QĐND - Bây giờ khi đã là người chỉ huy có nhiều kinh nghiệm, mỗi khi nhớ lại chuyện xảy ra năm ấy, Thành vẫn luôn cảm thấy ân hận. Mình luôn giáo dục, động viên bộ đội phải yêu thương gắn bó, coi “đơn vị là nhà”, song lại quên mất vai trò người chỉ huy chính là người chủ của ngôi nhà ấy, để rồi phải nhận hình thức kỷ luật đáng tiếc. Thành mở đầu câu chuyện đầy tâm trạng, như sự việc vừa xảy ra.
Chuyện là, khi đó đơn vị của Thành có một khu nhà để trống. Một hôm, có anh cán bộ cơ quan cấp trên đến chơi nhìn thấy liền gợi ý: Giữa thành phố mà nhà để trống như thế thì lãng phí quá. Tôi có anh bạn làm kinh doanh gần đây, đang cần chỗ gửi hàng phải đi thuê địa điểm xa, tốn kém cả chục triệu đồng mỗi tháng. Chú cho anh ấy mượn vừa được tiếng, lại vừa có thêm thu nhập cho đơn vị, có khi còn bằng mấy tăng gia...
Nghe người cán bộ nói có lý, Thành vui vẻ nhận lời.
Gần cuối năm, những chuyến xe chở hàng vào ra đơn vị ngày càng nhiều. Hàng để trong kho, nguyên đai nguyên kiện, cửa khóa im ỉm, mỗi khi hỏi tới, Thành chỉ được chủ hàng trả lời qua quýt: Toàn là hàng hóa nhu yếu phẩm sinh hoạt thông thường ấy mà...
Rồi một hôm, khi xe đang chuyển hàng vào kho, thì có mấy đồng chí công an tới đề nghị kiểm tra. Đến lúc này, Thành mới biết, những hàng hóa mà chủ hàng gửi trong đơn vị thời gian qua, tuy không thuộc danh mục hàng quốc cấm, nhưng là hàng hóa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng...
Ký vào biên bản sự việc, Thành vô cùng ân hận. Mình là chủ nhà mà để người ngoài tự ý ra vào, đem gì đến không biết, lấy gì đi không hay, lại còn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn nữa thì rõ là chủ quan, đơn giản, thiếu trách nhiệm... Tự nhận ra khuyết điểm và nhận hình thức kỷ luật về mình, Thành càng thấm thía hơn với câu nói quen dùng “đơn vị là nhà”.
Kể lại chuyện này với tôi, Thành mong muốn câu chuyện của mình sẽ giúp cho những đồng đội khác rút kinh nghiệm không mắc phải sai lầm, khuyết điểm tương tự kể trên.
VŨ XUÂN DÂN