QĐND Online - Chiều 12-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với nhiều ý kiến đồng tình của đại biểu Quốc hội về sự cần thiết thay đổi của luật này cũng như mong muốn tạo ra sự công bằng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng này đối với Tổ quốc.

Tuổi gọi nhập ngũ sinh viên tốt nghiệp đại học: Tối đa 25 hay 27 tuổi?

Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi nên hằng năm tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ vào quân đội thấp. Mặt khác, số công dân được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ để học đại học, sau khi tốt nghiệp phần lớn đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ. Vì vậy, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể tuyển chọn được nhiều công dân đã học xong chương trình đào tạo bậc đại học vào phục vụ tại ngũ, nâng cao chất lượng đầu vào, giảm chi phí đào tạo, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc về chất lượng tuyển quân như hiện nay, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và quyền được học tập của công dân.

Ảnh minh họa/qdnd.vn

Theo đại biểu (ĐB) Cù Thị Hậu (Hưng Yên), lâu nay có tình trạng chỉ con em nông dân, trình độ học rất thấp mới tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong khi chúng ta có nhiều thiết bị tối tân, đòi hỏi chiến sĩ phải có trình độ cao. Hay như với sinh viên y khoa ra trường đã ở độ tuổi 25, muốn cống hiến cho quân đội thì cũng rất khó vì đã “kịch trần” về khung độ tuổi. “Nếu nới quy định thêm hai năm nữa thì sẽ thu hút một lượng bác sĩ không nhỏ tham gia nhập ngũ, cống hiến cho quân đội, trong khi không phải bỏ chi phí đào tạo…”, ĐB Cù Thị Hậu nói.

Vì thế, ĐB Cù Thị Hậu cho rằng việc kéo dài thêm hai năm gọi nghĩa vụ quân sự với đối tượng học đại học, cao đẳng là hợp lý, để thu hút thêm nhiều đối tượng có chất lượng cao cho quân đội. Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Ngô Minh Tiến (Bắc Giang) cũng cho rằng nên tăng tuổi gọi nhập ngũ tối đa từ 25 lên 27 tuổi để bảo đảm các đối tượng được miễn, hoãn vẫn có thể tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự và nên kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng chung quan điểm này và cho rằng độ tuổi gọi nhập ngũ tối đa với đối tượng tốt nghiệp đại học nên là 27 tuổi vì có những trường đại học đào tạo đến 6 năm, như thế sẽ thuận lợi cho việc đào tạo sĩ quan trong quân đội.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi như Luật nghĩa vụ hiện hành hiện hành vì cơ bản đã thực hiện ổn định. Những vướng mắc vừa qua trong khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo bậc đại học và cán bộ, công chức không phải do hạn chế về độ tuổi mà do khâu tổ chức thực hiện.

Thừa nhận, từ trước đến nay tỷ lệ đối tượng học đại học, cao đẳng thực hiện nghĩa vụ quân sự chiếm tỷ lệ thấp, song Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình, Phó tư lệnh Quân khu 7 - Đại biểu TP Hồ Chí Minh - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội lại đề nghị giữ nguyên như Luật hiện tại, tối đa 25 tuổi chứ không nhất thiết phải kéo dài tới 27 tuổi. Bởi lẽ, sinh viên tốt nghiệp đại học khoảng 22-23 tuổi, so với khung hiện nay thì họ vẫn còn hai năm để thực hiện nghĩa vụ quân sự. ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng cho rằng độ tuổi tối đa gọi nhập ngũ đến 25 tuổi là được rồi. “Trình độ thấp là do cách làm chứ không phải là do độ tuổi. Có một cách nghĩ là quân đội là môi trường giáo dục nhân cách, vì thế cứ đưa những đối tượng hư vào quân ngũ. Vì thế làm sao chất lượng người nhập ngũ cao được”, ĐB Đặng Thuần Phong chia sẻ.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó tư lệnh Quân khu 9 - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (đại biểu Bến Tre) cho biết, theo thống kê hiện nay, hầu hết thanh niên được gọi nhập ngũ đều nằm trong độ tuổi từ 18 đến 22 tuổi, chỉ hơn 20% thanh niên được gọi nhập ngũ nằm trong độ tuổi từ 22 đến 24, 25 tuổi thì càng hiếm. Có một thực tế là thanh niên tuổi càng cao thì sức khỏe, lòng nhiệt huyết càng giảm, rồi vướng bận gia đình, vợ con rất khó toàn tâm toàn ý cho các nhiệm vụ quân sự. “Nếu cần quân nhân có trình độ đại học thì có lẽ chỉ cần thanh niên trong độ tuổi từ 23 đến 25 tuổi. Thanh niên 27 tuổi vào quân ngũ, 29 tuổi rời quân ngũ thì trong huấn luyện khó theo được thanh niên 18 đến 22 tuổi”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ nói.

Nâng cao giáo dục ý thức cho thanh niên

Phát biểu tại thảo luận tổ, Đại tá Phạm Văn Tam, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Nam - đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đưa ra những bất cập trong chất lượng nguồn thanh niên nhập ngũ hiện nay là quá thấp. Đại biểu cho rằng có mấy lý do: đối tượng cần phải cho vào quân đội thì lại được miễn, hoãn (trình độ văn hóa cao hoặc có nghề nghiệp cần trong quân đội), trong khi đó hầu hết lực lượng không có công ăn việc làm, trình độ văn hóa không đạt chuẩn hoặc sức khỏe không đảm bảo… lại tham gia vào quân đội. Chất lượng này không góp phần nâng cao nguồn nhân lực tạo ra quân đội mạnh được.

Đại biểu cũng chia sẻ, gần đây khi điều tra xã hội học đối với công dân nhập ngũ và quân nhân xuất ngũ thì nhiều người nói rằng đi cho xong nghĩa vụ, có người thì lại nói là đi với mong muốn có “cơ may” được trở thành Quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội, chứ không hoàn toàn vì mục đích bảo vệ Tổ quốc. “Chất lượng về văn hóa, sức khỏe thì không đáng ngại bằng chất lượng về tư tưởng tinh thần của người lính vì quân đội ta là quân đội cách mạng, được xây dựng trên nền tảng tính tự giác và nhiệt tình cách mạng của người lính. Chính vì thế, việc khắc phục tư tưởng về mặt chính trị, tinh thần là quan trọng”, Đại tá Phạm Văn Tam nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, tình trạng bất công, “chạy chọt” trốn đi nghĩa vụ quân sự trong thực tế vẫn đang tồn tại. Nhiều trường hợp trốn đi nghĩa vụ quân sự bằng cách “vin” vào luật là đang thuộc dạng đối tượng tạm hoãn; hay cũng có trường hợp “chạy” thẳng bằng tiền để được nằm trong diện tạm hoãn đi nghĩa vụ quân sự hoặc có trường hợp “chạy” bằng cách “làm sai lệch các chỉ số khám sức khỏe” dưới sự tiếp tay, đồng tình của một số thành viên hội đồng khám sức khỏe địa phương… “Phải nâng cao giáo dục ý thức cho thanh niên để họ hiểu rằng đi nghĩa vụ quân sự ngoài tham gia bảo vệ Tổ quốc thì còn là nghĩa vụ công dân. Chứ thực tế tình trạng “chạy chọt” để không phải tham gia nghĩa vụ quân sự còn nhiều lắm”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Qua thảo luận ở tổ, một số ý kiến cho rằng cần có sự điều chỉnh, quy định cụ thể trong việc xử lý vi phạm Luật nghĩa vụ quân sự, có ý kiến đề xuất trong luật nên chăng có quy định một số đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự trong hạn 12 tháng hay đề xuất thêm một số đối tượng diện tạm hoãn; có ý kiến khác lại cho rằng cần có quy định về điều kiện đối với các nữ thanh niên muốn tham gia nghĩa vụ quân sự để bảo đảm quyền công dân, thể hiện sự bình đẳng và lòng yêu nước ở tất cả các giới…

PHÚC THẮNG