Theo Thiếu tá Lê Tấn Sanh, Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 315, những năm qua “tiệm cắt tóc” ở các cơ quan, đơn vị trong sư đoàn được duy trì hoạt động thường xuyên, có nền nếp. Vào thời điểm tiếp nhận chiến sĩ mới, đơn vị chủ động nắm thông tin, kịp thời bồi dưỡng, bổ sung chiến sĩ có tay nghề vào tổ cắt tóc. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, quân số có nhu cầu cắt tóc tăng cao nên đơn vị mua thêm dụng cụ, trang bị cần thiết; tăng cường sách, báo, tu sửa máy điều hòa nhiệt độ nhằm phục vụ tốt nhất cho bộ đội ở phòng chờ. Bên cạnh đó, các quân nhân chấp hành nghiêm quy định về công tác phòng, chống dịch, như: Khử khuẩn trước và sau khi cắt tóc; thực hiện đeo khẩu trang... Để hạn chế tập trung đông người, các đơn vị liên hệ trước với cán bộ phụ trách tổ cắt tóc và sắp xếp thời gian cắt tóc phù hợp.
Tại Trung đoàn 143, phòng cắt tóc được đầu tư khá cơ bản, xây dựng theo hình lục giác, có nhiều cửa sổ, nằm trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Phòng được lắp đặt đầy đủ điện, nước, trang bị tông-đơ, kéo, dao cạo, lược, gương cỡ lớn, ghế cắt tóc bài trí ngăn nắp, thẩm mỹ, trên tường treo ảnh chụp mẫu tóc chiến sĩ theo quy định của quân đội. Ngồi chờ đến lượt, Binh nhất Vũ Ngọc Giang (Tiểu đội 4, Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1) cho biết: “Mỗi tháng tôi cắt tóc một lần, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên số lượng sĩ quan, chiến sĩ đến cắt tóc nhiều hơn. Ở đây cắt tóc rẻ, lại bảo đảm an toàn”.
 |
"Tiệm cắt tóc" ở Trung đoàn 143, Sư đoàn 315. |
Được biết, thực hiện theo quy chế của sư đoàn, đơn vị thu tiền với cán bộ là 15.000 đồng, với chiến sĩ là 12.000 đồng/lượt, trừ vào lương, phụ cấp hằng tháng. Số tiền này chủ yếu dùng để mua dụng cụ cắt tóc, phần còn lại chi vào hoạt động phong trào và xây dựng cảnh quan môi trường phục vụ sinh hoạt của bộ đội. Đến trung đoàn vào ngày nghỉ cuối tuần, phòng cắt tóc luôn tấp nập người ra vào. Bận rộn nhất vào ngày hôm ấy là "tay kéo"-Binh nhì Nguyễn Duy Trường, Trung đội Vệ binh, Ban Tham mưu. Trường cho biết: “Trước khi nhập ngũ tôi đã biết cắt tóc, từng làm việc tại các salon tóc nên vào đơn vị đã phát huy tốt sở trường phục vụ đồng đội. Tùy khuôn mặt của từng người, tôi cắt tỉa ngay ngắn, gọn gàng, phù hợp nhất”. Với đôi tay khéo léo cùng sự chu đáo, tỉ mỉ, chỉ trong một buổi chiều, Trường đã phục vụ hàng chục đồng đội, ai cũng rất ưng ý. Đứng trước gương ngắm mái tóc vừa cắt xong, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lợi (Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 2) phấn khởi: “So với đi ra hiệu thì cắt tóc tại đơn vị rất yên tâm, không lo lây nhiễm dịch bệnh. Hơn nữa, cắt tóc trong đơn vị không mất thời gian đi lại, không phải chờ lâu, mái tóc cũng được cắt theo mẫu quy định”.
Theo chỉ huy Sư đoàn 315, từ khi toàn quân đẩy mạnh hoạt động phòng, chống dịch, “tiệm cắt tóc” các đơn vị không chỉ phục vụ chiến sĩ mà còn được nhiều cán bộ, nhân viên tin tưởng lựa chọn. Trung úy Bùi Ngọc Tú, trợ lý tuyên huấn Trung đoàn 143 chia sẻ: “Được chiến sĩ có tay nghề cắt tóc, tôi rất tin tưởng, thoải mái. Ở đây nhiều chiến sĩ cắt tóc rất đẹp”.
Thiếu tá Lê Tấn Sanh cho biết thêm: “Ngoài cắt tóc cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, vừa qua, thực hiện công tác dân vận, các “tay kéo” của sư đoàn còn trực tiếp xuống nhiều thôn, bản phục vụ nhân dân, nhất là học sinh ở địa bàn khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Hành động tuy nhỏ của bộ đội nhưng đã góp phần gắn kết tình quân-dân”.
Nhìn từ thực tế Sư đoàn 315 nhiều năm qua có thể khẳng định, “tiệm cắt tóc” tại đơn vị là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cán bộ, chiến sĩ, giúp bộ đội tiết kiệm thời gian, chi phí, chấp hành nghiêm các chế độ, nền nếp, đồng thời tạo sự thống nhất, chính quy về mẫu tóc trong toàn sư đoàn, đúng với quy định.
Bài và ảnh: LÊ TÂY