(Tiếp theo và hết)

Chiến đấu ở Tây Nguyên

QĐND - Tây Nguyên là một vùng cao nguyên rộng lớn, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Tại đây, Mỹ-ngụy có ưu thế về quân số, vũ khí trang bị, khả năng cơ động. Ta không chỉ sử dụng đòn đánh của quân chủ lực là chính và có thể thắng địch mà phải dùng “món võ” của ta là chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh của cả ba thứ quân. Cùng với phát triển chiến tranh chính quy còn phải đẩy mạnh chiến tranh du kích, tác chiến của bộ đội địa phương, đấu tranh của quần chúng nhân dân… Vì vậy, sau các trận chiến đấu đánh địch có hiệu quả ở khu vực gần bãi “Đi-na-mô”, phía bắc sông Ia Đrăng, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã quyết định tách Trung đoàn 95 từ Sư đoàn 325 thành trung đoàn chủ lực tại chỗ, hoạt động độc lập ở vùng sau lưng địch. Trung đoàn được đưa vào đứng chân trên địa bàn huyện 4, 5, 6 tỉnh Gia Lai, tác chiến chủ yếu trên trục đường giao thông chiến lược 19, khu vực đèo Măng Yang, đông thị xã Plei-cu.

Tại đây, trung đoàn trải qua biết bao thử thách, gian khổ. Chiến trường chưa quen, địa hình chưa biết, ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số chưa thạo. Trung đoàn phải tự mở lấy đường đi, vừa đi vừa mở đường, vừa chiến đấu và xây dựng cơ sở. Địch càn quét, ta chống càn, mở đường đi tiếp. Vào vùng sau lưng địch, một trong những khó khăn lớn của trung đoàn là vấn đề lương thực. Đường vận chuyển từ Mặt trận xuống đơn vị xa xôi, địch lại liên tục đánh phá, ngăn chặn. Nhân dân Tây Nguyên có truyền thống lao động, sản xuất cần cù, nhưng trong kháng chiến, điều kiện sản xuất rất khó khăn, đời sống nhiều nơi còn rất vất vả, khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội hạn chế. Không có những tấm lòng yêu nước, nhân hậu, bao dung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trung đoàn khó có thể trụ bám nổi trên vùng đất khắc nghiệt đầy thử thách, hy sinh sau lưng địch để chiến đấu và chiến thắng.

Quân Giải phóng tiến công trại Mai Hắc Đế trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Ảnh tư liệu

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, trong 3 năm, từ năm 1967 đến năm 1970, trung đoàn đã đánh hàng trăm trận, tổ chức nhiều trận đánh giao thông nổi tiếng, đạt hiệu quả cao trên Đường 19-khu vực đèo Măng Yang, biến nơi đây trở thành con đường kinh hoàng của địch.

Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, lúc tổ chức tiến công cứ điểm, lúc phục kích, tập kích đánh quân ứng cứu, giải tỏa…, nhưng thường xuyên trung đoàn đánh cắt giao thông trên Đường 19. Tiêu biểu là trận đánh giao thông đầu tiên trên con đường huyết mạch này, phối hợp với cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, đơn vị diệt gọn đoàn xe 89 chiếc và 120 tên địch. Mở đầu trận đánh, đồng chí Ninh Xuân Trường, chiến sĩ công binh đã dũng cảm ôm bộc phá lao vào chặn đầu đoàn xe địch để đơn vị lao ra mặt đường giết giặc. Đồng chí đã anh dũng hy sinh, năm 2011 được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 là đồng chí Phùng Văn Bảy, quê Nghệ An, một cán bộ xông xáo, gan góc, dạn dày, luôn đi đầu đơn vị trong chiến đấu; lăn lộn bám dân xây dựng phong trào cách mạng. Nhân dân địa phương còn gọi bộ đội trung đoàn là “Bộ đội Bảy” với niềm tin yêu, cảm phục.

Đại đội trưởng trinh sát Ma Thanh Toàn (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 2) là một cán bộ chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, giúp đơn vị hoạt động có hiệu quả trên Đường 19; trong đời thường anh sống giản dị, tình nghĩa, thủy chung với đồng chí, đồng đội, tạo được bầu không khí đoàn kết, yêu thương trong đơn vị-một nguồn động lực để đơn vị vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong thời kỳ này.

Bị những đòn đau, Mỹ-ngụy tìm mọi cách càn quét, đánh phá, nhưng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn vẫn kiên cường bám đất, bám đường, bám dân chiến đấu.

 Trung đoàn đánh giao thông giỏi

 Năm 1971, địch mở cuộc tiến công ra Đường 9-Nam Lào, hòng cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn của ta. Ở Tây Nguyên, chúng mở cuộc hành quân ra vùng “Ba biên giới”. Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên hạ quyết tâm đánh bại cuộc hành quân ra vùng “Ba biên giới” của địch. Trung đoàn 95 là lực lượng chủ yếu hoạt động ở khu vực này, cùng với các đơn vị bạn tiến công làm chủ quận lỵ Phú Nhơn, đánh địch giải tỏa, giải phóng nhiều buôn, ấp, khu dồn dân, đưa dân về làng cũ.

Năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên ba hướng Trị-Thiên, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Ở Tây Nguyên, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên-một chiến dịch có quy mô lớn nhất trên chiến trường Tây Nguyên từ trước đến năm 1972. Trung đoàn 95 được giao nhiệm vụ đánh cắt giao thông trên Đường 14, đoạn từ Ninh Đức đến Chư Thoi, dài khoảng 15km, chia cắt quân địch ở thị xã Kon Tum với thị xã Plei-cu. Với khí thế “Trường Sơn chuyển mình, Pô Cô dậy sóng”, hơn ba tháng trời (từ tháng 3 đến tháng 6), chiến đấu liên tục vô cùng ác liệt, trung đoàn đã làm nên kỳ tích đánh cắt giao thông. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn kiên cường bám trụ, giữ vững từng quả đồi, từng trận địa, từng điểm chốt… biến Chư Thoi thành “cánh cửa thép” trên đường 14, góp phần quan trọng vào Chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975, một lần nữa trung đoàn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đánh cắt giao thông trên Đường 19, đoạn từ đèo Măng Yang đến Lê Trung để chia cắt chiến dịch và nghi binh, tạo thế. Đêm mồng 3, rạng sáng mồng 4-3-1975, theo kế hoạch của chiến dịch, trung đoàn bất ngờ tiến công đánh chiếm căn cứ Azun, Plei Bông, đèo Măng Yang trên Đường 19 làm chủ đoạn đường dài 20km. Đó là tiếng súng mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 17-3-1975, trung đoàn tiến vào giải phóng thị xã Plei-cu, chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy, sân bay Cù Hanh, bắt và gọi hàng hàng nghìn tên địch. Quân địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên, không dám chạy theo Đường 19 mà chạy theo Đường 7 và bị đánh tan. Tiếp tục tiến công về đồng bằng duyên hải miền Trung, trung đoàn cùng các đơn vị bạn chiến đấu giải phóng thị trấn Phú Phong, tham gia giải phóng thị xã Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang; phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 và bộ đội hải quân đánh địch giải phóng đảo Phú Quý, Cù Lao Thu, Trường Sa Lớn và một số đảo ven bờ thuộc tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận.

Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên khẳng định: “Trung đoàn 95 là trung đoàn đánh giao thông giỏi; đồng thời thành thạo các chiến thuật khác như tiến công địch trong căn cứ, vận động tiến công, đánh địch đổ bộ đường không và phòng ngự dài ngày”.

Cuối năm 1976 và đầu năm 1977, quân Pôn Pốt liên tục xâm lấn, tàn sát nhân dân ta trên tuyến biên giới. Trung đoàn lại hành quân lên biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đánh địch lấn chiếm biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Trung đoàn trưởng Ma Thanh Toàn, trung đoàn đã có trận đánh xuất sắc tiêu diệt và làm chủ căn cứ của Sư đoàn Pôn Pốt, giải phóng 400km2 vùng biên giới. Từ cuối năm 1978, là đơn vị chủ công của Sư đoàn 307, theo yêu cầu của Chính phủ cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia, chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh cấp trên, trung đoàn lại hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Trong đội hình Sư đoàn 307, Mặt trận 579, trung đoàn đã dũng mãnh tiến công quân địch từ Pô Keo đến Bung Lung, Lâm Phát, giải phóng thị xã Stung Treng, chiếm Sở chỉ huy Quân khu Đông Bắc quân Pôn Pốt, phát triển tiến công chọc thủng tuyến phòng ngự dày đặc của địch ở Chép, giải phóng thị xã Tà Beng, thị trấn Choan Ksan, đền Prếch Vi-hia sát biên giới Thái Lan và tiếp tục ở lại, là những chiến sĩ tình nguyện trên nước bạn Cam-pu-chia 10 năm liền. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95 dũng cảm vượt qua biết bao hy sinh gian khổ để giúp nhân dân và cách mạng Cam-pu-chia giành thắng lợi.

Trở về Tổ quốc từ tháng 10 năm 1989, trung đoàn tiếp tục đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên. Hiện nay, trong đội hình Sư đoàn 2, Quân khu 5, trung đoàn nỗ lực phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, coi trọng xây dựng nền nếp chính quy, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu; đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò đội quân công tác, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bảy mươi năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, Trung đoàn 95 (Măng Yang) luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết-Kiên cường-Thần tốc-Táo bạo-Quyết thắng”, xứng đáng là đơn vị hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CHỈNH, Nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2

Đoàn Măng Yang - bảy mươi năm đồng hành cùng dân tộc (Bài 1)