Để nâng cao chất lượng sửa chữa, chủ động nguồn vật tư thay thế, Đảng ủy, chỉ huy nhà máy đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất, phục hồi một số vật tư kỹ thuật mà trước đây phải nhập khẩu. Từ đó, đã xuất hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị, đang được áp dụng hiệu quả trong hoạt động chuyên môn.
Một trong những sáng kiến tiêu biểu là “Thiết kế, chế tạo thiết bị mài chuyên dùng mài bề mặt ma sát bánh đà động cơ ô tô quân sự” do Đại úy Lê Thanh Tùng và Thượng úy Nguyễn Văn Thiết (Phòng Kỹ thuật công nghệ) nghiên cứu, chế tạo. Chia sẻ về lý do ra đời của sáng kiến, Đại úy Lê Thanh Tùng cho biết, hằng năm, nhà máy sửa chữa lớn khoảng 350-400 xe ô tô các loại và khoảng 200 động cơ lẻ, trong đó, tỷ lệ thay thế mới cụm bánh đà động cơ lên tới gần 40%. Trước đây, bề mặt chi tiết bánh đà động cơ được gia công bằng phương pháp tiện nên không bảo đảm độ cứng vững, bề mặt gia công chưa đạt độ bóng theo tiêu chuẩn. Để khắc phục hạn chế trên, anh Tùng và đồng nghiệp đã nghiên cứu yêu cầu kỹ thuật cần đạt được của các chi tiết bánh đà động cơ sau khi phục hồi, từ đó thiết kế máy mài chuyên dùng mài bề mặt ma sát bánh đà động cơ ô tô quân sự. Thiết bị gồm các bộ phận chính: Động cơ lai vật, hộp dẫn động vật mài, bánh đà, hộp trục chính, đu xích, khóa, động cơ chính, dẫn hướng bàn máy và hệ thống bơm nước tưới nguội. Sản phẩm đưa vào sử dụng đã giúp nhà máy tiết kiệm được vật tư, giảm chi phí mua sắm, giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thiết bị mài bánh đà động cơ ô tô có thể gia công các chi tiết có tính năng tương tự, như: Bàn ép, đĩa ép ly hợp trung gian, phanh đĩa ô tô…
 |
Đại úy Lê Thanh Tùng hướng dẫn thợ kỹ thuật sử dụng máy mài chuyên dùng do mình thiết kế, chế tạo vào quá trình sửa chữa động cơ xe quân sự. |
Ngoài sáng kiến trên, có thể kể đến đề tài sáng kiến “Thiết kế sản phẩm, trang bị công nghệ sản xuất cụm van điều khiển phanh rơ moóc một đường dẫn xe KrAZ-255, MAZ, KAMAZ, URAL-4320, 4326” của Thiếu tá Phạm Bá Lương, Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa gầm xe. Anh Lương chia sẻ: Gần đây, cụm van điều khiển phanh rơ moóc một đường dẫn của các loại xe trên khi đưa vào sửa chữa tại nhà máy phần lớn đã hư hỏng nặng, các chi tiết bị mài mòn, rạn nứt, biến dạng, không còn khả năng sửa chữa nhưng lại không có vật tư, phụ tùng thay thế. Trước thực trạng đó, anh đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, thiết kế sản phẩm dựa trên các vật tư sẵn có của nhà máy. Sáng kiến cụm van điều khiển đã bảo đảm đúng quy trình công nghệ sản xuất, yêu cầu kỹ thuật, áp dụng hiệu quả, giúp nhà máy sản xuất mới các chi tiết, như: Thân van, pít tông nhỏ, trục van, cụm van khí… để thay thế các chi tiết hỏng hóc mà trước đây thường phải thay thế cả cụm.
Hai sáng kiến tiêu biểu trên cùng hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mỗi năm của cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật Nhà máy Z151 đã góp phần giúp đơn vị nâng cao năng lực, hiệu quả sửa chữa, sản xuất, ngày càng khẳng định uy tín cơ sở sửa chữa ô tô hàng đầu quân đội.
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN