QĐND - Trong giai đoạn 2008-2013, Cục Kỹ thuật binh chủng (Tổng cục Kỹ thuật) đã nghiên cứu quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng, biên soạn tài liệu, hướng dẫn tổ chức thực hiện thống nhất nghiệp vụ chuyên ngành kỹ thuật tăng-thiết giáp (TTG) toàn quân. Nổi bật nhất là việc nghiên cứu, triển khai đồng bộ quy trình công nghệ và quản lý ngành kỹ thuật TTG chặt chẽ, chính quy, hiện đại.

Đoàn công tác Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe tăng tại Lữ đoàn xe tăng 405 (Quân khu 3).

 

Thực hiện chức năng đầu ngành công tác kỹ thuật TTG, Cục Kỹ thuật binh chủng đã làm tốt công tác tham mưu với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật, trực tiếp chỉ đạo ngành triển khai đồng bộ các biện pháp để duy trì và nâng cao hệ số của vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) ngành TTG. Cán bộ ngành nghiên cứu, đề xuất quy hoạch sử dụng VKTBKT, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng xe TTG cho các đơn vị SSCĐ, huấn luyện, diễn tập và phục vụ các nhiệm vụ khác. Cục Kỹ thuật binh chủng chủ trì nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT ngành TTG; khôi phục đồng bộ, nâng cấp xe TTG và sản xuất vật tư kỹ thuật ngành TTG. 5 năm gần đây, Cục Kỹ thuật binh chủng chỉ đạo, tổ chức thu hồi, cấp phát, điều chuyển hàng trăm xe TTG, xe chuyên chở tăng; tiếp nhận, lắp đặt hơn 700 bộ đài thông tin liên lạc cho các đơn vị TTG toàn quân. Công tác nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa tập trung cho các loại xe tăng T-54, PT-76, BMP-1; xây dựng cấu hình xe tăng T-54B cải tiến; khôi phục đồng bộ, nâng cấp tính năng kỹ thuật, chiến thuật cho các loại xe thiết giáp V-100, BTR-152, không chỉ phục vụ SSCĐ, mà còn làm nhiệm vụ phòng chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn.

Nghiên cứu đồng bộ xe TTG và xây dựng quy trình công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất VKTBKT ngành TTG được quan tâm đẩy mạnh. Đại tá Nguyễn Như Ngọc, Trưởng phòng TTG (Cục Kỹ thuật binh chủng) cho biết: Triển khai các chương trình thực hiện Nghị quyết 382 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, ngành kỹ thuật TTG đã tổ chức đồng bộ toàn diện số lượng lớn xe TTG của các quân khu, quân đoàn, Binh chủng TTG và Quân chủng Hải quân. Sau đồng bộ, xe TTG đều có tình trạng kỹ thuật tốt, các hệ thống thiết bị đặc biệt trên xe như hệ thống bơi nước, thiết bị quan sát và ngắm bắn ban đêm, thiết bị chống cháy và phòng, chống vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ... được khôi phục tính năng ban đầu. Lực lượng kỹ thuật thực hiện đồng bộ hàng chục xe chuyên chở tăng, xe công trình xa, phương tiện phục vụ bảo đảm kỹ thuật, sửa chữa xe TTG. Phòng TTG chủ trì thực hiện 9 đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ, trong đó có đề tài cấp Bộ Quốc phòng nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật hệ thống ổn định vũ khí xe tăng trên xe công trình MEC, hoàn thành với chất lượng cao, ứng dụng rộng rãi. Lực lượng TTG toàn quân triển khai 17 đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ cùng hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật đưa vào áp dụng.

Cán bộ lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật TTG toàn quân tham quan mô hình điểm bảo đảm kỹ thuật của Lữ đoàn xe tăng 202 (Quân đoàn 1).

 

Nghiên cứu biên soạn, biên dịch tài liệu, quy trình công nghệ và áp dụng nhằm thực hiện thống nhất trong quản lý ngành và phục vụ huấn luyện luôn được lực lượng kỹ thuật TTG chú trọng. Cục Kỹ thuật binh chủng chủ trì nghiên cứu nội dung, được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật phê duyệt, đã triển khai nhiều đợt tập huấn, hội thao, hội thi kỹ thuật ngành TTG toàn quân. Kết quả của Hội thảo đánh giá chất lượng, quy trình công nghệ, xác định thời hạn niêm cất xe TTG cấp toàn quân đã tạo được sự thống nhất, là cơ sở để Bộ Quốc phòng phê duyệt, triển khai thực hiện. Lực lượng kỹ thuật đã biên soạn 73 định mức chi phí trong bảo đảm kỹ thuật ngành TTG để triển khai thống nhất. Cục Kỹ thuật binh chủng hằng năm tổ chức các cuộc tập huấn, hướng dẫn khôi phục đồng bộ và quy trình công nghệ niêm cất dài hạn xe thiết giáp; bảo đảm kỹ thuật khí tài, đài thông tin trên xe TTG; khai thác, sửa chữa xe công trình xa phục vụ bảo đảm kỹ thuật VKTBKT ngành TTG; hướng dẫn ghi chép sổ sách, mẫu biểu quản lý và tổ chức khu kỹ thuật ngành TTG... Trên cơ sở tập huấn, cán bộ, nhân viên ngành kỹ thuật TTG tổ chức thực hiện ở đơn vị, bảo đảm chính quy, đáp ứng yêu cầu làm chủ, khai thác hiệu quả VKTBKT ngành TTG.

Chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất, tạo nguồn vật tư kỹ thuật luôn được ngành kỹ thuật TTG quan tâm thực hiện. Những năm gần đây, Cục Kỹ thuật binh chủng đã phối hợp với các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường cùng các đơn vị toàn quân triển khai nhiều đề tài nghiên cứu sản xuất vật tư kỹ thuật thay thế, phục vụ công tác bảo quản, niêm cất xe TTG. Cán bộ ngành TTG đã nghiên cứu thành công mắt xích có lắp guốc cao su cho xe thiết giáp; chế tạo kính ngắm và kính nhìn đêm trên xe TTG; nghiên cứu phần mềm, hệ thống mô phỏng phục vụ huấn luyện ngành TTG... Nhờ bám sát đơn vị và xuất phát từ thực tiễn, nên các sản phẩm khoa học-công nghệ nhanh chóng được đưa vào ứng dụng, sử dụng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật ngành TTG Quân đội.

Bài và ảnh: XUÂN GIANG