QĐND - Theo đánh giá của nhiều giảng viên và các nhà khoa học, điểm yếu trong đào tạo sau đại học hiện nay là chất lượng của luận văn, luận án chưa cao, các giải pháp đề xuất trong đề tài thường ""quen quen"", ""na ná"" nhau, điểm mới về khoa học cũng như tính khả thi, giá trị thực tiễn còn nhiều hạn chế. Để khắc phục vấn đề đó, Học viện Hậu cần đã có nhiều đổi mới, đột phá trong đào tạo sau đại học.

Là trung tâm đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính của quân đội, những năm qua, nhiệm vụ đào tạo của Học viện Hậu cần ngày càng mở rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ). Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học. "Xuất phát từ thực tế chất lượng đào tạo sau đại học nói chung, chất lượng luận văn, luận án nói riêng, Học viện đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, chỉ đúng nguyên nhân của những hạn chế, như: Trong các luận văn, luận án, vấn đề lý luận chủ yếu mới dừng lại ở hệ thống hóa, phân tích, làm rõ; bổ sung điểm mới có giá trị về lý luận chưa có tính đột phá; các đề xuất về giải pháp, biện pháp phần lớn mang tính chung chung, giá trị về lý luận và vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hạn chế, thậm chí có luận văn, luận án có biểu hiện cóp nhặt, sao chép… dẫn đến một số luận văn, luận án sau khi bảo vệ thường ""đắp chiếu"" trong thư viện..." - Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Đen, Trưởng phòng Sau đại học của Học viện mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học ở Học viện Hậu cần. Ảnh: Huy Giang

Để khắc phục tình trạng trên, Đại tá Nguyễn Văn Đen cho biết: Phòng Sau đại học đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, nắm chắc các ""ngân hàng"" luận văn, luận án đã được công bố, kiểm soát chặt chẽ sự trùng lắp, ngăn chặn sao chép, bác bỏ ngay từ đầu các đề tài không có tính khả thi; đồng thời tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các khoa chuyên ngành để định hướng cho học viên lựa chọn đề tài mới, có giá trị thực tiễn cao, bám sát công tác hậu cần, tài chính đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, đồng thời nội dung đề tài phải có tính cấp thiết cao; tổ chức thông qua Hội đồng Khoa học chuyên ngành cấp khoa và cấp học viện chặt chẽ, khoa học.

Trước khi giao đề tài làm luận văn, luận án, quá trình học tập, bổ túc kiến thức có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm trang bị cho học viên tri thức cơ bản của các môn học cơ sở, chuyên ngành, liên ngành và các môn hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, tích lũy các dữ liệu khoa học, học thuật để hoàn thành luận văn, luận án. Để làm tốt nhiệm vụ đó, Học viện Hậu cần luôn chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học; lựa chọn đội ngũ giảng viên có trình độ, kinh nghiệm và uy tín cao, trang bị cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Thiếu tướng, PGS, TS Lưu Văn Miểu, Giám đốc Học viện, cho biết: Học viện luôn chủ động phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội để đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; đồng thời mời giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng là các đồng chí cán bộ, chuyên gia các cơ quan đầu ngành như: Cục Tài chính, Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Quân đội,… tham gia giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm, hướng dẫn và tham gia chấm luận văn, luận án. Học viện thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo về chuyên môn, rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng quy chế chặt chẽ, duy trì và thực hiện tốt các chế độ quản lý trong đào tạo; tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, đặc biệt quán triệt và thực hiện nghiêm phong trào ""Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử""... Nhờ đó, chất lượng đào tạo nói chung, chất lượng luận văn, luận án tốt nghiệp nói riêng những năm qua có bước tiến bộ rõ rệt.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng phòng Tài chính Bộ tư lệnh Công binh đang là nghiên cứu sinh khóa 1 chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tâm sự: Quá trình học tập, nghiên cứu khoa học chúng tôi luôn nhận được sự định hướng, giúp đỡ tận tình của cán bộ, giảng viên; nội dung, chương trình, kế hoạch, phương pháp đào tạo của học viện luôn đổi mới, sát thực tế, phát huy tốt vai trò vị trí trung tâm của người học. Luận văn, luận án, các công trình khoa học luôn là những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, tính cấp thiết của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cả trong và ngoài quân đội.

Những năm qua, Học viên Hậu cần đã đào tạo gần 100 tiến sĩ, gần một nghìn thạc sĩ, trong đó 38 đồng chí được phong hàm giáo sư, phó giáo sư khoa học quân sự, 9 đồng chí được phong quân hàm cấp tướng, nhiều đồng chí đã và đang giữ các chức vụ chủ chốt, đầu ngành cấp chiến lược, chiến dịch... Đó là những kết quả đáng ghi nhận thể hiện sự nỗ lực, cố gắng trong công tác đào tạo sau đại học của Học viện Hậu cần.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT