QĐND - Tại Nhà truyền thống Đoàn B25 (Binh đoàn Hương Giang) hiện lưu giữ một đôi dép cao su của người thợ Nguyễn Văn Sáu (Sáu Đen) làm tặng Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên Hà Văn Lâu. Đồng chí Hà Văn Lâu (Sáu Lâu) là nhà ngoại giao nổi tiếng từng tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, Hội nghị Pa-ri về để đấu tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam và nhiều hội nghị quốc tế khác từ thời kháng chiến chống Pháp đến thời kháng chiến chống Mỹ. Vì thế, ít người biết, ông là người đã phát minh ra đôi dép cao su Bình Trị Thiên, đôi dép đã gắn liền với hình ảnh bước chân bách chiến bách thắng của Bộ đội Cụ Hồ.

Trong cuốn sách “Hà Văn Lâu - Người đi từ bến làng Sình” của nhà văn Trần Công Tấn viết về cuộc đời hoạt động quân sự và ngoại giao của nhân vật huyền thoại - Đại tá Hà Văn Lâu, có đoạn nói về xuất xứ của đôi dép cao su trong kháng chiến: Đôi dép ra đời là "ý tưởng" của Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên Hà Văn Lâu (năm 1947). Người Thừa Thiên lúc ấy nói, ông Sáu Lâu đã khai sinh ra đôi dép huyền thoại. Chuyện rằng khi ở Mặt trận Huế, ông Nguyễn Văn Sáu (tức Sáu Đen) ở xưởng sửa chữa ô tô khi chuyển máy móc lò bệ đến chiến khu Hòa Mỹ đã chuyển luôn một số xăm lốp ô tô cũ... Đồng chí Hà Văn Lâu thấy vậy bèn khuyên đồng chí Sáu Đen cắt lốp xe thành đế dép, có đục thủng những lỗ dẹp, rồi cắt ruột xe, săm xe thành từng sợi xâu bắt chéo qua tám cái lỗ theo kiểu xăng-đan, có quai trước quai sau ôm chặt vào bàn chân, cổ chân, đi rất nhẹ và êm, lội nước và bùn rất thuận tiện, giẫm lên cả mẻ chai, thép gai, lửa đỏ cũng không việc gì.

Sau này, có tờ báo đã phỏng vấn Đại tá Hà Văn Lâu về “phát minh” ra đôi dép. Ông cho biết: Khi nhìn thấy đống săm lốp cũ, ông chợt nghĩ đến những người phu xe dùng mo cau hay vỏ ruột xe kéo làm những đôi dép nên đã nói đồng chí Sáu Đen làm thử mấy đôi bằng lốp xe hơi. Sự tiện lợi của đôi dép này là ở chỗ có thể thích ứng với mọi địa hình, gặp chỗ bùn sình lại cởi dép cầm tay, qua khỏi lại mang vào. Dần dần, việc làm dép phát triển thành phong trào. Các đơn vị hành quân hễ gặp chỗ nào có săm lốp là mang về làm dép. Chẳng bao lâu tất cả cán bộ chiến sĩ đều có thể tự trang bị được loại dép này và mỗi chiến sĩ đều mang theo bên mình vài sợi cao su và một cái nẹp bằng vỏ tre mỏng, cứng để trên đường đi, nếu quai bị tuột thì có thể sửa lại ngay. Năm 1948, ở chợ xép thuộc chiến khu Hòa Mỹ (Thừa Thiên) đã xuất hiện những hàng quán làm dép bán cho bộ đội. Vì đôi dép có xuất xứ ở Thừa Thiên nên lúc đầu người ta gọi là dép Bình Trị Thiên. Sau này có nơi gọi dép lốp, có nơi gọi dép râu. Vào năm 1950, trong lần ra Việt Bắc để dự sinh nhật lần thứ 60 của Bác Hồ, ông Hà Văn Lâu thấy Bác cũng mang dép này nhưng quai dép của Bác to bản hơn. Như vậy, dép cao su Bình Trị Thiên và vinh dự là một phiên bản của đôi dép Bác Hồ. Đôi dép ấy trở thành biểu tượng của hàng triệu bước chân bộ đội đã đứng lên, giẫm nát xiềng gông, đã đi và đã đến đích. Đôi dép đơn sơ ấy đã mãi là hình ảnh ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc.

Bài và ảnh: Trần Đình