QĐND - LTS: Để giúp bạn đọc và thân nhân các liệt sĩ hiểu rõ hơn về những trận chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của bộ đội ta tại thị xã Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cuối tháng 5-1972, trong số báo hôm nay, tòa soạn Báo Quân đội nhân dân  trích đăng hồi ký của cựu chiến binh Nguyễn Đăng San, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5.

Ngày ấy, chúng tôi thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Để phối hợp với các mặt trận, đặc biệt là chiến trường Quảng Trị và Khu 5, sau Chiến thắng Đắc Tô-Tân Cảnh, đơn vị tôi nhận lệnh đi đánh địch trong thị xã Kon Tum. Vượt qua nhiều bãi bom lân tinh, mìn lá, mấy ngày sau, phân đội tiến vào giáp khu vực có địch, nhưng lại được lệnh rút ra cách khá xa thị xã, tạm dừng tấn công địch. Tiếp đó, phân đội củng cố, bổ sung, điều chỉnh lực lượng, học tập, bình xét thi đua. Tôi được đại đội đề nghị mặt trận tặng Huân chương Chiến công hạng ba về thành tích chiến đấu đánh địch ở đồi Ngọc Tụ, chỉ huy bắn cháy xe tăng, tiêu diệt, bắt sống, thu hồi nhiều vũ khí trang bị, góp phần giải phóng căn cứ Phượng Hoàng và Đắc Tô II.

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng San hồi tưởng lại những ngày chiến đấu tại thị xã Kon Tum, cuối tháng 5-1972. Ảnh: Thành Duy

công thu hút địch vào phía Nam thị xã Kom Tum. Để các hướng của ta từ phía Tây Bắc tấn công vào Biệt khu 24 của địch, chỉ huy đơn vị quán triệt: Khi vào thị xã phải làm tốt công tác dân vận, vì đồng bào sống trong vùng địch thường xuyên bị ngụy quân, ngụy quyền tuyên truyền xuyên tạc: “Cộng sản nhẹ như những con nhái bén, bảy người không đu gãy cành đu đủ; thường cướp bóc, giết người…”. Do vậy, khi đơn vị vào đánh địch và tiếp cận với nhân dân phải thận trọng, tạo lòng tin với đồng bào.

Lực lượng tiến công từ phía Nam thị xã của đơn vị tôi lúc này gặp vô vàn khó khăn, mấy ngày toàn ăn cháo loãng. Anh em thay nhau vào rừng đào củ mài, lấy cây môn ngứa mọc hoang dưới nước nấu canh, nhổ cỏ tranh phơi khô đốt rồi hòa nước thay muối khoáng… mời nhau trước khi vào trận.

Chiều 24-5-1972, đồng chí nuôi quân đơn vị phát cho mỗi người một nắm cơm to bằng quả trứng và hai chiếc bánh sắn không nhân, nhạt muối. 21 giờ, lực lượng phía Nam vượt đồi núi đến cạnh bờ sông Đắc La bao quanh thị xã Kon Tum. Bộ đội dừng lại đào hầm, làm vừa xong thì có lệnh vượt sông tiến đánh địch.

Lực lượng phía Nam tiến vào đánh địch trong thị xã Kon Tum có hai phân đội, đó là Tiểu đoàn 2-Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 6-Trung đoàn 141, cùng với đặc công, trinh sát, đại đội cối và ĐKZ của trung đoàn, sư đoàn tăng cường. Phân đội tôi đang tiếp cận thì mũi của Đại đội 5 vấp phải mìn, làm đồng chí Phan Minh Duệ, Đại đội trưởng và mấy đồng chí trinh sát hy sinh. Ngay lập tức, chúng tôi bị địch ở ấp Hương An và lính bảo vệ cầu Đắc Bla trên trục đường 14, dùng hỏa lực bắn cấp tập vào đội hình. Bộ đội nằm sát gốc cây và mép bờ chắn nước tránh đạn, ít phút sau, địch chuyển làn nã đạn tới tấp. Trước tình hình trên, chỉ huy phân đội lệnh cho các chiến sĩ vượt qua bãi bùn lầy vào giáp mương nước cạnh thị xã. Vừa tới nơi thì tiếng bộc phá của công binh bắt đầu đánh phá lô cốt đầu cầu của địch, súng cối 82mm, hỏa lực ĐKZ của Trung đoàn 141 bắn phá các mục tiêu dọc tuyến phố.

