Giải quyết tình hình nợ đọng trong đầu tư và xây dựng cơ bản (XDCB) là một trong những đột phá thực hiện nhiệm vụ 2008 của Quân đội. Các đơn vị Quân đội đã làm gì để khắc phục nợ đọng trong đầu tư và XDCB?

Công trình Sở Chỉ huy cơ quan quân sự huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên vừa được khánh thành đưa vào sử dụng. Ảnh: TRẦN NGHỊ

Nhìn lại hơn một năm trước

Theo báo cáo của các đơn vị, đến cuối năm 2006 nợ đọng đầu tư và XDCB trong toàn quân là 963,859 tỷ đồng ở 867 dự án. Tuy nhiên, báo cáo của một số đơn vị chưa chính xác, chưa đủ nội dung kinh tế, quan niệm về nợ đọng chưa đúng... nên con số thực về tình hình nợ đọng trong đầu tư và XDCB cần phải xem xét lại. Thiếu tướng Phạm Quang Phiếu, Cục trưởng Cục Tài chính cho biết: Để có cơ sở tham mưu cho Bộ Quốc phòng đề ra giải pháp khắc phục, Cục Tài chính phải tiến hành rà soát, phúc tra lại kết quả báo cáo để đánh giá đúng thực trạng tình hình, xác định rõ nguyên nhân, để tìm ra biện pháp đúng. Cục Tài chính đã phối hợp với Cục Doanh trại và Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) tiến hành phúc tra tình hình thực hiện vượt vốn đầu tư XDCB ở 7 đơn vị. Kết quả phúc tra cho thấy, tình hình nợ đọng trong đầu tư và XDCB diễn ra khá nghiêm trọng do đầu tư dàn trải, chưa hiệu quả, quyết toán chậm. Số nợ đọng tính đến cuối năm 2006 là 630,990 tỷ đồng, trong đó riêng nợ đọng thuộc vốn ngân sách quốc phòng là 428,121 tỷ đồng. Vào giữa năm 2007, một số đơn vị như Quân khu 2; 3; 4; 5; Binh đoàn Tây Nguyên... tiếp tục có báo cáo về tồn đọng trong đầu tư và XDCB. Cục Tài chính đã phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát để báo cáo Bộ, nhu cầu cần xử lý thêm từ nguồn ngân sách quốc phòng là 219,535 tỷ đồng. Như vậy, đến cuối năm 2007, số nợ đọng đầu tư và XDCB của các đơn vị là 850,525 tỷ đồng.

Tìm đúng căn nguyên

Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng qua làm việc với một số cơ quan chức năng thuộc Cục Tài Chính; Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) và tìm hiểu thực tế tại đơn vị chúng tôi nhận thấy trước hết là do khả năng cân đối của nguồn vốn đầu tư ngân sách còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư các cơ sở hạ tầng, doanh trại của đơn vị rất lớn. Vốn đầu tư so với nhu cầu mới chỉ đáp ứng được từ 40% đến 50%. Mặt khác, do sự cấp bách phải thực hiện một số mục tiêu quan trọng của đơn vị; một số công trình, dự án phải khẩn trương thi công ngay, một số công trình có nguy cơ đổ sập... nên phải ứng vốn để thi công trước mùa bão, lũ.

Đơn giá và định mức trong dự toán được duyệt còn nhiều bất cập. Chủ đầu tư, cơ quan cấp vốn, cơ quan kiểm toán chưa kiểm soát chặt chẽ về khối lượng thi công nên nhiều nhà thầu đã tranh thủ ứng trước vốn để thi công rồi mới xin thanh toán. Công tác quản lý đầu tư và xây dựng ở một số đơn vị còn buông lỏng. Cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành của Nhà nước chưa có nhiều chế tài, biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát tình hình, chưa hạn chế được việc phê duyệt dự án đầu tư tràn lan. Nhiều đơn vị còn nể nang, dễ dãi đối với chủ đầu tư trong việc vay mượn vốn, cho phép các nhà thầu ứng trước vốn để thi công các công trình. Khi phát hiện thấy tình trạng vượt vốn đầu tư, các cơ quan quản lý chưa kịp thời can thiệp và thiếu các biện pháp xử lý hiệu quả. Các công trình hoàn thành, chưa kịp thời báo cáo quyết toán vốn đầu tư nên mặc dù có khối lượng phát sinh nhưng chưa được bố trí bổ sung, dẫn đến tồn đọng. Việc chấp hành các quy định của Nhà nước về đầu tư và XDCB ở một số đơn vị chưa nghiêm túc. Đơn giá XDCB thay đổi, tiền lương điều chỉnh theo lương tối thiểu mới làm giá trị công trình tăng hơn 10% nhưng chưa được chủ đầu tư kịp thời báo cáo điều chỉnh tổng mức đầu tư, đơn vị thi công phải ứng kinh phí thực hiện. Qua xem xét của các cơ quan chức năng cho thấy, giá trị nợ đọng phần lớn ở các dự án Bộ ủy quyền cho Thủ trưởng các đơn vị quyết định đầu tư. Các dự án này phân bổ còn dàn trải, phân bổ cho nhiều lĩnh vực, chưa tập trung vốn, số nợ đọng chiếm tỷ trọng lớn.

