QĐND - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm tốt công tác bảo đảm quân y trong điều kiện xa hậu phương, địa hình hiểm trở, thời tiết không thuận lợi, trang bị, thuốc men vô cùng thiếu thốn, số lượng thương binh lớn, các đội điều trị thuộc Cục Quân y đã được thành lập ngay từ đầu chiến dịch để thu dung, điều trị thương binh, bệnh binh. Trong hoàn cảnh chiến đấu trên chiến trường, việc điều trị cho thương binh được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong các hầm hào, công sự chiến đấu. Thiết bị chiếu sáng phục vụ phẫu thuật chủ yếu là đèn bão, nhưng không đủ ánh sáng, không thể rọi sâu vào các vết thương, ổ bụng, khoang lồng ngực của bệnh nhân khiến cho công việc gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.

Đèn mổ quay tay của Đội điều trị 4 sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Với tinh thần tất cả vì tính mạng, sức khỏe của thương binh, bệnh binh, cán bộ, nhân viên của Đội điều trị 4, Cục Quân y khi đó đã có sáng kiến sử dụng ánh sáng điện bằng cách lấy đèn pha xe đạp và lắp thêm bộ phận phát điện quay tay để cho một y tá hoặc một dân công ngồi quay mỗi khi cần ánh sáng để phẫu thuật. Đèn xe đạp được trưng dụng từ các đoàn xe thồ của dân công. Nguồn điện phát ra từ đi-na-mô xe đạp tương đương với 12V, đủ ánh sáng để Đội điều trị 4 tiến hành phẫu thuật cứu sống được nhiều thương binh trong đêm tối, hầm tối. Sáng kiến này sau đó đã được áp dụng cho nhiều đội điều trị khác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều chiến dịch sau này.

Chiếc đèn mổ quay tay là minh chứng cho một thời kỳ đầy khó khăn về cơ sở vật chất của ngành quân y trong kháng chiến, nhưng cán bộ, chiến sĩ quân y đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

VŨ HOÀNG