 |
Đường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu |
Con đường huyền thoại
“Đường mòn Hồ Chí Minh” vốn là tên gọi một con đường, do cán bộ, chiến sĩ ta đặt tên khi những đội quân Nam tiến theo đó vào chi viện cho Nam Bộ kháng chiến từ cuối năm 1945. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ con đường này được gọi là “đường Trường Sơn huyền thoại”, còn đế quốc Mỹ và giới quân sự phương Tây gọi là “Ho Chi Minh trail”. Đó là một tuyến hậu cần khổng lồ, cực kỳ sáng tạo của dân tộc ta.
Trong quá trình phát triển dưới thời kháng chiến chống Mỹ, đường này được xem như là một sự tiếp nối hai con đường “Nam tiến” trước kia, được bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ XX.
Con đường Nam tiến lần thứ nhất diễn ra trong những năm 1941-1945, có tên gọi là “Con đường quần chúng cách mạng”, nối liền khu căn cứ Cao Bằng nói riêng, khu căn cứ Việt Bắc nói chung, xuống miền xuôi, xuống tận phía nam, mà lực lượng bao gồm các đội xung phong tuyên truyền, chuyển tải những tư tưởng cách mạng, những chủ trương của Nghị quyết VIII đến các địa phương, tổ chức các lực lượng vũ trang tại chỗ để tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Con đường Nam tiến lần thứ hai-đúng với nghĩa đen, tên riêng là Nam tiến-từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946 đưa các lực lượng vũ trang-chủ yếu là các chi đội Giải phóng quân, các đại đội Vệ quốc đoàn-vào sát cánh chiến đấu cùng nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ, giữ vững vùng tự do vừa giành được cho đến khi nổ ra kháng chiến toàn quốc.
Con đường Nam tiến lần thứ ba này, đường Trường Sơn huyền thoại, có một tầm vóc và qui mô to lớn hơn rất nhiều.
Đoàn 559 (ra đời ngày 19-5-1959), còn gọi là Binh đoàn Trường Sơn, Đoàn vận tải quân sự Quang Trung, thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, là đơn vị triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, quân y, bộ binh và phòng không để bảo đảm hoạt động cho hệ thống đường này.
Là một mạng lưới giao thông quân sự chiến lược, men theo hai bên sườn núi của dãy Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh là tuyến vận tải đặc biệt quan trọng cung cấp binh lực, lương thực, vũ khí khí tài, chi viện cho Quân giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Quân số cao nhất của Binh đoàn Trường Sơn có lúc tới hơn 20 vạn. Nếu tính số lượt người tham gia chiến đấu ở Trường Sơn thì phải đến hơn một triệu. Độ dài của tuyến đường giao liên là 1.600 ki-lô-mét nhưng đường ô tô (hệ thống ngang, dọc trên dãy Trường Sơn) là 20.000 ki-lô-mét, trong đó có 5 hệ thống đường trục dọc (theo chiều dài dãy núi đến miền Đông Nam Bộ), 21 hệ thống đường trục ngang. Trong 20.000 ki-lô-mét đường có 3.140 ki-lô-mét đường kín (ngụy trang để ô tô chạy ban ngày). Độ dài tuyến cơ giới đường sông (chủ yếu là các nhánh sông Xê Kông và Mê Kông) là 600 ki-lô-mét.
Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, lực lượng quân sự Mỹ và ngụy quân Sài Gòn đã ra sức đánh phá hệ thống giao thông này bằng nhiều chiến dịch bộ binh và không quân. Một hệ thống máy móc điện tử, thường gọi là “Hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra đã được sử dụng để hướng dẫn máy bay trút xuống 3 triệu tấn bom đạn. Ngoài ra, chất độc da cam cùng một số loại chất độc hóa học diệt cỏ khác cũng đã được rải xuống nhiều vùng trên đường Trường Sơn hòng làm trụi lá cây. Các dự án tạo mưa và các chất độc hóa học tạo bùn cũng đã được sử dụng để phá đường. Nhưng tất cả mọi cố gắng của quân xâm lược đều không khuất phục được ý chí của bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn.
