QĐND - Men theo những cánh rừng tràm và trảng cây um tùm, bến vượt của đội hình pháo binh hiện ra dưới ánh sáng nhờ nhờ của sao trời. Dòng sông Đồng Nai vào mùa mưa, nước dâng đỏ ngầu. Bến vượt đã được đơn vị cải tạo từ con đường mòn, có hình cánh cung nối từ vị trí tập kết ra bờ sông. Lệnh vượt sông được phát ra. Phà tự hành của Lữ đoàn Công binh 550 nhanh chóng thả những đốt phao, kết thành cây cầu nối đôi bờ. Những chiếc xe chở pháo theo đội hình lần lượt rời vị trí tập kết men theo con đường đất đỏ hình cánh cung qua phà, tiến về Xuân Lộc...

Chứng kiến đội hình pháo binh vượt sông làm nhiệm vụ diễn tập của Quân đoàn 4, các cán bộ của Bộ Tổng tham mưu đánh giá cao công tác chuẩn bị, phương pháp tổ chức, bố trí đội hình thực hành vượt sông của Lữ đoàn Pháo binh 434. Thiếu tướng Võ Trọng Hệ, Tư lệnh Quân đoàn 4 cho biết: Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, Quân đoàn 4 tổ chức cho pháo binh và các loại hỏa lực hạng nặng vượt sông Đồng Nai trong nhiệm vụ diễn tập. Trước đây, nội dung vượt sông chỉ dành cho đội hình bộ binh. Pháo binh và các loại hỏa lực hạng nặng cơ động làm nhiệm vụ bằng đường bộ.

“Voi” của Lữ đoàn Pháo binh 434 khai hỏa tiêu diệt mục tiêu trong diễn tập tại Trường bắn Quốc gia khu vực III. Ảnh: LỮ ĐOÀN.

Việc đưa pháo binh vượt sông là một quyết định táo bạo, đầy quyết tâm của Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, được Bộ Tổng tham mưu phê chuẩn. Để cơ động phương tiện, vũ khí trang bị cồng kềnh, trọng lượng lên đến hàng chục tấn qua sông trong điều kiện thiếu bến vượt chuyên dụng, vượt vào ban đêm, là một thách thức rất lớn. Đại tá Lê Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 434 kể: “Khi nhận nhiệm vụ do Tư lệnh Quân đoàn giao, chúng tôi rất lo, nhưng cũng đặt quyết tâm rất cao. Cùng với việc chuẩn bị tốt hệ số kỹ thuật cho các phương tiện, vũ khí, trang bị, đơn vị đã tổ chức tập huấn cán bộ, huấn luyện bổ sung, huấn luyện chuyên sâu về kỹ năng điều khiển phương tiện, xử trí tình huống trong quá trình vượt sông, nhất là khi điều khiển xe kéo pháo từ vị trí tập kết qua bến vượt xuống phà”.

Lực lượng tham gia diễn tập của Lữ đoàn Pháo binh 434 là một tiểu đoàn hỗn hợp, gồm 3 đại đội, trong đó tổ chức cho pháo 130mm vượt sông. Trong quá trình huấn luyện bổ sung, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Lữ đoàn Công binh 550 và các đơn vị chức năng của Tổng cục Kỹ thuật bảo đảm kỹ thuật, vận hành thành thạo các thao tác từ trên cạn, luyện tập ở hồ nước, sau đó mới đưa phương tiện ra sông. Bước vào nhiệm vụ diễn tập, Lữ đoàn Pháo binh 434 tổ chức đội hình vượt sông trong tình huống chiến đấu vào ban đêm. “Đặc thù của pháo binh khi vượt sông là phương tiện kéo pháo chỉ có tiến chứ không thể lùi. Vì vậy mọi thao tác kỹ thuật, ý thức chiến thuật phải được tiến hành tỉ mỉ, chu đáo, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ.”, Đại tá Lê Văn Sơn nói.

Cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng năm 2014 của Quân đoàn 4 đã được Bộ Tổng tham mưu đánh giá cao. Một số nội dung lần đầu tiên áp dụng, trong đó có việc đưa pháo binh vượt sông Đồng Nai, con sông lớn nhất Nam Bộ, vị trí bố trí bến vượt rộng hơn 350m, được nhiều cán bộ, chuyên gia từ các học viện, nhà trường và các đơn vị bạn đến tham quan, phục vụ công tác nghiên cứu, bổ sung giáo án huấn luyện. Theo Thiếu tướng Võ Trọng Hệ, việc đưa pháo binh và các loại hỏa lực vượt sông là một bước tiến mới trong công tác huấn luyện, SSCĐ của Quân đoàn, đáp ứng yêu cầu cơ động nhanh chóng, linh hoạt, chính xác trên địa hình sông nước trong mọi tình huống. Nhờ quá trình tổ chức huấn luyện nghiêm túc, chặt chẽ, huấn luyện sát thực tế chiến đấu nên Lữ đoàn Pháo binh 434 luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tại Hội thi Tiểu đoàn trưởng Pháo binh giỏi do Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức mới đây, đội hình dự thi của Lữ đoàn Pháo binh 434 đã giành giải cao.

Đại tá Dương Văn Thùy, Chính ủy Lữ đoàn chia sẻ: “Lữ đoàn Pháo binh 434 đã có bề dày truyền thống 60 năm. Ngày xưa, các thế hệ cha anh gọi các khẩu pháo bằng cái tên rất dân dã, thân thương là “Voi”. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh sưu tầm từ sử sách và các nhân chứng những chiến công của đơn vị gắn với các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc để nghiên cứu, biên soạn thành chiến lệ, phục vụ huấn luyện và công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay. Thành công của quá trình đưa “voi” vượt sông Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ diễn tập vừa qua là một trong những dấu mốc quan trọng của quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của lữ đoàn. Hiện đơn vị đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập vượt sông Sài Gòn trong thời gian tới”.

TÙNG SƠN - HUY VÕ