Đồng chí Thân Văn Cẩn, Phó tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho Đại đội 6 và Đại đội 7 xung phong. Thực hiện lệnh, Trung đội trưởng Nguyễn Đức Dục cho bộ đội vọt lên tiến đánh mãnh liệt, đẩy được địch lùi cách xa 500m, phát triển đánh sâu vào bên trong. Lúc này đồng chí Dục tiến trước, tiếp đó là tôi, các đồng chí Quỳnh, Hoài và Khuyến, tiếp theo là một số chiến sĩ người Hà Tây (cũ) mới bổ sung, tôi chưa kịp nhớ tên.

Khi đánh địch tại ngã ba đường Phan Thanh Giản (nay là đường Trần Phú) hơn 100m, đội hình đơn vị bị trúng đạn pháo của địch. Anh Quỳnh chạy đến gục sát vào tôi nói: “Đồng chí San ơi! Tôi bị thương nặng lắm, không qua được…”. Rồi anh gắng dồn hết sinh lực gọi tên bố, mẹ, anh, chị, em trong gia đình và trút hơi thở cuối cùng. Đồng chí Hoài, người Nghệ An, vóc dáng to khỏe, được tiểu đội phân công giữ trung liên RPĐ cũng ngã áp sát vào anh Quỳnh nói: “Các đồng chí ơi, tôi hy sinh mất rồi...”.

Địch bắn hết sức dữ dội về phía chúng tôi. Phía sau, lực lượng của ta dũng mãnh tiến lên. Hỏa lực và bộ binh bắn mạnh, đẩy được địch cách xa chỗ chúng tôi thêm mấy trăm mét. Một lúc sau, đồng chí Khuyến, quê Nam Định, bị thương gãy xương đùi trái, cũng hy sinh do mất quá nhiều máu.

Khoảng 5 giờ ngày 25-5-1972, các mũi tiến công của ta đánh vào trung tâm thị xã Kon Tum, bị địch chống cự rất quyết liệt, nhiều thương binh, tử sĩ vẫn nằm ngoài mặt đường. Tôi nói với các đồng chí đang băng bó vết thương vào gọi cửa nhờ nhân dân giúp đỡ. Nhưng vào một căn nhà, gọi mãi mà không thấy có người ra mở, tôi nói đồng chí Toán dùng súng bắn phá khóa, mở cửa để đưa thương binh vào nhà. Sau loạt đạn cùng tiếng đập gọi, cửa nhà được mở. Từ trong nhà, có hai mẹ con chạy ra nói: “Xin các ông cộng sản đừng bắn… đừng bắn!”. Tôi nói ngay: “Cộng sản không bao giờ bắn, đồng bào đừng sợ!”.

Thêm một chiếc xe chở binh lính địch chạy đến bắn dữ dội vào khu vực chúng tôi đang chiếm giữ, các thương binh đều phải cầm súng chiến đấu. Rạng sáng ngày 26-5, thấy nhiều đồng đội nằm ở mặt đường, một người còn động đậy, chúng tôi ra đưa vào nhà cấp cứu thì nhận ra đó là anh Chính, thuộc Đại đội 6, anh bị thương nặng ở đầu.

Khoảng 10 giờ, hai mẹ con chủ nhà, nơi chúng tôi đang trú ẩn, xin phép đi mua thức ăn. Nếu cho họ đi sẽ bị lộ, tôi liền đưa hai chiếc bánh dự trữ cho mẹ con chị ăn. Người mẹ cảm ơn chúng tôi rất nhiều, dù chiếc bánh sắn không có nhân và nhạt muối.

