Đồng chí Lê Đức Thọ. Ảnh tư liệu

QĐND - Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc, đồng chí Lê Đức Thọ đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cả về quân sự, chính trị, ngoại giao và tổ chức cán bộ… góp phần vào thắng lợi chung. Bài viết này đề cập đến vai trò và cống hiến của đồng chí Lê Đức Thọ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi vĩ đại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), đế quốc Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam (29-3-1973), cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta để có thể sớm “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc cuộc kháng chiến đã kéo dài gần 2 thập kỷ.
Hoàn thành xuất sắc vai trò Cố vấn đặc biệt tại cuộc đàm phán Pa-ri, đồng chí Lê Đức Thọ trở về cùng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương thảo luận, xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng thời có ý kiến chỉ đạo quân dân miền Nam những việc cần làm sau khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực. Đồng chí Lê Đức Thọ nhận định: Cần đề phòng chiến tranh có thể trở lại và thậm chí lan rộng. Vì thế, bên cạnh đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý, việc tranh thủ thời gian củng cố và xây dựng lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trong các vùng căn cứ và vùng giải phóng  là cần thiết để đối phó với tình huống chiến tranh có thể trở lại. Cần nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tích cực đánh trả địch lấn chiếm, giữ vững vị trí, giữ vững các căn cứ và vùng giải phóng của ta, đồng thời tranh thủ thời cơ để xây dựng lực lượng, phát triển các cơ sở, hậu cần kỹ thuật nhằm chuẩn bị cho các hoạt động quân sự tiếp theo là nhiệm vụ rất quan trọng, cần được quán triệt xuống tận các cơ sở.
Chiến dịch Tây Nguyên giành được thắng lợi quan trọng bằng trận đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột (10-3-1975), gây bất ngờ lớn về chiến lược cho địch, làm rung động dữ dội thế bố trí của chính quyền Sài Gòn ở địa bàn trọng yếu này, buộc chúng phải tính đến việc rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên. Trong cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 18-3-1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận xét, phân tích tình hình từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, nhấn mạnh cần tạo ra 3 quả đấm ở các hướng: rừng núi, đồng bằng, đô thị để phối hợp tiến công địch, thúc đẩy chúng nhanh chóng tan rã. Tiếp đó, đồng chí Lê Đức Thọ phát biểu, phân tích khả năng quân Mỹ có thể quay trở lại hay không và khẳng định Mỹ không còn khả năng can thiệp trở lại. Đây là một nhận định rất quan trọng của Đảng ta và của đồng chí Lê Đức Thọ, căn cứ vào 4 nhân tố sau:
- Đồng chí Lê Đức Thọ là người am hiểu sức mạnh, khả năng, những sự ràng buộc pháp lý và ý chí có tiếp tục theo đuổi và mở rộng chiến tranh của Mỹ hay không qua những năm tháng trực tiếp đàm phán với Mỹ tại Pa-ri. Đồng chí cho rằng, cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc cuối năm 1972 là bước leo thang chiến tranh cao nhất, quyết liệt nhất, cố gắng lớn nhất của đế quốc Mỹ, nhưng đã bị thất bại nặng nề, Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
- Theo quy định của Hiệp định Pa-ri, Mỹ đã phải rút hết quân đội và nhân viên quân sự về nước trong vòng 60 ngày sau khi ký Hiệp định. Với hơn nửa triệu quân (chính xác lúc cao nhất là 543.400 quân vào tháng 4-1969), Mỹ cũng không thể giành thắng lợi, thì việc có đưa trở lại một bộ phận lực lượng cũng không thể xoay chuyển được tình thế đang bất lợi cho chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu.
- Sau Hiệp định Pa-ri, viện trợ của Mỹ về quân sự và kinh tế bị sụt giảm nghiêm trọng do sự “trói tay chính quyền” của các nhà lập pháp ở Quốc hội Mỹ. Điều đó cho thấy khả năng “Mỹ hóa” lại cuộc chiến tranh là rất ít, nếu không nói là không thực tế.
- Sau chiến dịch giải phóng thị xã Phước Long (6-1-1975), thực hiện “đòn trinh sát chiến lược” nắn gân Mỹ, chính quyền của Tổng thống Giê-rôn Pho (Gerald Ford) đã phản ứng rất dè dặt, tuyên bố nhiều hơn hành động.
Từ phân tích trên, đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng: Từ khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến đến nay, tức là 10 năm qua (1965-1975), chưa có lúc nào ta có thời cơ tốt đẹp như hiện nay… Ta đã dự kiến địch co cụm, nay nó co cụm sớm hơn, mong giữ được lực lượng để co cụm và co cụm để giữ lực lượng nhưng lại bị thiệt hại nặng. Vì thế, ta phải đánh ngay trong lúc địch co cụm để chúng tiếp tục suy yếu đi. Nó co cụm ở đâu? Ta phá thế nào? Nó co về giữ đường chiến lược và căn cứ chiến lược dọc bờ biển và đồng bằng. Ta phá trên hai mặt trận: tiến công của chủ lực, nông thôn, đồng bằng nổi dậy, phá bao vây, chia cắt và tiêu diệt… Vấn đề là tổ chức, là hậu cần, là cán bộ…
Có thể nói, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, vấn đề phát triển lực lượng tiến công theo hướng nào sau khi quân đội, chính quyền Sài Gòn rút bỏ Tây Nguyên, là một vấn đề mới mẻ.
Trong lúc quân và dân ta đang tiến công giải phóng thành phố Huế, chiều 25-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có cuộc họp mở rộng để cập nhật tình hình và đề ra chủ trương chỉ đạo cụ thể. Các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đặt ra những vấn đề cần thảo luận, như đánh giá kế hoạch của địch sẽ co cụm cố thủ hay sẽ rút chạy khỏi Đà Nẵng? Cần phải đánh nhanh hơn nữa như thế nào?… Đồng chí Lê Đức Thọ phát biểu, nhắc lại quyết tâm chiến lược của Đảng hoàn thành giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm, nhưng cần phải đẩy nhanh nhịp độ hơn nữa, phải làm cho Tây Nguyên, Đà Nẵng và Sài Gòn là ba đòn chiến lược liên tiếp diễn ra trong vòng một năm. Đồng chí cho rằng: cuộc tiến công đã bắt đầu từ Tây Nguyên và sẽ kết thúc ở Sài Gòn. Sau khi giải quyết xong Đà Nẵng, cần phải nhanh chóng đưa lực lượng dự bị, đạn dược vào để chuẩn bị tiến công Sài Gòn…
Đặt vào bối cảnh tình hình chiến sự lúc đó đang diễn biến rất nhanh chóng và dường như không thể dự kiến trước được, mới thấy hết tài trí và sự quyết đoán cũng như tầm nhìn chiến lược của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quân đội ta lúc đó.
Để tăng cường sự chỉ đạo trực tiếp cho chiến trường, ngay sau hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở rộng ngày 25-3, đồng chí Lê Đức Thọ được phân công vào chiến trường B2, cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đây là lần thứ ba đồng chí Lê Đức Thọ lãnh trọng trách vào Nam Bộ để chỉ đạo chiến trường ở những thời điểm quan trọng. Lần thứ nhất năm 1948, với chức trách Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam công tác. Sau đó, từ năm 1949, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi năm 1954. Lần đó, đồng chí cùng đoàn đại biểu phải đi bộ chín tháng trời mới vào tới Nam Bộ. Lần này, đồng chí đáp máy bay vào Đồng Hới, sau đó dự định dùng ô tô đi vào Tây Nguyên để phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị cho chỉ huy các chiến trường. Tuy nhiên, tình hình diễn biến quá nhanh, suốt dải miền Trung đã được giải phóng, nên theo yêu cầu của Bộ Chính trị và đề nghị của các đồng chí chỉ huy chiến trường, đồng chí Lê Đức Thọ đã đi thẳng vào Nam Bộ để họp. Trên đường vào, đồng chí Lê Đức Thọ đã gặp đồng chí Võ Chí Công tại phía Tây Quảng Nam, phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị với quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trước mùa mưa.
Ngày 7-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ vào đến Bộ chỉ huy Miền bằng xe gắn máy. Ngay hôm sau, trong cuộc họp có đông đủ các đồng chí ở Trung ương Cục, Quân ủy Miền, Bộ tư lệnh B2 và cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh, đồng chí Lê Đức Thọ đã truyền đạt Nghị quyết của Bộ Chính trị về nhận định tình hình, so sánh lực lượng ta-địch, âm mưu, kế hoạch của chính quyền và quân đội Sài Gòn; về quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất.
Tiếp đó, đồng chí Lê Đức Thọ thông báo quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định và nhấn mạnh yêu cầu đối với các đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch lịch sử này: “Trung ương giao cho Đảng bộ miền Nam, toàn thể các lực lượng vũ trang của ta hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Quân đoàn là lực lượng mạnh, đánh hiệp đồng binh chủng lớn, có trang bị hiện đại, lại có sự phối hợp với các lực lượng tại chỗ, có sự yểm trợ của các binh chủng và quân chủng khác, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ta đánh Sài Gòn lúc địch đang ở thế tan rã, không còn ở thế mạnh. Nhưng đây là sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng không có đường chạy, sẽ cụm lại để đối phó. Chúng có 5 sư đoàn, ta có 15 sư đoàn, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác. Như vậy chỉ cho phép chúng ta đánh thắng. Đó là ý kiến của Trung ương. Lúc tôi đi, các đồng chí trong Bộ Chính trị nói “Phải thắng, thắng mới trở về”. Đó là quyết tâm của Bộ Chính trị” (1).
Để củng cố niềm tin chiến thắng cho những người dự họp, đồng chí Lê Đức Thọ quả quyết: Đế quốc Mỹ hoàn toàn không có khả năng trở lại. Hiện nay tất cả những tin tức của Mỹ mà ta nhận được đều nói rằng chúng không còn khả năng can thiệp được và dù chúng có liều lĩnh can thiệp đi nữa thì chúng cũng không thể đảo ngược tình thế, chúng chỉ thất bại nặng nề hơn, ta nhất định thắng. Mười mấy năm chiến đấu vừa qua, nhân dân ta đã dạy cho chúng những bài học đích đáng. Tình hình đối với ta rất thuận lợi, khả năng rất dồi dào, ta phải nắm thời cơ làm cho nhanh, cho chắc.
Có thể nói, lần vào miền Nam công tác này của đồng chí Lê Đức Thọ là thuận lợi nhất vì ta đang ở thế tiến công áp đảo kẻ thù để giành thắng lợi cuối cùng với lực lượng to lớn và khí thế chưa từng có. Việc Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Đức Thọ, một đồng chí lãnh đạo am hiểu tình hình miền Nam, có tầm nhìn chiến lược bao quát, am tường cả lĩnh vực quân sự và ngoại giao, vào miền Nam cùng hai đồng chí Ủy viên Bộ chính trị nữa là Phạm Hùng, làm Chính ủy, Văn Tiến Dũng, làm Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định, chỉ đạo trận đánh quyết định vào sào huyệt của chế độ Sài Gòn, là một quyết định đúng đắn, phù hợp, củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam.
Sau cuộc họp quan trọng đó, đồng chí Lê Đức Thọ còn cùng các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị chiến dịch và cả công tác tiếp quản Sài Gòn. Đồng chí lưu ý các quân đoàn chủ lực trên các hướng cần nghiên cứu kỹ địa hình do đây là chiến trường còn lạ lẫm, lại rộng lớn, có cấu trúc khá phức tạp của một thành phố lớn nhất, đông dân nhất miền Nam. Vì thế, công tác hiệp đồng quân binh chủng, các hướng, các mũi, các mục tiêu cần được làm tốt, cần tranh thủ tối đa thời gian ít ỏi, khẩn trương để chuẩn bị, nhất là công tác nắm tình hình địch, phối hợp với quần chúng nội đô nổi dậy khi chủ lực ta đánh vào.
Ngày 25-4, đồng chí Lê Đức Thọ gửi điện cho đồng chí Lê Duẩn, báo cáo tình hình chiến trường. Đồng chí nhất trí với nhận định của Bộ Chính trị ngày 22-4 về thời cơ đã chín muồi, phải tranh thủ từng giờ để mở cuộc tiến công Sài Gòn, để hạn chế những phức tạp về chính trị và ngoại giao có thể có. Tuy nhiên, đồng chí cũng nêu lên những khó khăn cụ thể cần giải quyết trước khi mở cuộc tiến công. Về hậu cần, phải bảo đảm cho số đơn vị rất lớn, trong khi chiến trường lại xa, thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu đạn… Điện của đồng chí Lê Đức Thọ còn đề cập đến cách đánh, đến kế hoạch kết hợp giữa tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; về đánh địch co cụm v.v.. Nội dung cuối của bức điện khẳng định sẽ sớm hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để có thể nổ súng như dự kiến, giành thắng lợi một cách chắc chắn và nhanh chóng. Bộ Chính trị họp ngày 26-4 đã nhất trí với nhận định và chủ trương của Bộ chỉ huy chiến dịch thể hiện qua bức điện của đồng chí Lê Đức Thọ. Bức điện cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của đồng chí Lê Đức Thọ ký gửi ra Bộ Chính trị là vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, báo cáo về việc Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các đã bị bắt giữ tại Dinh Độc Lập và Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện, kêu gọi binh lính ngừng bắn. Bức điện của đồng chí Lê Đức Thọ và điện của các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng cho biết: Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn lệnh chỉ đạo các đơn vị, các cánh quân tiếp tục phát triển tiến công vào các khu vực và mục tiêu đã quy định, bắt giữ tù hàng binh, nhất là sĩ quan từ cấp tá trở lên trong nội thành Sài Gòn. Đồng thời cũng chỉ thị cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chớp thời cơ nổi dậy, đánh đổ toàn bộ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng tại khu vực trọng yếu này.
Có thể nhận thấy, đồng chí Lê Đức Thọ đã đóng một vai trò rất quan trọng, cùng tập thể Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền, lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giành thắng lợi to lớn, nhanh chóng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
Với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, bao quát, với tác phong sâu sát, cụ thể, thực tế, với tư cách là Đại diện Bộ Chính trị trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đồng chí Lê Đức Thọ đã làm hết sức mình vì trọng trách cao cả và to lớn đó, xứng đáng được coi là một trong những Kiến trúc sư chủ chốt của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đại tá, PGS-TS NGUYỄN MẠNH HÀ

(1) Dẫn theo “Đại thắng mùa Xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Nxb QĐND, H, 1995; tr: 192-193.