Nhiều công trình thiết thực, ý nghĩa
Những ngày cuối năm 2022, nhân dân thôn Đồng Cốc, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) vui như mở hội. Lễ khánh thành và đưa vào sử dụng con đường bê tông dài hơn 300m, rộng 3m được bộ đội và nhân dân tổ chức đầm ấm, thắm tình quân dân. Thôn Đồng Cốc nằm lọt thỏm trong thung lũng, được bao bọc bởi bốn bề đồi núi. Nhiều năm nay, con đường từ trung tâm xã về thôn là đường đất, độ dốc cao, trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì trơn trượt khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn... Nhưng giờ đây, nhờ chương trình xây dựng NTM, con đường nhỏ, lởm chởm đất đá đã được trải bê tông, rộng rãi, thông thoáng. Việc đi lại của người dân trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
“Cảm ơn tấm lòng của bộ đội! Để hoàn thành con đường này, các chú không chỉ hỗ trợ địa phương hơn 300 triệu đồng mà còn điều động gần 100 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp hành quân gần 100km lên đây giúp bà con làm đường. Từ nay, người dân chúng tôi không còn lo đường lầy lội, trơn trượt nữa”, đồng chí Lê Hùng Định, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đồng Cốc chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Hữu Thuật, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Những năm trước đây, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng NTM hướng mạnh về cơ sở, tập trung hoàn thiện các tiêu chí ở cấp xã. Hai năm gần đây, chúng tôi chỉ đạo mỗi cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng 1-2 công trình. Đồng thời nhận giúp đỡ một thôn, bản xây dựng một tiêu chí NTM phù hợp với khả năng của đơn vị”.
Sau hơn 10 năm triển khai Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thanh Hóa đã tự nguyện ủng hộ cùng với số tiền tiết kiệm từ quỹ vốn của cơ quan, đơn vị hơn 9 tỷ đồng, tham gia hơn 12.000 ngày công lao động cùng chính quyền và nhân dân trên địa bàn đóng quân tham gia xây dựng NTM.
Là một tỉnh nghèo, đất rộng, người đông, đặc biệt là số lượng thôn, bản địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa rất lớn nên việc xác định hỗ trợ các địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. LLVT tỉnh Thanh Hóa đã tham gia đồng hành với nhân dân củng cố, tu sửa, làm mới, mua trang thiết bị tặng 30 nhà văn hóa; cải tạo, nâng cấp, mua trang thiết bị, cấp phát thuốc cho 7 trạm y tế cấp xã; phối hợp cùng địa phương tu sửa, làm mới đường liên thôn, liên xã với chiều dài gần 500km; phối hợp cùng chính quyền địa phương nạo vét, tu sửa 150km kênh mương nội đồng.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thanh Hóa tham gia xây dựng đường giao thông thôn Đồng Cốc, xã Xuân Thái (Như Thanh, Thanh Hóa). |
Bên cạnh đó, rất nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả được cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thanh Hóa triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực, như mô hình trao “Hạt giống vàng” tặng 15 hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn với 9 con bò, 8 con lợn và 2 con nghé; mô hình “Búp măng vàng” phục hồi hơn 3ha rừng luồng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo tại các địa phương miền núi; trao học bổng tặng học sinh nghèo học giỏi; mua sắm các trang thiết bị, củng cố, tu sửa các nhà văn hóa, trường học, trạm y tế.
Đồng hành với nhân dân vùng khó khăn
“Nguồn vốn để tham gia đồng hành với nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không lớn, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải khảo sát, rà soát thật kỹ địa bàn để xác định công trình, phần việc sao cho thật sự thiết thực và ý nghĩa”, Đại tá Nguyễn Hữu Thuật cho biết thêm.
Trong 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, có 7 huyện nghèo (gồm 109 xã, thị trấn; có 70 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II) theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân). Bám sát phương châm chỉ đạo “Thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở”, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đồng hành với nhân dân đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là đối với những địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn để giúp đỡ, hỗ trợ. Lựa chọn những công trình, việc làm mang tính cộng đồng, nhiều đối tượng được thụ hưởng để triển khai thực hiện; coi đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong công tác dân vận. Căn cứ vào các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng NTM gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị để triển khai, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, trong đó tập trung vào nội dung, yêu cầu của tiêu chí 19.1 về quốc phòng. Xây dựng quyết tâm cho lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên toàn tỉnh tham gia xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 346 xã, 902 thôn, bản (trong đó có 690 thôn, bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã, 242 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Giang, Phó chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Tỉnh Thanh Hóa vượt kế hoạch trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Có được kết quả trên, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của LLVT tỉnh-lực lượng đi tiên phong". Còn Đại tá Lê Văn Trung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa phấn khởi cho biết: "Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn đồng hành với nhân dân, tùy theo từng địa bàn đóng quân để từ hoàn thành tiêu chí đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hiện nay, chúng tôi đang chú trọng hướng tới các địa phương vùng đặc biệt khó khăn. Đó là tình cảm, trách nhiệm và quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh. Đây cũng là điều kiện để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ máu thịt quân dân, làm sáng đẹp thêm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình".
Bài, ảnh: KHÁNH TRÌNH