Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học viện (27-5-1947 / 27-5-2022), Thiếu tướng, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự KHQS đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện KHQS đã trở thành trung tâm đào tạo các chuyên ngành khoa học quân sự, ngôn ngữ, quan hệ quốc tế về quốc phòng, Việt Nam học... trong quân đội. Điều đó có ý nghĩa gì đối với các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ của học viện, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Đức Lợi. Ảnh: VŨ HOÀNG 

Thiếu tướng, TS Nguyễn Đức Lợi: Cách đây 75 năm, ngày 27-5-1947, Học viện KHQS-tiền thân là Phòng Nghiên cứu và Huấn luyện được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, do yêu cầu nhiệm vụ, học viện đã nhiều lần điều chỉnh tổ chức biên chế, thay đổi phiên hiệu và trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong quá trình xây dựng và phát triển, nhưng các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ của học viện luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm gần đây, nhiệm vụ GD-ĐT của học viện có sự phát triển toàn diện, cả về quy mô, đối tượng và loại hình đào tạo.

Hiện nay, học viện được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân, sau đại học các chuyên ngành khoa học quân sự, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Nga, quan hệ quốc tế về quốc phòng, Việt Nam học; đào tạo cử nhân ngôn ngữ Pháp và tiếng các nước khác; liên kết đào tạo với nhiều học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; đào tạo học viên quân sự nước ngoài cho 24 nước theo hiệp định và quan hệ đối đẳng giữa Bộ Quốc phòng nước ta với bộ quốc phòng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, học viện còn tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động đối ngoại quốc phòng, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với quân đội các nước trên thế giới.

 Học viên Học viện Khoa học Quân sự thực hành nội dung liên quan đến công tác đối ngoại quốc phòng. Ảnh: VŨ HOÀNG

Trong 75 năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ của học viện đã lập nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước; được Nhà nước và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Isala, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và Huân chương Tự do hạng Nhì, 1 Huy chương Anh dũng hạng Nhất, 2 Huy chương Anh dũng hạng Nhì; Quốc vương Campuchia tặng thưởng Huy chương Danh dự đoàn kết...

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, học viện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Những thành tích trên không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là động lực to lớn để mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ học viện tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, đồng lòng viết tiếp truyền thống “Chủ động sáng tạo, đoàn kết kỷ luật, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

PV: Được biết công tác GD-ĐT và nghiên cứu khoa học (NCKH) của học viện những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ và luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện lãnh đạo, triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vậy đồng chí có thể nói rõ hơn về kết quả của công tác này?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Đức Lợi: Trước yêu cầu nhiệm vụ của quân đội đòi hỏi số lượng và chất lượng cán bộ sau khi đào tạo tại nhà trường ngày càng có chất lượng cao, kể từ năm 1988 đến nay, Học viện KHQS đã đào tạo được 1.629 khóa, lớp với 32.024 học viên, sinh viên, trong đó có 32.300 cử nhân, 563 thạc sĩ và 161 tiến sĩ. Tuyệt đại đa số học viên sau khi ra trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các cương vị, chức trách; nhiều đồng chí đã trở thành những tướng lĩnh giỏi trong quân đội...

Công tác NCKH, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của học viện có bước phát triển vượt bậc. Học viện đã tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu hơn 1.200 đề tài, chuyên đề khoa học các cấp, trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, nhiều đề tài đưa vào ứng dụng đạt kết quả tốt, nhiều công trình khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và xây dựng học viện.

PV: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác GD-ĐT. Vậy, học viện đã xây dựng chiến lược phát triển như thế nào để thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ trong thời gian tới?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Đức Lợi: Học viện KHQS xác định mục tiêu trở thành “Trung tâm đào tạo, nghiên cứu ngôn ngữ và quan hệ quốc tế hàng đầu của quân đội có chất lượng cao, có uy tín trong nước và khu vực”.

Một giờ học trên giảng đường của học viên Học viện Khoa học Quân sự. Ảnh: VŨ HOÀNG 

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển, thời gian tới học viện tiếp tục cụ thể hóa nghị quyết đại hội đảng các cấp, các nghị quyết, chỉ thị về GD-ĐT, Luật Giáo dục, Quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học... vào chiến lược phát triển của học viện từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo; tập trung xây dựng nguồn lực cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy các cấp, lấy chi bộ làm hạt nhân trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ; đổi mới phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất GD-ĐT theo hướng hiện đại, đồng bộ, chính quy.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGỌC HÂN - KHÁNH AN (thực hiện)