QĐND - Tháng 5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (Đoàn 559) mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam, trước tiên là bảo đảm giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam và vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu khẩn cấp cho Quân khu 5, trong đó có 7.000 khẩu súng bộ binh.
Nhiệm vụ cung cấp kịp thời số lượng lớn vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam được giao cho ngành quân giới. Để giữ bí mật, vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường được chọn lọc, sửa chữa, hiệu chỉnh các bộ phận của súng, bảo đảm đồng bộ và bao gói hết sức cẩn thận. Các loại vũ khí của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ đều được tẩy xóa nhãn mác, thay bằng ký hiệu của các nước Pháp, Mỹ. Súng K50 được cải tiến gần giống súng Tuyn, đạn cối 82mm được hiệu chỉnh phù hợp với súng cối 81mm do Pháp, Mỹ sản xuất...
Do vũ khí vận chuyển trên cung đường dài, đường đi lại khó khăn, thời tiết thất thường, độ ẩm cao, dễ hỏng hóc, nên cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải thực hiện các công đoạn bảo quản rất chu đáo, cẩn thận. Việc bao gói phải dự kiến cả tình huống sẽ phải giấu vũ khí trong bùn, nước dài ngày, trong điều kiện địch lùng sục. Các cán bộ kỹ thuật khi đó đã thí nghiệm bằng nhiều cách, ngâm thả dưới sông Tô Lịch (Hà Nội) nhiều lần. Cuối cùng, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của ta cũng đã tìm ra phương pháp bảo quản hữu hiệu. Đó là bôi một lớp mỡ bảo quản vào súng, sau đó bọc 3 lớp vải bên ngoài, cả gói được cuốn chặt rồi nhúng "sáp 2". Bằng cách làm này, việc bao gói vũ khí trang bị cho miền Nam bảo đảm an toàn. Số vũ khí sau khi bao gói được Đội xe đặc biệt của Tổng cục Hậu cần chuyển tới kho trong các khu rừng phía tây nam Quảng Bình, Vĩnh Linh để chuyển vào miền Nam cho bộ đội ta chiến đấu.
Chỉ sau thời gian ngắn triển khai, đến cuối tháng 8-1959, Đoàn 559 đã vận chuyển và giao cho trạm đầu Quân khu 5, đợt đầu tiên với hơn 600 khẩu súng bộ binh các loại và một số lượng lớn đạn bộ binh, cùng với 180kg thuốc nổ TNT có đủ kíp nổ, tất cả đều được bao gói an toàn trong quá trình vận chuyển và sử dụng.
HOÀNG ÂN