QĐND Online- Thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, buộc Mỹ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris (Thủ đô nước Pháp). Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam là một hội nghị dài nhất trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới (4 năm 8 tháng 14 ngày), đó thực sự là cuộc đấu trí vô cùng gay go, phức tạp, đầy kịch tính trên mặt trận ngoại giao, cuối cùng ta đã giành thắng lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Đó cũng là Hội nghị thể hiện rõ nét nhất, hiệu quả nhất, thành công nhất của nghệ thuật kết hợp đánh - đàm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 |
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhân dân Hà Nội chào đón Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Paris thắng lợi, về nước. Ảnh: TƯ LIỆU |
Lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc rằng: muốn chiến thắng một kẻ thù có tiềm lực kinh tế - quân sự mạnh như Mỹ, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các mặt và kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức đấu tranh. Trong gần 5 năm triển khai cục diện đánh - đàm, ngoại giao trở thành một mặt trận có vai trò chiến lược phối hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự và chính trị từng bước giành thắng lợi tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến, cuối cùng đã kết thúc chiến tranh xâm lược của Mỹ bằng một hiệp định hoà bình.
Sự kết hợp đánh - đàm được Đảng ta triển khai từ năm 1967. Trong khi ta phát triển cả thế và lực, thì Mỹ ngày càng sa lầy và lún sâu trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Để giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa, Đảng chủ trương mở rộng mặt trận đấu tranh ngoại giao và thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa các mặt đấu tranh.
Sau Tết Mậu Thân (1968), ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay, L. Giônxơn tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc và sẵn sàng nói chuyện với ta. Ngày 3-4-1968, ta tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ để xác định điều kiện có thể nói chuyện. Tuyên bố trên đã thực sự mở đầu cuộc tiến công ngoại giao.
Phát huy thắng lợi trên chiến trường và nhân cơ hội cuộc chạy đua nước rút vào Nhà Trắng, trên mặt trận ngoại giao ta ép Mỹ ở hội nghị hai bên tại Paris. Sự kết hợp đánh - đàm đã mang lại kết quả ngày 31-10-1968, L. Giônxơn phải ra lệnh chấm dứt mọi hành động đánh phá miền Bắc để đi tới đàm phán bốn bên. Điều này đánh dấu xu thế không thể đảo ngược là thế và lực của ta ngày càng mạnh lên, Mỹ nguỵ ngày càng suy yếu và đi xuống.
Bước vào Hội nghị bốn bên ta tiến công bằng Giải pháp toàn bộ mười điểm, đòi Mỹ rút nhanh, rút hết quân khỏi Việt Nam mà không được đòi điều kiện gì. Tiếp đó, ta tiến công với tám điểm nói rõ thêm, ba điểm về ngừng bắn, đặc biệt là Lập trường bẩy điểm ngày 1-7-1971, ta gắn thời hạn rút hết quân với thả hết tù binh. Thiện chí của ta thể hiện trong những đề nghị và khẩu hiệu hoà bình đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Phong trào phản đối Mỹ leo thang, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh phát triển mạnh mẽ trên thế giới nhất là phong trào phản chiến ngày càng lan rộng trên toàn nước Mỹ.
Thất bại nặng nề trên chiến trường và trước những đòn tấn công ngoại giao trên bàn đàm phán, từ tháng 7-1970 R. Nichxơn ra lệnh rút quân dần ra khỏi miền Nam nước ta. Điều này khẳng định sự thành công trong thực hiện nghệ thuật kết hợp đánh - đàm của ta. Đấu tranh ngoại giao không chỉ khuyếch trương thắng lợi trên chiến trường củng cố niềm tin cho nhân dân và bạn bè quốc tế, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ mà còn hỗ trợ, che chắn cho chiến trường trong những thời điểm khó khăn (1969-1971). Khi quân Mỹ rút dần, nguỵ thất bại nặng nề trong cuộc hành quân “Lam Sơn 719” và Đường 9 Nam - Lào, còn lực lượng của ta được bảo toàn, không ngừng phát triển. Thắng lợi Xuân - Hè 1972 tạo bước ngoặt có tính chất quyết định về so sánh lực lượng trên chiến trường và quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris.
Mặc dù, Mỹ từng bước “xuống thang” chiến tranh, song ý đồ thực dân mới của họ không hề thay đổi. R. Nichxơn cho rằng với tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn của mình Mỹ đàm phán chỉ để thực hiện mục tiêu duy trì và củng cố chính quyền Thiệu làm công cụ thực hiện âm mưu thực dân mới của Mỹ. Thực hiện mưu đồ đó Mỹ sử dụng chiêu bài “đàm phán không điều kiện” và các thủ đoạn ngoại giao như “ngừng bắn”, “ngừng bắn tại chỗ”, “ngừng bắn toàn Đông Dương”, “hai bên cùng xuống thang chiến tranh”, “hai bên cùng rút quân”… Mỹ thực hiện chính sách đàm phán trên thế mạnh, vừa đàm phán vừa đe doạ. Mặc dù vậy, Mỹ không đánh lừa được ta mà còn bị ta vạch trần trên bàn đàm phán và trước dư luận quốc tế. Ta luôn vững vàng, tích cực chủ động trong đàm phán nên đã đối phó thắng lợi với những thủ đoạn ngoại giao tinh vi, xảo quyệt của Mỹ.
Cuối năm 1971, ta giành thắng lợi quan trọng trên mặt trận quân sự, buộc Mỹ phải từ bỏ yêu sách đòi ta phải rút quân khỏi miền Nam. Nguyên tắc nhất quán trong đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris của ta là “quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại”. Đây là điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong đàm phán đã được khai thông, ta dùng sách lược tạm thời không đòi loại bỏ chính quyền Thiệu. Vì thế nhanh chóng đi đến thoả thuận ngày 20-10-1972 và ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, sau khi Mỹ thất bại nặng nề trong trận “Điện Biên Phủ” trên không cuối tháng 12-1972. Thực tế, Mỹ chỉ chịu ký Hiệp định sau khi không lập lại được thế mạnh và thất bại nặng nề trên mặt trận quân sự.
Hiệp định Paris được ký kết là đỉnh cao của nghệ thuật kết hợp nhịp nhàng có hiệu quả giữa đánh - đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo