QĐND - Tham gia cách mạng từ năm 1944, đồng chí Lê Trọng Tấn sớm bộc lộ những phẩm chất, tài năng, được cấp trên tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy ở nhiều địa bàn quan trọng trong đó có Mặt trận Tây Bắc. Từ cuối năm 1945 đến năm 1950 và hai năm 1953-1954, đồng chí Lê Trọng Tấn chủ yếu sống, chiến đấu và công tác trên địa bàn Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai).
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Đại đoàn 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng. Ảnh tư liệu.
|
Cuối năm 1945, khi Tây Bắc chưa hoàn toàn giành được chính quyền, nhân dân còn phải chịu ách đô hộ và nô dịch của thực dân Pháp và phìa tạo phản động, cùng với sự phá hoại của quân Tưởng Giới Thạch, quân Nhật, tháng 11-1945, Trung ương Đảng thành lập Mặt trận Tây Bắc. Đồng chí Lê Trọng Tấn được cử lên Tây Bắc làm Chi đội trưởng Chi đội Sơn La, rồi Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La (nay là Trung đoàn 148 thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2). Trung đoàn Sơn La do đồng chí chỉ huy dù phải hoạt động phân tán trên các tỉnh Tây Bắc, nhưng ở đâu, phân đội nào cũng luôn bám dân, bám đất, kiên cường chiến đấu, góp phần đánh bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, từng bước giành lại dân, giành đất, củng cố chính quyền non trẻ tại các địa phương trên vùng Tây Bắc.
Từ thực tiễn ở Tây Bắc, đồng chí sớm nhận thấy truyền thống cách mạng nơi đây được viết nên bằng máu và nước mắt của những người tù cộng sản, bởi sự hy sinh anh dũng của đồng bào các dân tộc. Đồng chí đã học tập, đúc rút thành bài học và vận dụng phù hợp, sáng tạo vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo Trung đoàn Sơn La vượt qua những tháng ngày cam go nhất trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, chính quyền giao cho.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn khó khăn nhất, Đảng ta đề ra phương thức hoạt động của các đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung. Được lý luận cách mạng của Đảng soi sáng, vận dụng vào thực tế chiến trường Tây Bắc, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương biết dựa hẳn vào nhân dân, tìm được cách đánh thích hợp trong điều kiện trang bị và so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía địch. Bằng cách đánh địch cả về chính trị, quân sự và binh vận, Trung đoàn Sơn La do đồng chí làm Trung đoàn trưởng đã cùng nhân dân các dân tộc ở Tây Bắc chiến đấu để giành quyền làm chủ và tiêu diệt địch lớn hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thực tế chiến đấu, đồng chí Lê Trọng Tấn đã nhận thức được vấn đề vừa mang tính bản chất có ý nghĩa quyết định tới sự sống còn trong hoạt động chiến đấu của bộ đội, vừa mang tính cấp thiết trước yêu cầu nhiệm vụ, đó là vai trò của nhân dân trong chiến tranh giải phóng. Đồng chí Lê Trọng Tấn nêu rõ: "Chiến tranh nhân dân phải do toàn dân tham gia. Bộ đội không nắm được dân, không được nhân dân ủng hộ thì không thể hoạt động, chiến đấu thắng lợi, ngay cả sự tồn tại của mình cũng khó có thể bảo đảm. Muốn nắm được dân phải làm cho dân tin. Muốn làm cho dân tin thì phải thể hiện được bản chất của bộ đội cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ bằng hành động thực tế. Đồng thời phải gần gũi, giúp đỡ, từng bước làm cho nhân dân hiểu được bộ đội cách mạng là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hy sinh, chiến đấu. Do vậy phải biết khơi dậy lòng yêu nước của đồng bào các dân tộc”.
Nhờ sớm nhận thức sâu sắc được những vấn đề thuộc về bản chất trên, đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải luôn chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, giữ gìn, củng cố tốt mối quan hệ đoàn kết quân dân, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Năm 1949, theo yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn Sông Lô, đơn vị chủ lực của Liên khu 10 (một trong những đơn vị tiền thân của Quân khu 2 ngày nay) chuyển thành trung đoàn mạnh, trực thuộc Bộ, mang phiên hiệu Trung đoàn 209. Đồng chí Lê Trọng Tấn khi đó là Phó tư lệnh Liên khu 10, được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng chỉ huy, Trung đoàn 209 liên tục công tác và chiến đấu giành được nhiều thắng lợi to lớn trên Mặt trận Tây Bắc. Đến tháng 12-1950, khi thành lập Đại đoàn 312 - Đại đoàn cơ động chủ lực của Bộ, đồng chí Lê Trọng Tấn được giao làm Đại đoàn trưởng, Trung đoàn 209 là trung đoàn nòng cốt của Đại đoàn. Đại đoàn 312 do đồng chí chỉ huy sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các Chiến dịch Trung du, Chiến dịch Đồng bằng, đã trực tiếp tham gia Chiến dịch tiến công giải phóng Tây Bắc. Đặc biệt, Đại đoàn 312 là đơn vị đánh trận mở màn Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri, kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Lê Trọng Tấn nói chung và những năm tháng đồng chí ở Mặt trận Tây Bắc nói riêng luôn gắn với những dấu mốc lịch sử quan trọng trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Có mặt hầu hết ở các chiến trường, chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cả 2 miền Bắc-Nam và ghi dấu chiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, ở đâu đồng chí cũng là người xung kích, người chỉ huy kiên cường, dũng cảm. Đồng chí luôn nhận định, đánh giá đúng tình hình và cục diện chiến trường, tương quan so sánh lực lượng địch, ta; nắm chắc âm mưu thủ đoạn mới của địch, trên cơ sở đó kịp thời đề xuất các chủ trương, biện pháp tác chiến chiến lược, chủ động chỉ đạo giành thắng lợi.
Đại tướng Lê Trọng Tấn là hình mẫu của con người quân lệnh như sơn, thẳng thắn, nghiêm túc, bao dung, biết đánh, nhưng cũng biết dừng đúng lúc để bảo toàn lực lượng. Cuộc đời hoạt động của Đại tướng Lê Trọng Tấn không chỉ để lại cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân ấn tượng sâu sắc về tài năng lãnh đạo, chỉ huy, mà ông còn là tấm gương lớn về đức tính giản dị, khiêm tốn của một người lính “Bộ đội Cụ Hồ”; một vị tướng dày dạn trận mạc, lừng lẫy chiến công, nhưng sẵn sàng dám chịu trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi thay cho cấp dưới khi có khuyết điểm, khiến mọi người càng tin yêu, khâm phục. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Đại tướng Lê Trọng Tấn - người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết”. Trên cương vị chỉ huy chiến dịch hay mũi tiến công nào thì cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền đồng chí cũng đều yêu mến, đoàn kết, một lòng một dạ tin tưởng, vững tâm vào tài năng, đức độ của đồng chí, sẵn sàng cùng đồng chí chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đại tướng Lê Trọng Tấn, nhiều tập thể và cá nhân đã lập nên những chiến công vang dội, trở thành tập thể và cá nhân anh hùng, được ghi tạc trong sử sách và là tấm gương cho nhiều thế hệ học tập noi theo.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Trọng Tấn trên địa bàn Tây Bắc đã để lại những dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc trong lòng cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu 2 luôn biết ơn sâu sắc Đại tướng với những công lao đóng góp và tình cảm mà đồng chí đã dành cho quân và dân Tây Bắc. LLVT Quân khu 2 mãi mãi trân trọng, ghi nhớ, học tập, rèn luyện, noi gương và tiếp bước con đường cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Trung tướng DƯƠNG ĐỨC HÒA
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 2 .