Từ ngày Thiếu tá Nguyễn Duy Nhất, Trưởng ban Tuyên huấn (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk) chuyển công tác xa nhà, vợ anh vừa phải quán xuyến việc cơ quan, đoàn thể, vừa phải chăm sóc, đưa đón con đến lớp nên hầu như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Thương vợ bụng mang dạ chửa, lại một mình quán xuyến công việc gia đình nên mỗi khi rảnh rỗi, anh Nhất lại tranh thủ gọi điện về chuyện trò, tâm sự, động viên vợ.

Những ngày đầu về đơn vị mới, do áp lực công việc, lại nhớ vợ, thương con và chưa quen khí hậu, thời tiết vùng cao, anh Nhất thường xuyên bị mất ngủ. Cảm thông với công việc của chồng, mỗi lần nhắn tin, gọi điện, vợ con chỉ kể những chuyện vui để động viên anh. Anh Nhất chia sẻ: “Tuy xa mà gần, tình cảm gia đình, hậu phương luôn là điểm tựa vững vàng để tôi yên tâm công tác”.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk động viên, trò chuyện với cán bộ, nhân viên mới chuyển công tác về đơn vị. 

Đối với Thượng úy Kiều Tấn Huy, Trợ lý Ban Quân y (Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên cũ) thì gia đình anh vừa có thêm thành viên mới được gần một tháng. Trước ngày lên đơn vị mới thực hiện nhiệm vụ, vợ chồng anh quyết định tổ chức đầy tháng sớm cho con để họ hàng nội, ngoại có dịp đoàn viên. Một mình với hai con nhỏ, chồng lại công tác xa nhà, nhưng vợ anh chưa một lần ca thán, trách giận. Trái lại, chị luôn đồng hành, hỗ trợ, động viên để anh yên tâm công tác. Mô hình gia đình lý tưởng “bộ đội-giáo viên”, “pháo đài vững chắc” của gia đình anh Huy được anh em, đồng đội thường xuyên nhắc đến với sự ngưỡng mộ.

Đêm muộn, bên chồng hồ sơ, tài liệu xếp chật mặt bàn, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Trợ lý Ban Dân quân (Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk) vừa nghiên cứu, tổng hợp số liệu, vừa tranh thủ hướng dẫn cậu con trai cả giải những bài toán khó. Trong khu nhà tập thể của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cách đó vài cây số, vợ anh cũng gọi điện về trò chuyện với hai con nhỏ đang gửi ông bà ở quê trông giúp. Do đơn vị chưa bố trí được nhà công vụ cho gia đình nên hiện tại, anh chị vẫn phải ở hai nơi.

Anh Tuấn chia sẻ: “Cháu lớn năm nay lên lớp 11, từ tháng 9 này phải học nội trú, ăn nghỉ luôn ở trường. Hai cháu nhỏ sinh đôi thì vợ chồng tôi gửi về quê, nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc. Tuy 5 người ăn 4 bếp song ngày nào gia đình tôi cũng “giao ban” qua Facebook, Zalo. Thấy các con chăm ngoan, tự giác, tự lập, vợ chồng tôi cũng phấn khởi, yên tâm công tác”. Theo anh Tuấn, gia đình anh dự định khi công việc dần ổn định thì sẽ thu xếp, đón các con lên để cả nhà được ở gần nhau, thuận lợi sinh hoạt và công việc.

Đại tá Ksor Lành, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên quan tâm, động viên, nắm chắc tình hình tư tưởng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ sau khi sáp nhập, giải thể các cơ quan, đơn vị, nhất là những đồng chí chuyển công tác từ Phú Yên (cũ) lên Đắk Lắk (mới). Ngoài việc bố trí xe tuyến đưa đón cán bộ công tác xa nhà về thăm gia đình, hậu phương những ngày nghỉ cuối tuần, đơn vị chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên, bảo đảm nhà công vụ, nhà ở xã hội và các chế độ đãi ngộ để anh em từng bước ổn định cuộc sống. Tuy còn nhiều khó khăn, vất vả song anh em luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.