Chiều tối cùng ngày, địch cho máy bay, phi pháo bắn phá tất cả các khu vực nghi có quân giải phóng chiếm giữ. Dãy phố nơi đơn vị tôi chiếm giữ nhiều nhà đổ sập. Đến 21 giờ, mấy tên tù binh của địch bị trúng quả đạn pháo 105mm của đơn vị chúng bắn đến, chết tại chỗ; hai mẹ con trong nhà bị thương được các đồng chí y tá đơn vị cứu chữa ngay.

Đến 2 giờ sáng 27-5-1972, các đồng chí bị thương vẫn chưa có đồng đội vào đưa ra, anh em phải bò sang dãy phố bên cạnh, nhưng không còn một người dân nào trong nhà, trong khi máy bay, pháo kích địch đánh phá liên tục. Đến trưa 28-5, tôi được chiến sĩ nuôi quân bò vào đưa một bát cơm. Tôi ăn vội và chỉ hướng cho các anh đi phục vụ những thương binh khác. Chiều tối cùng ngày, tôi cùng đồng chí Phạm Như Ao, chiến sĩ Đại đội 5 và các đồng chí bị thương vào ẩn nấp trong ngôi nhà bị bom pháo làm đổ nát, phía sau là chuồng trại nuôi gia súc. Anh em còn phải tổ chức chống lại bọn bảo an dân vệ ở ấp ngoài thị xã đánh vào. Một số đồng chí bị thương chưa có lực lượng đưa ra, đã hy sinh.

Lúc này, súng tiểu liên AK của tôi và đồng chí Phạm Như Ao đều hết đạn, súng ngắn K54 anh Ao cầm còn mấy viên đạn; hai anh em nói với nhau: “Nếu địch vào lục soát khu chuồng lợn thì chúng ta cùng giả chết, nếu địch phát hiện thì Ao bắn nốt mấy viên đạn súng ngắn cuối cùng...”.

Đến 20 giờ, mấy tên địch đến đá vào chân anh Duyên rồi đi ra, chúng nói với nhau: “Mấy tên Việt cộng chết hết rồi”. Tôi và Phạm Như Ao nhờ nín thở mà thoát chết. Tối hôm sau, chúng tôi được các đồng chí phân đội vận tải đến tìm, đưa ra. Các anh cõng chúng tôi qua chỗ mấy ngày trước đơn vị tiến công qua, thấy còn một số đồng chí hy sinh, đang bị phân hủy mà chưa được đưa ra. Thấy vậy, tôi hỏi: “Tình hình thế nào mà mấy ngày hôm nay không có người vào vận chuyển anh em thương binh và tử sĩ ra?”. Hai đồng chí cáng võng nói với tôi: “Chúng tôi cũng bị bom pháo địch, thương vong khá nhiều, qua thôn ấp lại bị bọn bảo an dân vệ phục kích bắn, ném lựu đạn, nên việc vào đón các đồng chí trong thị xã rất khó khăn. Hàng chục đồng chí hy sinh trong khu vực tháp nước và biệt khu 24 không thể đưa ra được, phải chôn cất anh em ngay ở vị trí chiến đấu; có đồng chí đưa ra ngoài cánh đồng an táng tạm tại luống ngô, khoai, dưới bụi chuối, vì không còn đủ người vận chuyển...”.

Cuộc chiến đấu của đơn vị tôi trên vùng đất Tây Nguyên trong mùa hè rực lửa năm 1972, là cuộc đọ sức về công tác quân sự tại chiến trường giữa ta và địch, đồng thời “chia lửa” cho chiến trường Quảng Trị, qua đó khẳng định khí phách kiên cường của bộ đội ta trên vùng đất cao nguyên, với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn, tiến tới ngày toàn thắng.

DUY THÀNH (lược trích)