QĐND Online - Năm học 2013-2014, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (GDQP) Hà Nội 1 thuộc Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Phóng viên Báo QĐND Online đã có buổi phỏng vấn Đại tá Đinh Tùng Sơn, Phó giám đốc Trung tâm GDQP 1 Hà Nội về những kinh nghiệm trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên.

Phóng viên (PV): Đề nghi đồng chí khái quát kết quả nổi bật của Trung tâm thời gian qua?

Đại tá Đinh Tùng Sơn

Đại tá Đinh Tùng Sơn: Sau 20 năm thành lập, Trung tâm GDQP Hà Nội 1 đào tạo được 11 khóa học với gần 20 nghìn sinh viên ra trường đạt chất lượng tốt. Để đạt được kết quả ấy, Trung tâm đã triển khai một số biện pháp hướng vào xây dựng đội ngũ giáo viên, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa đảm bảo tính bền vững lâu dài.

PV: Như đồng chí vừa đề cập, đội ngũ giáo viên có ý nghĩa quyết định đến kết quả chất lượng GDQP. Vậy việc xây dựng đội ngũ giáo viên của Trung tâm được triển khai như thế nào?

Đại tá Đinh Tùng Sơn: Trung tâm thường xuyên quán triệt kỹ các công văn chỉ đạo của trên về công tác GDQP, đặc biệt là chương trình GDQP – AN theo Thông tư 31/2012/TT-BGDĐT cho các đối tượng sinh viên khối không chuyên ngành giáo dục QP-AN trình độ đại học, cao đẳng. Trung tâm biên chế đội ngũ giảng viên chuyên sâu theo từng khoa, bộ môn. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng viên thông qua đổi mới chất lượng, phương pháp giảng dạy; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thi giáo viên dạy giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với tổ chức dự giảng, bình giảng và rút kinh nghiệm chặt chẽ về phương pháp giảng dạy. Trung tâm tham mưu cho Đảng ủy, Ban giám hiệu cử giáo viên đi đào tạo tại Học viện Lục quân và các trường ngoài quân đội để nâng cao chất lượng. Chỉ tính trong năm học 2013-2014, Trung tâm đã có 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 5 đề tài và 3 sáng kiến kinh nghiệm cấp trường ứng dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Hiện nay, Trung tâm thiếu khoảng gần 50% giảng viên so với biên chế. Để khác phục vấn đề này, trong các khóa đào tạo có số lượng lớn sinh viên, Trung tâm đã liên kết với Học viện Chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị để mời thêm giảng viên. Có thể nói, thông qua những biện pháp trên, chất lượng đội ngũ giảng viên của Trung tâm ngày càng được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt hợn yêu cầu giảng dạy giáo dục quốc phòng, an ninh cho sinh viên.

PV: Công tác tổ chức giáo dục và quản lý sinh viên được Trung tâm thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Đinh Tùng Sơn: Như các đồng chí đã biết, các môn học GDQP có đặc thù riêng, khác nhiều với các môn học khác trong các trường đại học, cao đẳng, liên quan nhiều đến lý luận và chủ trương của Đảng, Nhà nước. Các môn học thực hành chủ yếu diễn ra ngoài thao trường, bãi tập nên phương pháp tổ chức học tập và huấn luyện cũng có nhiều khác biệt. Để thuận lợi cho đào tạo, Trung tâm đã tổ chức sinh viên thành từng lớp. Giảng lý thuyết kỹ thuật và thực hành cho mỗi lớp khoảng 50 đến 60 sinh viên, còn nếu giảng lý thuyết chung thì bố trí mỗi lớp khoảng 150 sinh viên. Để có kết quả học tập tốt, Trung tâm đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức ôn luyện của sinh viên trên giảng đường, thao trường. Việc tổ chức thi cho sinh viên được thực hiện theo phương pháp trắc nghiệm. Chấm thi và công bố kết quả công khai, công bằng, đúng quy chế. Trung tâm đã liên kết với các trường đại học lập danh sách và theo dõi kết quả học tập tới từng đối tượng sinh viên tiện lợi.

Sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội luyện tập bắn súng.

Trung tâm đã chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và rèn luyện. Các khóa học được tổ chức theo lớp và thực hiện theo đúng các chế độ quy định của quân đội trong ngày, từ thể dục, sắp đặt nội vụ, vệ sinh, đi học, điểm danh, gác đêm… Trung tâm thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng lễ tiết tác phong, rèn luyện ý thức tự giác chấp hành kỷ luật cho sinh viên để hướng tới thi đua tự quản, tự rèn… Bên cạnh đó, Trung tâm còn thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động thi đua học và rèn; tổ chức hoạt động ngoại khóa như thi gấp chăn, màn, nội vụ đẹp; giao lưu văn hóa, thể thao, thi tìm hiểu truyền thống, thi làm và bình báo tường… Thông qua các hoạt động trên tạo điều kiện cho sinh viên bù đắp kiến thức mà trong chương trình chưa có điều kiện đề cập đến. Chính nhờ sự chủ động và lỗ lực cao cùng với những biện pháp đúng, nên 10 năm qua, Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

PV: Thời gian tới Trung tâm có chủ trương, biện pháp gì để nâng cao chất lượng GDQP và AN cho sinh viên, thưa đồng chí?

Đại tá Đinh Tùng Sơn: Chúng tôi xác định, những gì đã làm được còn rất khiêm tốn. Để công tác đào tạo đạt được hiệu quả theo đúng phương châm hiện nay, trước mắt sang năm học 2014-2015, Trung tâm xác định sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo sát thực tiễn, bảo đảm khoa học, hợp lý. Rà soát lại chất lượng đội ngũ giáo viên để có hướng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngay từ đầu, qua đó làm cơ sở để tuyển chọn giảng viên dự thi dạy giỏi do Bộ GD&ĐT tổ chức dịp sắp tới. Để không ngừng nâng cao chất lượng GDQP, Trung tâm sẽ tập trung đổi mới hình thức giảng dạy môn học này theo hướng tích cực; kết hợp học kiến thức quân sự gắn với xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật cho sinh viên. Cùng với đó, Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện việc lập dự án xây dựng một phòng học chuyên dùng. Về lâu dài, Trung tâm tiếp tục đề xuất trên bổ sung thêm giáo viên giảng dạy; đề nghị đầu tư mua sắm thêm phương tiện, vật chất huấn luyện, củng cố thao trường huấn luyện theo hướng chuẩn hóa, giúp cho công tác đào tạo GDQP ngày càng hiệu quả, chất lượng ngày được nâng lên.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

DUY HỒNG-MẠNH THẮNG (thực hiện)