QĐND - Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) là trường đại học trọng điểm quốc gia, trung tâm nghiên cứu khoa học quan trọng của nhà nước và quân đội. Trước yêu cầu phát triển của quân đội, nhất là một số quân chủng, binh chủng đang tiến thẳng lên hiện đại, Học viện KTQS đã chủ động đổi mới toàn diện công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học (NCKH) nhằm bổ sung cán bộ KTQS chất lượng cao cho toàn quân.
Đổi mới nội dung, chương trình GD-ĐT được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Học viện KTQS trong những năm gần đây. Đến nay, học viện đã hoàn thiện chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ hệ kỹ sư quân sự và dân sự; triển khai xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư nhiều chuyên ngành mới như: Kỹ thuật hàng không, công nghệ hóa học, công nghệ môi trường... Thiếu tướng Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện KTQS, cho biết: Học viện đang triển khai chương trình tiên tiến theo Đề án Đại học Việt-Nga và một số chương trình đào tạo liên thông, văn bằng 2 hệ quân sự, dân sự; điều chỉnh một số chương trình đào tạo theo hướng cập nhật kiến thức mới; nghiên cứu tổ chức đào tạo theo mô hình mới cho các đối tượng đào tạo theo chương trình tiên tiến.
 |
Cán bộ, giảng viên và học viên Học viện KTQS tham quan Phòng thí nghiệm CIM thuộc Bộ môn Công nghệ, Thiết bị và Hàng không vũ trụ. Ảnh: Ngọc Hoan
|
Cùng với đổi mới nội dung chương trình, Học viện KTQS đã chủ động xây dựng, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định phù hợp với quy chế, quy định mới của Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng. Kết quả đổi mới nội dung, chương trình GD-ĐT bước đầu được minh chứng bằng kết quả hàng nghìn kỹ sư quân sự, hàng trăm học viên đào tạo sau đại học và các lớp đào tạo ngắn hạn cho các quân chủng, binh chủng như: Lớp tàu ngầm; lớp chỉ huy tham mưu kỹ thuật Bộ đội Biên phòng, Tổng cục 2; lớp không quân-hải quân... đã góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu hiện đại hóa quân đội, được các đơn vị ghi nhận, đánh giá cao về năng lực thực hành, khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tế.
Đến các đơn vị, nhà máy của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh chủng Thông tin liên lạc... chúng tôi dễ dàng gặp các giảng viên Học viện KTQS đang say sưa nghiên cứu, làm việc. Là lực lượng nòng cốt trong GD-ĐT, đội ngũ giảng viên được học viện chăm lo toàn diện với nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp. Trung tướng Trần Tấn Hùng, Chính ủy Học viện KTQS, chia sẻ: “Chủ trương của học viện là tích cực đưa giảng viên đi học tập, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tế ở trong nước và ngoài nước để nâng cao trình độ kiến thức, khả năng NCKH, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội”. Tìm hiểu tại các khoa của học viện, chúng tôi được biết, từ những kiến thức được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp thu trong thực tế, nhiều giảng viên đã chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, trở thành giảng viên dạy giỏi, thực hiện tốt hoạt động giảng dạy, NCKH và hướng dẫn học viên, sinh viên NCKH, thi Ô-lim-pích đạt thành tích cao. Trong 5 năm qua, toàn học viện đã ghi nhận, tôn vinh hàng chục nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; giáo sư, phó giáo sư; hơn 800 giảng viên dạy giỏi, dạy tốt...
Lấy người học làm trung tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, Học viện KTQS chủ trương tăng cường bồi dưỡng năng lực thực hành của học viên, sinh viên vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, các trang bị, phương tiện, vũ khí kỹ thuật hiện đại. Trên cơ sở rút thời gian giảng dạy lý thuyết, tăng huấn luyện thực hành, học viện đã đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng các trang thiết bị mô phỏng, dạy học hiện đại và đưa vũ khí trang bị mới vào huấn luyện. Kết quả học tập của học viên, sinh viên trung bình trong 5 năm qua có hơn 70% khá, giỏi, xuất sắc, trong đó có 45 học viên xuất sắc, 1.287 học viên học giỏi, học viên học tốt. Học viên, sinh viên được tạo điều kiện tham gia NCKH và các hội thi đã kích thích niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 900 đề tài NCKH của học viên, sinh viên, trong đó có 197 đề tài được khen thưởng và 37 giải thưởng đồng đội, 276 giải thưởng cá nhân trong các kỳ thi Ô-lim-pích toàn quốc trong 5 năm gần đây đã khẳng định hiệu quả của chủ trương quan trọng này.
Công tác NCKH luôn được Học viện KTQS chú trọng, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ GD-ĐT, trở thành động lực nâng cao chất lượng GD-ĐT. Phát huy đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo, trình độ cao, 5 năm qua, học viện đã chủ trì và tham gia triển khai thực hiện 42 đề tài, nhiệm vụ NCKH cấp nhà nước, 88 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ, ngành, 364 đề tài cấp học viện. Ngoài ra, học viện được giao chủ trì nhiều nhiệm vụ NCKH trong các chương trình trọng điểm của quốc gia, quân đội nhằm giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực, nhất là việc nghiên cứu làm chủ và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí công nghệ cao. Nhiều đề tài NCKH của học viện được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu như: Sản phẩm “Hệ thống nhận biết chủ quyền quốc gia” là 1 trong 3 sản phẩm được Bộ Quốc phòng thông qua và đề xuất vào chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao của nhà nước; sản phẩm pin nhiệt, trường bắn ảo, thiết bị máy bắn tập, thiết bị mô phỏng huấn luyện pháo phòng không; ra-đa cỡ nhỏ tầm gần; động cơ sử dụng nguồn nhiên liệu sạch…
Gắn nhà trường với đơn vị và sự phát triển của quân đội, việc triển khai đồng bộ các chủ trương, biện pháp đào tạo cán bộ KTQS đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội là hướng đi đúng, “đi trước, đón đầu” của Học viện KTQS nhằm bảo đảm sự đổi mới “căn bản, toàn diện” trong thời gian tới, để nhà trường thực sự đi trước đơn vị.
VŨ XUÂN DÂN