QĐND - Hiếm có khi nào, hai từ “truyền thống” lại thấm sâu và lan tỏa mạnh mẽ trong hoạt động của bộ đội ngành quân nhu như thời điểm này. Chúng tôi đã có buổi trao đổi cởi mở, thẳng thắn với Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Tiến Luật, Cục trưởng Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) về Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (CVĐ) trong ngành quân nhu.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, “phát huy truyền thống” đang là cụm từ xuất hiện ở mọi đơn vị của Cục Quân nhu. Liệu đó có phải là hô khẩu hiệu hay không? Làm thế nào để việc phát huy truyền thống trong ngành quân nhu đem lại hiệu quả thiết thực?
 |
Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Tiến Luật. |
Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Tiến Luật: Trước hết, tôi xin chia sẻ với đồng chí về lịch sử rất đỗi tự hào của ngành quân nhu. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ thì đã có một tổ chuyên làm nhiệm vụ lo ăn, lo mặc cho đội. Đồng chí Lộc Văn Lùng được giao 20 đồng bạc Đông Dương để chi tiêu, nuôi dưỡng toàn đơn vị. Đội có hai chiến sĩ nuôi quân là Nhật Tâm và Nhật Thành. Đây là hai chiến sĩ đầu tiên của ngành quân nhu. Hai đồng chí đã không quản khó khăn, tính toán từng đồng xu, bát gạo bảo đảm cho toàn đội ra quân đánh thắng trận đầu, diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Công tác cung cấp, tiếp tế quân nhu cũng dần được hình thành từ đó. Vì vậy, ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập các cơ quan trọng yếu của Bộ Quốc phòng thì có Quân nhu Cục. Nếu như quân đội ta tự hào là đội quân từ nhân dân mà ra thì lịch sử của ngành quân nhu cũng là lịch sử phát huy sức mạnh hậu cần nhân dân. Tiêu biểu như phong trào “Mùa đông binh sĩ” năm 1946 đã vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân đóng góp quần áo, lương thực… kịp thời trang bị cho quân đội vệ quốc. Bác Hồ đã chỉ rõ nhiệm vụ của ngành quân nhu là phải huy động hậu cần nhân dân: “Chiến sĩ hy sinh xương máu để giữ đất nước. Bụng có no, chân có ấm thì mới đánh được giặc, làm ra gạo, thóc cho chiến sĩ ăn, làm ra vải cho chiến sĩ mặc, đều nhờ đồng bào ở hậu phương…”. Từ khi ra đời đến nay, chưa bao giờ việc “phát huy truyền thống” trong cán bộ, chiến sĩ ngành quân nhu dừng lại ở khẩu hiệu suông, mà luôn được cụ thể hóa, bằng những kết quả cụ thể phục vụ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ, hình ảnh chiếc võng Trường Sơn, chiếc mũ tai bèo là những trang bị quân nhu rất đỗi thuận tiện trong thời kỳ đánh Mỹ; hay những công trình nghiên cứu định lượng ăn cho bộ đội trong hành quân dài ngày đi B, việc khảo sát, phổ biến khai thác 600 loại rau rừng có giá trị dinh dưỡng để bộ đội bổ sung vào bữa ăn trong điều kiện chiến đấu gian khổ, ác liệt. Ngày nay, với mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại thì vai trò “phát huy truyền thống” của ngành quân nhu càng đòi hỏi cụ thể, thiết thực hơn.
PV: Trong thời gian gần đây, ngành quân nhu đã cụ thể hóa việc “phát huy truyền thống” vào nhiệm vụ chính trị của mình như thế nào, thưa đồng chí ?
Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Tiến Luật: Những nét truyền thống tiêu biểu của ngành quân nhu là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; tự lực, khắc phục khó khăn, sáng tạo để nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội. Trong thời gian qua, toàn ngành luôn bám sát thực tế hoạt động của bộ đội để phục vụ. Phong trào “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” đã thúc đẩy công tác bảo đảm ăn cho bộ đội chuyển biến tiến bộ về mọi mặt, tiêu chuẩn định lượng ăn liên tục được điều chỉnh tăng lên; bảo đảm đồng bộ dụng cụ cấp dưỡng và bàn ăn, ghế ngồi; hệ thống nhà ăn, nhà bếp chính quy, thống nhất, trang bị lắp đặt đảm bảo bếp hơi cơ khí cho các đơn vị trong toàn quân theo đúng chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; mô hình tăng gia sản xuất, trạm chế biến tập trung có hiệu quả tốt. Việc bảo đảm quân trang cho bộ đội từ chỗ mặc lành, mặc ấm đang hướng tới mặc đẹp. Trang phục quân nhân phù hợp với từng quân, binh chủng, như quân trang chiến sĩ K03, quân trang sĩ quan K08, quân trang nghi lễ cho quân đội, quân trang cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu, quân trang cho lực lượng chống khủng bố, quân trang cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc… với chất lượng, màu sắc không ngừng được cải tiến. Hay như vừa rồi, ngành quân nhu đã bảo đảm quân trang chống rét cho lực lượng canh gác của 41 đơn vị cấp trung, sư và lữ đoàn; bảo đảm đệm nằm cho sĩ quan, QNCN vùng rét đậm; tổ chức cấp phát thẳng quân trang cho chiến sĩ mới và đang bảo đảm cho diễu binh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… Đó là những hiện thực sinh động về “phát huy truyền thống” của ngành quân nhu.
PV: Trong thời gian tới, ngành quân nhu sẽ làm gì để bảo đảm CVĐ được triển khai hiệu quả nhất, thưa đồng chí?
Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Tiến Luật: Để CVĐ trong ngành quân nhu được triển khai có hiệu quả, yêu cầu đặt ra là phải có kế hoạch chu đáo, sát thực với mục tiêu phù hợp cho từng giai đoạn. Quán triệt Chỉ thị 788 của Quân ủy Trung ương và các văn bản hướng dẫn, chỉ thị của cấp trên, Cục Quân nhu cũng đã có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Chúng tôi đang tập trung thực hiện mục tiêu của giai đoạn 1, đó là trong hai năm 2014-2015, tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị; bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của quân đội và đất nước, hướng tới Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Thực hiện được mục tiêu này, sẽ tạo đà rất lớn cho giai đoạn 2 của CVĐ, đồng thời cũng là động lực làm chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành quân nhu.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
QUANG HUY (thực hiện)