Thực tế Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước chỉ diễn ra trong 56 ngày đêm thông qua 3 chiến dịch: Tây Nguyên- Buôn Ma Thuột, Huế- Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhưng kế hoạch chiến lược do Bộ Tổng Tham mưu đặt ra trước đó là 2 năm? Độ lùi của thời gian đến nay đã 33 năm xin được “giải mật” vấn đề lịch sử này.
Trong hoạt động tập thể nghiên cứu xây dựng chiến lược, trước khi trình bày với Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương phê duyệt, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu đều thống nhất cao là phải sử dụng “đòn tác chiến của chủ lực tập trung mở các chiến dịch tiến công, tiến công kết hợp với nổi dậy tiêu diệt và đánh tan rã hoàn toàn đạo quân của Chính quyền Sài Gòn trên một triệu người, sau khi quân và dân ta đã đánh bại quân Mỹ, buộc tên lính Mỹ cuối cùng phải rút hết khỏi chiến trường. Có làm được như vậy mới giải quyết được cuộc chiến tranh, giành thắng lợi trọn vẹn! Chủ trương của ta là: phải tận dụng thời cơ tương quan lực lượng đã thay đổi rất có lợi cho ta, từ chỗ phải đánh hai lực lượng: quân Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy tay sai, nay chỉ đánh với đạo quân tay sai, nên ta phải phấn đấu để các đòn chủ lực tác chiến tập trung nâng mức tiêu diệt quân địch: từ tiêu diệt trong chiến đấu (chiến thuật) diệt gọn các đn vị tiểu đoàn, trung đoàn (như đã làm được trong các chiến dịch năm 1971-1972); nay theo kế hoạch chiến lược mới đề ra phải nâng lên tiêu diệt về chiến dịch các đơn vị sư đoàn, quân đoàn, tiến lên tiêu diệt chiến lược đánh tan rã hoàn toàn quân đội ngụy.
Khi nhấn mạnh sử dụng đòn tác chiến của chủ lực như vậy không có nghĩa là trong tư duy chiến lược xem nhẹ đòn tác chiến tiến công tổng hợp, tiến công và nổi dậy đánh địch bằng cả ba đòn: đòn chủ lực diệt sinh lực địch trên chiến trường rừng núi; đòn nông thôn diệt địch phá bình định, mở mang, mở vùng, mở rộng vùng giải phóng; đòn thành phố khi chuyển sang tổng tiến công và nổi dậy đánh vào các trung tâm đầu não. Tuy nhiên, trọng điểm đề ra trong kế hoạch vẫn là phải sử dụng đòn chủ lực tác chiến tập trung tiêu diệt lớn quân địch là đòn quyết định.
Căn cứ vào tư tưởng chỉ đạo như vậy, cơ quan nghiên cứu đặt kế hoạch tính toán thời gian thực hiện nhiệm vụ. Theo lô gíc khoa học, thấy cần thiết là phải 2 năm. Trong khoảng thời gian tối thiểu cần thiết đó, lực lượng vũ trang ta mới có thể tiêu diệt và đánh tan rã hoàn toàn quân đội ngụy. Trong khi thảo luận, các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương còn gợi ra phương án có thể nhanh hơn, thực hiện ngay trong năm 1975; đồng thời cũng tính đến khó khăn, phải kéo dài sau năm 1977. Ta tính toán 2 năm còn một lý do khác nữa: tuy trên chiến trường tương quan lực lượng đã thay đổi, rõ ràng có lợi cho ta, song quân ngụy lúc đó vẫn được đánh giá là đạo quân mạnh nhất đối địch với cách mạng trong khu vực Đông và Đông Nam Châu Á. Đó là quân đội với đầy đủ quân binh chủng hoàn chỉnh, được Mỹ hiện đại hóa trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh với hơn 1 triệu quân, bao gồm 75 vạn quân chính quy với quân chủ lực là 38 vạn; quân địa phương, bảo an, dân vệ 37 vạn và 45 vạn phòng vệ dân sự, có đến 23 vạn đã được trang bị, chưa kể 8 vạn cảnh sát vũ trang.
Cho đến thời điểm ta đặt kế hoạch trên, đối với quân ngụy, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam mới đánh suy yếu chúng một bước với mức tiêu diệt gọn đến chiến đoàn, trung đoàn, cá biệt cao nhất là lữ đoàn trên chiến trường chủ yếu như trong các chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Đông Nam Bộ năm 1972. Vậy nên ta lấy căn cứ thiết thực nhất làm điểm xuất phát phấn đấu thực hiện kế hoạch chiến lược hai năm (1975-1976) thành hai bước tiếp theo:
Bước thứ nhất: thực hiện trong năm 1975. Cụ thể là thực hiện ngay cuộc tiến công chiến lược cao điểm đầu Xuân 1975. Dự kiến, nếu chưa đạt được thì tiếp tục thực hiện trong đợt cao điểm tiến công chiến lược Thu Đông 1975. Phấn đấu trong bước này là phải đạt cho được trên cơ sở tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch rộng khắp trên chiến trường trong cuộc tiến công chiến lược. Tại chiến trường chính, lấy chỉ tiêu hướng tiến công chiến lược chủ yếu phải diệt gọn sư đoàn chủ lực chính quy, phá vỡ khu “phòng thủ chiến thuật” trên tuyến phòng thủ chiến lược (địch gọi là vùng chiến thuật) của quân đoàn, quân khu địch; giải phóng một số tỉnh (2 đến 3 tỉnh) mở rộng hành lang Bắc Nam, mở rộng vùng giải phóng của ta. Đó cũng là nguyên nhân, tại sao ta chọn chiến trường chính là Tây Nguyên với hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch là Đức Lập-Buôn Ma Thuột (Khu chiến thuật 23 quân ngụy) sau khi đã cân nhắc những phương án khác nhau.
Bước thứ hai: dự kiến thực hiện trong năm 1976. Cụ thể, sẽ phấn đấu diệt quân đoàn, quân khu địch, giải phóng 6 đến 7 tỉnh của một “vùng chiến thuật”, tiến lên tiêu diệt, đánh tan rã đạo quân ngụy (có “4 vùng chiến thuật” trên toàn chiến trường). Sở dĩ ta đề ra diệt quân đoàn, quân khu địch trong bước hai vì ta trù tính muốn diệt quân đoàn địch thì phải diệt nhiều sư đoàn và nhất là phải tiến công đột phá vào các căn cứ liên hiệp vững chắc như Đà Nẵng, Plây-cu, Sài Gòn - Biên Hòa, Cần Thơ. Ta có thực hiện tốt bước thứ nhất mới có kinh nghiệm cho bước thứ hai. Khi xây dung kế hoạch chiến lược, ta cũng không ngờ được, sau này khi đi vào chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch ta lại tạo được cơ hội tiêu diệt được quân đoàn địch đang cơ động rút lui như thực tế diễn ra khi ta diệt quân đoàn 2 và quân đoàn 1 của địch. Tình hình chiến sự có sự phát triển đột biến. Và thực tế là ta không phải tổ chức các chiến dịch đột phá vào các tập đoàn cứ điểm (các căn cứ liên hợp của địch). Trong kế hoạch 2 năm 2 bước, ta cũng có chỉ ra thời cơ chính trị: cuộc bầu cử tổng thống ngụy vào cuối năm 1975 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 1976. Nếu trong thời gian đó, ta đánh mạnh, đánh có kết quả thì cũng là thời cơ thúc ép Mỹ phải thay đổi chính sách, không thể kéo dài chiến tranh./.
Trang Thu