 |
Bệnh viện 5 tổ chức toạ đàm "Chiến sĩ quân y học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh Thái Sơn
|
LTS: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được Bệnh viện 5 (Cục Hậu cần, Quân khu 3) cụ thể hóa thành phong trào “3 không” và “3 nên” (không gây phiền hà, vòi vĩnh bệnh nhân; không bớt xén, thu lệ phí ngầm; không đưa bệnh nhân ra ngoài điều trị và nên coi người bệnh như người thân của mình; nên đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; nên học tập nâng cao trình độ). Bệnh viện 5 và báo
Quân đội nhân dân đã tổ chức cuộc tọa đàm “Chiến sĩ quân y học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với mong muốn nêu kinh nghiệm từ thực tiễn việc làm của cán bộ, nhân viên bệnh viện, chúng tôi xin được giới thiệu với bạn đọc.
“Xóa” nỗi lo vào viện
Lâu nay, mỗi lúc đau ốm phải đến bệnh viện, người bệnh thường trong tâm lý lo lắng. Các thủ tục đăng ký, kê khám, xét nghiệm, chờ đợi kết quả... mất khá nhiều thời gian bởi cứ phải “lòng vòng” hết chỗ này qua chỗ khác. Nếu không nhận được sự hướng dẫn tận tình của thầy thuốc, ắt người bệnh phải “chạy đi, chạy lại”, khó tránh khỏi bực bội trong lòng. Những tiêu cực cũng dễ nảy sinh từ đây nếu một trong hai bên có “điều kiện” để “khám trước” hoặc “khám sau”. Nhưng đối với Bệnh viện 5, ngay từ năm 2004, Đảng ủy, Ban giám đốc đã xác định quyết tâm làm lành mạnh hoạt động khám, chữa bệnh. Tại buổi tọa đàm, Đại tá Vũ Hữu Dũng, Giám đốc bệnh viện khẳng định: Tất cả đã nằm trong 12 điều quy định về y đức và 44 chế độ của bệnh viện. Bệnh viện 5 chỉ cụ thể hóa cho ngắn gọn thành 3 điều nên làm và 3 điều không nên làm để vận động cán bộ, nhân viên làm theo. Đúng lúc ấy, bệnh viện được Cục Hậu cần, Quân khu 3 chọn làm điểm cho cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây thực sự là một “cú hích” đúng lúc. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ được biểu hiện sinh động qua những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày. Thực tế, nền nếp công tác, thái độ phục vụ tận tâm đã lan tỏa, tạo tiếng thơm trong lòng nhân dân. Người bệnh đến với Bệnh viện 5 ngày một đông. Những năm 2000 về trước “èo uột” là thế mà nay, mỗi ngày trung bình bệnh viện khám và điều trị cho 400 lượt người.
Bằng cách nào?
Bằng cách nào để giảm phiền hà, chống các biểu hiện tiêu cực trong bệnh viện? Đó chính là mục đích của buổi tọa đàm mà Đại tá Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân đặt vấn đề và nhiều lần khơi gợi.
Các ý kiến phát biểu đã làm rõ nội dung này và thực tế ở Bệnh viện 5 cho thấy, cốt lõi của vấn đề bao gồm 3 nguyên nhân căn bản: Một là giảm phiền hà cho người bệnh thông qua cơ chế “một cửa”. Hai là nêu cao tấm lòng “thương người như thể thương thân”, thật sự “coi người bệnh như người thân của mình”. Ba là phải tích cực chăm lo, cải thiện đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên yên tâm làm việc.
Giảm phiền hà thông qua cơ chế “một cửa” là vấn đề đầu tiên Bệnh viện 5 thực hiện. Trung tá, bác sĩ Hồ Văn Thân, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh nêu:
- Khoa Khám bệnh được ví như “mặt tiền” của bệnh viện. Số lượng bệnh nhân đến viện hằng ngày đông (trên dưới 300 lượt người-PV), có người còn khỏe, có người trong tình trạng cấp cứu. Các trường hợp cấp cứu luôn được ưu tiên ngay mà không đòi hỏi phải có giấy tờ, thậm chí không cần người nhà, không cần cả tiền viện phí ban đầu. Bệnh viện điều chỉnh khâu đón tiếp, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho người bệnh ngay từ phòng đón tiếp đầu tiên đến khi kết thúc quy trình khám bệnh, vào viện hay ra viện. Người bệnh đến Bệnh viện 5 được khám, chữa bệnh kịp thời mà không gặp phải bất cứ phiền hà gì.
