, những đôi tay phồng rộp vì giữ xe, khuôn mặt xanh xao vì sốt rét rừng, những vệt cháy xém ngang mặt vì bom đạn… nhưng không gì có thể ngăn được đoàn xe thồ tiến lên phía trước.
Cụ Trần Khôi chợt trầm tư, một lần trong chuyến vận chuyển lương thực ban đêm từ Vạn Mai lên Cò Nòi, đoàn xe đang leo lên dốc cao thẳng đứng, bất ngờ địch bắn pháo sáng để thám báo. Đoàn xe phải dừng lại giữa vách núi trú ẩn. Do dốc quá cao và sức tải lớn, một chiếc xe đã tuột dốc, người chiến sĩ dùng sức mình ghì xe lại. Nhưng chiếc xe vẫn trôi xuôi. Để tránh va vào đồng đội phía sau khiến cả đoàn xe có thể bị đẩy rơi xuống vách núi, anh đã đánh quật tay lái cho xe tránh ra mép đường rồi cả người và xe rơi xuống vực sâu. Khi đồng đội tìm được thì cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Đoàn xe nuốt nước mắt, chôn cất xong lại chia số lương thực của người ngã xuống lên xe mọi người và tiếp tục lên đường.
Đêm đi, ngày nghỉ, chiến sĩ dân công Trần Khôi và những người đồng đội thồ hàng dưới làn bom đạn kẻ thù, bám rừng trèo đèo, vượt suối có đêm đi được hơn 20km đường rừng. Cứ mải miết như vậy, từng đoàn xe thồ và gồng gánh nối dài chi viện cho chiến trường.
Còn đó những trăn trở
Sau ngày chiến thắng, mọi người lại trở về với cuộc sống đời thường, tiếp tục với sự nghiệp củng cố và xây dựng đất nước. Nhưng ít ai quên được ngày tháng vượt rừng, lội suối vì Điện Biên lịch sử. Lần dở từng kỷ vật, cụ Trần Khôi đưa cho chúng tôi xem một bức ảnh của ban chỉ huy Đại đội Xe thồ 101 (chụp ngay sau ngày trở về khi kết thúc chiến dịch) rồi cụ xúc động nói: “Đi cả rồi, trong số từng ấy người, giờ còn lại một mình tôi. Mấy anh tiểu đội trưởng thì chẳng có tin tức gì từ ngày ấy”. Nghe cụ Trần Khôi điểm tên lần lượt từng người, chúng tôi chạnh lòng.
Khi được hỏi về gia cảnh những chiến sĩ dân công từng vang danh một thời, cụ Khôi cho biết: “Kiện tướng thồ hàng” Cao Văn Tỵ sau này về sống ở Hải Phòng và mất tại đó, ông Đới Sỹ Trầu “kiện tướng gánh bộ” ở Quảng Xương, bà Phạm Thị Hồng là người Vĩnh Lộc nhưng sau này chúng tôi cũng không gặp lại và không thấy ai nhắc đến, cụ Trịnh Ngọc “Vua xe thồ” cũng đã mất. Cách đây 8 năm, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004) đội dân công hỏa tuyến đã tổ chức gặp mặt. Nhưng người còn, người mất giờ tuổi đã cao chắc cũng khó nhớ được tên nhau.
Những chiến sĩ dân công hỏa tuyến năm xưa rất hiếm khi nhắc tới chiến công mà mình đã thầm lặng đóng góp cho Tổ quốc. Dù họ không đòi hỏi quyền lợi đặc biệt gì, nhưng cho đến tận bây giờ chế độ chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của toàn xã hội dành cho họ vẫn chưa thực sự thỏa đáng. Ông Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho chúng tôi biết: “Dân công hỏa tuyến đến nay vẫn chưa có hỗ trợ gì!”.
Bài và ảnh: Trần Duy Văn