 |
Cây đoàn kết
|
Ngày 7 - 5 - 1954, lịch sử đã ghi tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào hàng ngũ những vị tướng lừng danh của Việt Nam và thế giới với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đúng 200 năm trước đó, cũng trên mảnh đất Điện Biên, có một vị tướng đã đuổi giặc phương Bắc giải phóng vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc. Đó là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất.
Ngày nay, ở xã Noọng Hẹt (tỉnh Điện Biên) còn lưu lại khu di tích lịch sử thành Bản Phủ và miếu thờ lãnh tụ nông dân Hoàng Công Chất cùng 6 viên tướng nổi tiếng của ông. Năm 1994, đền thờ Hoàng Công Chất chính thức được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Trong di tích thành Bản Phủ có “cây đoàn kết”, đó là một cây đa quấn lấy một cây bồ đề, tượng trưng cho mối đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược mà người có công gây dựng mối đoàn kết đó là Hoàng Công Chất.
Hoàng Công Chất (theo Minh đô sử, ông còn có tên là Hoàng Công Thư) sinh năm Bính Tuất (1706), tại thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lớn lên trong bối cảnh xã hội rối ren, chúa Trịnh Giang chơi bời, tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ. Vốn sẵn có trong mình khí phách của trai thời loạn, mùa hạ năm Kỷ Mùi (1739), Hoàng Công Chất bắt đầu đứng lên chiêu binh phất cờ đại nghĩa. Trong một thời gian rất ngắn, nghĩa quân do ông chỉ huy đã hoàn toàn làm chủ cả một vùng Sơn Nam Hạ (địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình và một phần tỉnh Ninh Bình ngày nay). Triều đình ban thưởng ai bắt được ông thì được tước quận công, hàm tam phẩm. Năm 1750 ông theo đường núi tiến ra vùng Hưng Hóa (Tây Bắc).
 |
Chính điện thờ tướng quân Hoàng Công Chất.
|
Đầu năm Tân Tỵ (1751), có tin cấp báo ở vùng Mường Thanh - Điện Biên, bọn giặc Phẻ (Pọng) từ phương Bắc đang thả sức quấy nhiễu nhân dân, Hoàng Công Chất cùng đại quân tức tốc hành binh. Tới nơi, ông được nhân dân bản địa vui mừng bái vọng, các tù trưởng tự nguyện đem quân hợp nhất. Năm 1754, sau khi dẹp tan đám thảo tặc, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Hoàng Công Chất đóng bản doanh tại thành Tam Vạn (tiếng Thái gọi là Xam Mứn). Tương truyền tên gọi Tam Vạn là do trong thành có thể chứa 3 vạn quân, có thuyết nói rằng vì trong thành có 3 vạn cối giã gạo. Nhưng rồi, nhận thấy thành Tam Vạn không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng thủ, cũng như không thích hợp cho việc sử dụng các loại vũ khí mới, năm 1758 Hoàng Công Chất quyết định xây dựng tòa thành khác có tên là Chiềng Lề (nay gọi thành Bản Phủ). Thành Bản Phủ rộng 80 mẫu, tường đất cao 5 mét, mặt tường thành rộng khoảng 4 đến 5 mét, có 4 cửa tiền - hậu - tả - hữu, xung quanh trồng tre và có hào nước bao bọc, trong thành đào 133 cái ao để lấy nước ăn và luyện tập thủy quân...
Tháng 2-1768, Trịnh Sâm cử Nguyễn Đình Huấn và Phạm Ngô Cầu mang quân đánh Mường Thanh. Trong lúc chiến sự căng thẳng thì ngày 25-2-1769 (âm lịch), Hoàng Công Chất lâm bệnh qua đời tại căn cứ, chấm dứt cuộc khởi nghĩa trường kỳ kéo dài 30 năm.
Bài, ảnh: Trần Hoàng Hoàng