Bác sĩ Vũ Hữu Dũng cho biết: “Các đồng chí chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, các bác sĩ chuyên khoa, nhân viên kỹ thuật... có trình độ chuyên môn, có phong cách ứng xử, giao tiếp tốt được bệnh viện lựa chọn ra làm việc ở Khoa Khám bệnh. Mạng máy tính nội bộ cũng được triển khai, kết nối từ phòng khám bệnh tới tất cả các cơ quan, khoa, ban điều trị. Mọi thông tin về người bệnh sẽ được “máy tính” khách quan kiểm soát. Ví dụ, bệnh nhân A có số khám bệnh thứ 5, chỉ định khám ở phòng khám nội thì cùng lúc tên bệnh nhân được hiển thị trên máy tính ở phòng tiếp đón và phòng khám nội, hai bác sĩ ở hai phòng này (và cả người bệnh) đều biết được nên không thể có chuyện “rỉ tai” bác sĩ để được khám trước” (các trường hợp cấp cứu có phòng khám cấp cứu riêng).
Để giải quyết trường hợp bệnh nhân đông, y sĩ Phạm Thanh Sang (Khoa Khám bệnh) cho biết, khoa sẽ phân luồng, điều tiết các phòng khám để không dồn người bệnh mà vẫn ưu tiên được người già, trẻ em, phụ nữ có thai.
Cùng với mạng máy tính nội bộ (mạng này đã được nhiều bệnh viện bạn đến nghiên cứu, học hỏi) tạo thuận lợi cho bộ đội, nhân dân đến khám, chữa bệnh, bệnh viện còn sắp xếp lại hệ thống phòng trực, phòng thủ thuật, kỹ thuật ở nhiều khoa. Theo lời của bác sĩ Hồ Văn Thân “phòng trực của bác sĩ, nhân viên bố trí gần với bệnh nhân hơn là để tiện theo dõi, xử lý khi người bệnh cần”.
Chuẩn úy, y sĩ Vũ Văn Chuẩn, y tá Đinh Thị Giang (Khoa Khám bệnh) giới thiệu và giải thích với chúng tôi: Không chỉ khám “một cửa”, trong các trường hợp cấp cứu, với quan điểm “tính mạng con người là trên hết”, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện 5 chỉ đạo: Không cần giấy tờ, không cần phải có người thân đi cùng, không cần phải có tiền viện phí (đóng trước), mọi thủ tục làm sau.
Tinh thần khẩn trương, không phân biệt đối xử ấy đã giúp hàng trăm trường hợp bị tai nạn giao thông, ốm đau bất thường được cứu sống, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người bệnh, thân nhân của họ.
Thượng úy, y sĩ Bùi Ngọc Khuê (Khoa A12) minh chứng:
- Bệnh viện cho phép cán bộ, nhân viên viết giấy cam kết bảo lãnh cho bệnh nhân (trường hợp đột xuất và người nghèo). Bản thân tôi cũng đã hai lần nhận bảo lãnh cho bệnh nhân nghèo và sau này, bệnh viện quyết định miễn viện phí cho cả hai trường hợp ấy. Mới đây, từ tháng 2-2008, bệnh viện còn quyết định miễn tiền khám bệnh cho tất cả bệnh nhân là nhân dân (đối tượng không có bảo hiểm y tế).
Chị Nguyễn Châu Giang (quê Ý Yên, Nam Định) nhận xét: “Tôi thấy ở Bệnh viện 5 không chỉ đón tiếp nhanh, gọn, điều trị kê đơn đúng bệnh, hợp điều kiện, hoàn cảnh người bệnh mà ngay cả khi tài chính thanh toán ra viện cũng vậy, máy tính “chìa” ra bảng kê thuốc, vật tư tiêu hao, ngày nằm điều trị, chế độ ăn... chúng tôi đối chiếu từng khoản dễ dàng, thuận tiện lắm, không mất thời gian đợi chờ...”.
Kỳ sau: Nêu cao đạo lý “Thương người như thể thương thân”
Anh Thu, Anh Tuấn