“Dũng sĩ diệt máy bay” Vũ Xuân Đài.

QĐND Online – Tiếp xúc với Anh hùng lực lượng vũ trang, “Dũng sĩ diệt máy bay” Vũ Xuân Đài trong buổi gặp gỡ các nhân chứng tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật: “Một thời trai trẻ” do Báo Quân đội nhân dân kết hợp với Ban thanh niên Quân đội, Đài truyền hình Việt Nam vừa tổ chức khiến tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu can trường của người chiến sĩ này. Ở cái tuổi đã ngoại lục tuần, ông còn rất rắn rỏi dù những vết thương chiến tranh hằn ngang dọc trên thân thể. Trò chuyện với tôi, ông vẫn giữ được khí thế hừng hực của một thời trai trẻ xông pha trận mạc – một thời mà biết bao thanh niên Việt Nam đã sống và tâm nguyện: “Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến đánh quân thù”.

Khai tăng tuổi, viết đơn bằng máu để vào bộ đội

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (4 anh chị em đều tham gia kháng chiến trong đó một người đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường, hai người là thương binh), Vũ Xuân Đài, sinh ra và lớn lên tại Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, từ nhỏ đã được giác ngộ tư tưởng cách mạng, tin và đi theo tiếng gọi của Đảng, của Tổ quốc, ông tâm sự: “Tuổi trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đang lâm nguy, với trách nhiệm của thanh niên cũng như truyền thống của dân tộc là bảo vệ và chống giặc ngoại xâm, tôi đã viết đơn bằng máu khai tăng tuổi để được vào bộ đội , để có thể cống hiến tuổi xuân của mình cho đất nước”.

Vào bộ đội năm 1965, Vũ Xuân Đài cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, thuộc Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 2, Quân khu 5,ông luôn là một chiến sĩ tích cực, dũng cảm, sẵn sàng lăn xả ngoài mặt trận. Nói đến đây, ông hóm hỉnh chia sẻ với tôi: “ Lúc đầu khi mới tham gia chiến đấu, vì tôi thấp bé nhẹ cân nên không được làm xạ thủ số 1. Mãi sau này, vì những cố gắng trong chiến đấu, tôi mới được đồng đội và lãnh đạo ghi nhận”.

Kể về kỉ niệm lần đầu tiên bắn rơi máy bay địch, mắt ông hấp háy không giấu được vẻ kiêu hãnh và xúc động. “Đó là một ngày đầu tháng ba, lúc đấy tôi là người trực tiếp bóp cò súng cao xạ 12,7 mm để diệt máy bay. Ở ngoài miền Bắc, việc bắn rơi một chiếc máy bay khó khăn hơn nhiều so với chiến trường miền Nam, ở đây máy bay bay tầm thấp nên việc tiêu diệt máy dễ dàng hơn nhiều”.

Trong suốt ba năm từ năm 1966 đến năm 1969, Vũ Xuân Đài đã cũng đồng đội bắn rơi 37 chiếc máy bay, ông trở thành một trong những chiến sĩ xuất sắc nhất của Tiểu đoàn.

Nhớ công ơn của nhân dân

Tâm sự với tôi về quãng thời gian tham gia chiến đấu trên chiến trường của mình, ông Vũ Xuân Đài không giấu nổi sự xúc động: “Có những lần hành quân xa, lương thực hết, nước uống không còn nên đành phải nhịn đói, nhịn khát, rồi những cơn sốt rét hoành hành, bom đạn dội xuống ngày đêm, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Anh em, đồng chí đùm bọc che chở lẫn nhau, lấy ý chí quyết tâm, lòng căm thù giặc để vượt lên trên những khó khăn”.

Trong những chặng đường hành quân gian lao ấy, ông cũng nhưng các đồng đội của mình đã nhận được nhiều sự yêu thương đùm bọc của nhân dân. Ông chia sẻ: “Điều khiến tôi nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình, không phải là những lần “khều” rơi máy bay của địch cũng không phải là những khó khăn, gian khổ của đời lính, mà đó chính là lòng thương yêu, chia sẻ, đùm bọc của bà con. Mỗi lần hành quân xa, được nhân dân địa phương cho gạo cho khoai, anh em chúng tôi cảm động lắm, bao nhiêu mệt mỏi, vất vả đều không còn.”

Chia tay “Dũng sĩ diệt máy bay” Vũ Xuân Đài mà những kí ức về một thời hoa đỏ ông kể cho tôi vẫn còn hiện diện đâu đó, văng vẳng trong trí óc tôi, câu hát quen thuộc: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” – đã có một thời, lớp thanh niên Việt Nam đã sống và hiến dâng trọn vẹn như thế.

Bài, ảnh: Thu Thủy