Những giải pháp quyết liệt và hiệu quả

Thấy rõ tính cấp bách của vấn đề, Cục Tài chính và các cơ quan liên quan đã tham mưu cho Bộ có những biện pháp quyết liệt để xử lý. Tại buổi làm việc, Thượng tá Trần Đình Thăng, Phó trưởng phòng Kế hoạch ngân sách, Cục Tài chính đã cho chúng tôi xem hàng loạt văn bản, chỉ thị của Bộ trưởng và Cục gửi các đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn việc tập trung xử lý tình hình nợ đọng vốn đầu tư và XDCB. Qua tìm hiểu tại Quân khu 2, Quân khu 4, Binh đoàn Hương Giang, Binh đoàn Quyết Thắng… chúng tôi nhận thấy các đơn vị đã quán triệt và triển khai xử lý nợ đọng vốn đầu tư và XDCB rất ráo riết.

Theo thống kê của Cục Tài chính, từ 37 đơn vị còn nợ đọng trong đầu tư và xây dựng cơ bản (nguồn ngân sách quốc phòng) đầu năm 2007. Đến đầu năm 2008, toàn quân chỉ có 4 đơn vị còn nợ đọng trong đầu tư và xây dựng cơ bản với tổng số tiền là hơn 29 tỷ đồng, trong đó đơn vị nhiều nhất là 12,816 tỷ đồng, đơn vị ít nhất là 3,1 tỷ đồng.

Cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trong định hướng phân bổ ngân sách XDCB, Bộ Quốc phòng chủ trương, hạn chế tối đa việc mở các dự án mới, tập trung vốn đảm bảo cho các dự án đã được phê duyệt và giải quyết các nội dung còn tồn đọng, tập trung vốn để đảm bảo cho các công trình trọng điểm đã được phê duyệt; bố trí vốn để thanh toán nợ đọng trong XDCB, các công trình chuyển tiếp và các công trình đã ứng kinh phí để thu hồi. Bảo đảm vốn cho các dự án, công trình XDCB sẽ hoàn thành đưa vào xây dựng trong năm 2007, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, nhỏ lẻ; bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình từ năm 2006 trở về trước. Bộ Quốc phòng đã phân bổ các danh mục dự án năm 2007, theo phương châm chống dàn trải, hạn chế phát sinh tồn đọng. So với năm 2006 dự toán chi XDCB nguồn ngân sách quốc phòng Bộ giao cho các đơn vị giảm 78 danh mục. Mức bố trí vốn cho mỗi danh mục công trình thuộc dự án Bộ duyệt tăng từ 1,973 tỷ đồng lên 3,513 tỷ đồng (tương đương mức bố trí chung của cả nước). Các dự án Bộ duyệt được tập trung 63,33% vốn để đẩy nhanh tiến độ, số còn lại mới phân bổ cho các dự án chuyển tiếp do Bộ ủy quyền. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng: “Hạn chế mở mới, tập trung vốn cho các công trình chuyển tiếp” nên ngân sách năm bố trí cho dự án chuyển tiếp chiếm đến 96,22%. Các công trình mở mới chỉ chiếm 3,78%. Cục Tài chính đã tập trung bố trí vốn cho các đơn vị để thanh toán dứt điểm nợ đọng. Đối với nguồn ngân sách quốc phòng, đến tháng 11-2007, Cục Tài chính đã phối hợp với các cơ quan chức năng báo cáo trên xử lý tồn đọng 591,381 tỷ đồng… Đến cuối năm 2007, số nợ đọng của các đơn vị cơ bản đã được giải quyết.

Tuy nhiên, do việc chấp hành dự toán ngân sách XDCB của một số đơn vị chưa nghiêm; triển khai các dự án công trình ngoài kế hoạch, vượt quá số vốn được cấp… vì vậy tình trạng nợ đọng vẫn có dấu hiệu phát sinh nhất là ở các danh mục công trình Bộ ủy quyền quyết định đầu tư. Để tiếp tục giải quyết vấn đề trên, năm 2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo: “Trong đầu tư XDCB cần tập trung vốn cho các công trình xây dựng trọng điểm đã được Bộ phê duyệt, công trình chuyển tiếp và tất cả các công trình Bộ đã ứng kinh phí xây dựng. Các đơn vị có trách nhiệm bố trí, xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB trước khi triển khai khởi công mới”.

Trao đổi với chúng tôi về các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, ngoài các vấn đề về chuyên môn, Thiếu tướng Phạm Quang Phiếu đặc biệt nhấn mạnh việc cần phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng ra quyết định đầu tư và xây dựng công trình không đúng thẩm quyền, chưa có trong danh mục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc chưa có nguồn vốn mà vẫn triển khai xây dựng dẫn đến tình trạng nợ đọng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư và xây dựng công trình.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã quán triệt và triển khai nghiêm túc công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng và các Nghị định của Chính phủ cũng như hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Các dự án chuyển tiếp được chú trọng đẩy nhanh tiến độ. Những đơn vị chi vượt ngân sách hoặc còn tồn đọng trong XDCB đã sử dụng ngân sách năm để cân đối... Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, đôn đốc toàn quân quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 66/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc rà soát các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2008; Quyết định số 990/QĐ-BQP về việc thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều hành kế hoạch đầu tư XDCB và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Sau khi rà soát lại kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008, Bộ Quốc phòng đã quyết định cắt và đình hoãn 17 dự án; giãn tiến độ hoàn thành của 19 dự án sang kế hoạch của năm 2009. Điều chỉnh số vốn có được từ các dự án cắt giảm và đình hoãn trên, Bộ Quốc phòng tập trung ưu tiên bố trí để hoàn thành dứt điểm 78 dự án. Đối với kế hoạch đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã cắt giảm mức vốn kế hoạch năm 675 tỷ đồng... Những việc làm trên cho thấy Bộ Quốc phòng đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đồng bộ các biện pháp góp phần kiềm chế lạm phát trong lĩnh vực đầu tư phát triển.

PHÙNG KIM LÂN