Đường mòn Hồ Chí Minh, trên thực tế, bao gồm hai con đường thủy, bộ. Bên cạnh đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, còn có đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Đó là tên gọi của tuyến đường vận tải bí mật trên biển Đông, được thành lập ngày 23-10-1959, để vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Chuyến đi đầu tiên được thực hiện vào đêm ba mươi Tết Canh Tý (ngày 27-1-1960). Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian chi viện cho chiến trường, đã có gần 2000 lần tàu thuyền vượt trùng khơi, cập 19 bến bãi, thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam và đã vận chuyển được gần 160 nghìn tấn vũ khí, đạn dược và các loại khí tài, quân trang, quân dụng khác.
Có 5 Đường mòn Hồ Chí Minh
Bàn về đường mòn Hồ Chí Minh, đến đây có một vấn đề cần được đề cập tới. Từ trước tới nay, khi nói đến sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, chủ yếu người ta chỉ nhắc đến hai con đường vận chuyển trên bộ và trên biển. Gần đây, theo ý kiến của tác giả Đặng Phong, trong cuốn sách “Năm đường mòn Hồ Chí Minh” (NXB Tri thức, Hà Nội, 2008) thì trên thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có 5 con đường mòn Hồ Chí Minh, đó là Đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và 3 con đường khác nữa mà rất ít người biết đến là: Đường nhiên liệu, xăng dầu; đường hàng không và đường tài chính, chuyển ngân.
Đường nhiên liệu, xăng dầu có tổng chiều dài tới 5.000 ki-lô-mét, để vận chuyển xăng dầu, suốt từ biên giới Việt-Trung và từ các cảng biển miền Bắc vào đến tận Nam Bộ, có chỗ phải vượt qua cả những điểm cao tới gần nghìn mét là điều có vẻ bất khả thi đối với kỹ thuật đường ống. Con đường này người Mỹ dường như cũng biết rằng đã xuất hiện và cũng từng đánh phá được một số điểm. Nhưng nó ra đời bằng cách nào và đã đóng vai trò ra sao trong việc cung cấp nhiên liệu cho các đoàn xe vận tải vũ khí, cung cấp nhiên liệu cho xe tăng trong các trận đánh lớn ở miền Nam thì hình như trong các tài liệu đã giải mật gần đây nhất, cũng không có được những thông tin cụ thể.
Đường hàng không là con đường bí mật trong công khai, đi từ Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), bay qua lãnh thổ miền Nam Việt Nam, thậm chí bay qua cả Sài Gòn tới Hồng Công hoặc Quảng Châu rồi về Hà Nội. Con đường này đã từng vận chuyển hàng ngàn lượt tướng tá “Việt cộng” vào Nam, ra Bắc, vận chuyển hàng triệu đô-la cho cơ quan kinh tài của miền Nam, vận chuyển rất nhiều thứ máy móc, thuốc men và hóa chất quan trọng, vận chuyển thương binh, đưa vợ con các chiến sĩ và cán bộ của miền Nam ra Bắc học tập và điều dưỡng. Nhưng phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn hình như cũng hoàn toàn chưa biết gì về tuyến đường này.
Đường tài chính, chuyển ngân thì còn bí hiểm hơn. Đó là con đường vô hình, không có đường, không có lối trên đất liền, trên biển cả, trên không trung, trên những đường ống… Nó đi theo hệ thống ngân hàng của chính các nước phương Tây và hệ thống ngân hàng ở ngay Sài Gòn để chuyển tiền một cách hợp pháp từ Bắc vào Nam, từ các nguồn tài trợ của các nước vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn rút ra tiền bản địa để chi tiêu cho các lực lượng giải phóng. Không cần ô tô, không cần máy bay, không cần tàu thủy, không cần gùi thồ, chỉ cần những mật mã, những cú điện… là tiền từ Pa-ri, Luân-đôn, Hồng Công, Băng Cốc, Mát-xcơ-va, Bắc Kinh… được chuyển qua Sài Gòn rồi đến các căn cứ địa ở khắp miền Nam, được thanh toán cho những địa chỉ cần thiết ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Con đường đó, suốt hai mươi năm chiến tranh, chỉ “ai làm thì người ấy biết”, Mỹ không biết, chính quyền Sài Gòn không biết, nên không một ai bị bắt, không một vụ chuyển ngân nào bị phát hiện.
Những con đường mòn Hồ Chí Minh đó thật là thần kỳ và bí mật.
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG