Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới ra đời đã phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Chính quyền cách mạng chưa có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, xây dựng đất nước; lực lượng vũ trang còn quá nhỏ bé, trang bị với những vũ khí thô sơ; nền kinh tế của đất nước vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, lại bị Pháp-Nhật vơ vét xác xơ, chiến tranh tàn phá. Nạn đói khủng khiếp kéo dài từ cuối năm 1944, đã làm hơn 2 triệu người chết đói vẫn đang hoành hành dữ dội. Công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp... đình đốn. Ngân sách Nhà nước trống rỗng. Văn hoá giáo dục trì trệ. 90% dân số toàn quốc mù chữ. Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà còn phải đương đầu cùng một lúc với nhiều kẻ thù có lực lượng lớn mạnh và trong những tình huống vô cùng khó khăn, phức tạp.
Để xây dựng thực lực, xây dựng và củng cố chế độ mới, đưa đất nước thoát ra khỏi tình thế khó khăn, hiểm nghèo, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp đáp ứng với đòi hỏi cấp bách của tình hình cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Trong phiên họp đầu tiên ngày 3-9-1945, Hội đồng Chính phủ đã đề ra 6 biện pháp cấp bách cần làm ngay, trong đó việc phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói được đưa lên hàng đầu. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày về đẩy lùi nạn đói (8-1945 đến 12-1946)-một kỳ tích của dân tộc Việt Nam.
Chúng ta đều biết, từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra nạn đói khủng khiếp, làm chết gần 2 triệu người. Nguyên nhân chính là do chính sách vơ vét tàn bạo thóc gạo của Nhật-Pháp nhằm cung cấp cho cuộc chiến tranh xâm lược. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để chiến thắng thù trong, giặc ngoài bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng, nhiệm vụ đẩy lùi nạn đói đã trở thành cần kíp, rất quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Bởi vì, nạn đói lan rộng, hoành hành sẽ làm xói mòn sức mạnh dân tộc, đe doạ cuộc sống mọi người. Dân có ấm no thì chính quyền mới được giữ vững, củng cố; đất nước mới yên. Vì thế Đảng và Chính phủ lâm thời kiên quyết lãnh đạo toàn dân tập trung giải quyết nạn đói, nhằm cải thiện một bước đời sống nhân dân; ổn định cuộc sống xã hội, tạo nên một sức sống mới cho dân tộc. Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã kêu gọi nhân dân vùng lên phá hàng ngàn kho thóc của Nhật-Pháp chia cho dân nghèo. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng tịch thu thóc gạo dự trữ của địch chia cho toàn dân. Nạn đói bước đầu được ngăn chặn, song nhìn chung vẫn chưa được giải quyết triệt để vì số thóc thu hoạch vụ chiêm 1945 và thóc cứu tế của chính quyền cũng chỉ có hạn. Ngoài ra, tình hình chính trị-xã hội không ổn định cũng khiến diện tích canh tác giảm sút nhanh chóng. Chỉ tính trong 15 tỉnh đồng bằng, diện tích cấy lúa mùa năm 1944 là 967.000 ha, đến vụ mùa năm 1945 còn 547.000 ha. Số ruộng bị bỏ hoang do lũ lụt, thiếu mạ, thiếu phân bón, thiếu sức kéo hoặc do bị địch uy hiếp, phá hoại ước tới 265.000 ha. Vì thế, vụ mùa năm 1945 thu hoạch thấp nhiều so với năm 1944 (từ 832.000 tấn giảm xuống còn 500.000 tấn). Số thóc trên chỉ cung cấp đủ cho nhân dân dùng trong vòng 3 tháng. Nguy cơ nạn đói quay trở lại với một mức độ rộng lớn và trầm trọng hơn. Tính mạng của hàng vạn con người đang trông chờ vào những biện pháp nhằm đẩy lùi nạn đói của Đảng và chính quyền cách mạng.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền cách mạng đã tiến hành nhiều biện pháp và hình thức rất sáng tạo:
Thứ nhất, thi hành những biện pháp hành chính nhằm cứu đói cho nhân dân.
Ngày 5-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 7 tuyên bố thủ tiêu tất cả những quy định hạn chế việc lưu thông, chuyên chở thóc gạo giữa các vùng trong cả nước. Nghiêm trị những kẻ đầu cơ tích trữ thóc gạo. Chính phủ còn ra lệnh cấm mọi người lãng phí thóc gạo hoặc dùng thóc gạo vào những công việc không cần thiết như nấu rượu, làm bánh... Để làm tốt công tác này Chính phủ đã cử một uỷ ban vào Nam Bộ điều tra và tổ chức việc vận chuyển thóc gạo ra miền Bắc.
Ngày 2-11-1945, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động đã ra quyết định thành lập Hội cứu đói, đặt các trụ sở ở Hà Nội, Thuận Hoá và Sài Gòn. Hội có các chi nhánh ở các tỉnh, huyện, xã và tận các làng bản. Nhiệm vụ của Hội là thực hiện các biện pháp nhằm giảm sự lãng phí lương thực, đồng thời tìm kiếm nguồn lương thực, thực phẩm để cứu giúp những người nghèo. Tiếp theo, ngày 28-11-1945, Chủ tịch Chính phủ lại ký Sắc lệnh số 67 cho thiết lập “Uỷ ban tối cao tiếp tế và cứu tế” của Chính phủ. Tham gia Uỷ ban này có Bộ trưởng các bộ: Bộ Kinh tế, Bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động và Bộ Canh nông. Uỷ ban này được phép toàn quyền hành động để thực hiện công cuộc cứu tế và tiếp tế trên toàn quốc.
Những biện pháp kể trên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc vận chuyển thóc gạo và giảm bớt sự lãng phí thóc gạo trong nhân dân. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 1945, chúng ta đã vận chuyển được hơn 700 tấn gạo từ các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ ra cứu đói ở Bắc Bộ. Nhiều làng ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã tự nguyện bỏ hủ tục tiệc tùng lãng phí để tiết kiệm lương thực. Các làng Cốm ở vùng Hoài Đức (Hà Đông), Dịch Vọng (Từ Liêm, Hà Nội) cũng ngừng hoạt động để đỡ lãng phí thóc gạo nhằm giúp đỡ dân nghèo. |
Thứ hai, khơi dậy truyền thống yêu nước, thương nòi, đoàn kết, tương thân, tương ái của toàn thể dân tộc.
Ngày 28-9-1945, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy, tôi đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin được thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem số gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Ngày 11-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp bát gạo đầu tiên rồi dự lễ xuất phát của “Đoàn quân tiễu trừ giặc đói” tại Nhà hát lớn Hà Nội. Phong trào trên đã được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ và tham gia tích cực với nhiều hình thức phong phú. ở Hà Nội, Nam Định và các địa phương khác xuất hiện các xe bò “Bác ái” đi lạc quyên khắp phố, phường. Nhân dân thành phố, tỉnh, huyện... nhận kết nghĩa đỡ đần nhau. Nhân dân Hưng Yên giúp đỡ nhân dân Thái Bình. Đồng bào Đà Nẵng cấp tốc đưa các chuyến tầu gạo ra Hà Nội. Các địa phương bỏ hẳn tệ nạn nhậu nhẹt, rượu chè, cờ bạc… Bên cạnh đó, công tác vận động các nhà tư sản, địa chủ bỏ tiền của, thóc gạo ra sức cứu đói cũng thu được kết quả tốt. Rất nhiều địa chủ đã nhiệt tình, hăng hái đóng góp. Có hộ tự nguyện góp tới 50 tấn thóc. Lại có hộ góp cả số hoa lợi trên 600 mẫu ruộng.
Phong trào dần dần trở nên rộng lớn, sôi động khắp toàn quốc, chẳng những lôi cuốn nhà nhà tham gia, người người tham gia mà còn lôi cuốn được nhiều tổ chức quần chúng, văn hoá và xã hội khác. Nhiều tổ chức quần chúng, các đảng phái, tôn giáo, bà con ngoại kiều... cũng quyên góp tiền, gạo để giúp đỡ người nghèo. Những đêm biểu diễn văn hoá nghệ thuật ra đời nhằm lạc quyên tiền gạo của các nhà hảo tâm, để cứu đói được tổ chức ở nhiều nơi.
Thứ ba, phát động phong trào tăng gia sản xuất.
Đây là biện pháp được Đảng và Chính phủ coi là biện pháp chính để giải quyết nạn đói tận gốc. Ngay từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị phát động một phong trào tăng gia sản xuất trong cả nước. Người đã ra lời kêu gọi “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững tự do, độc lập”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phong trào khai hoang “tấc đất, tấc vàng”, “không một tấc đất bỏ hoang” đã phát triển sâu rộng trong toàn quốc. Ngày 17-10-1945, Bộ Kinh tế ra Thông tư cho Uỷ ban nhân dân các cấp về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp. Ngày 17-11-1945, Bộ Kinh tế lại ra Thông tư quy định: các Uỷ ban nhân dân phải kê khai rõ số ruộng đất còn thừa trong vòng 15 ngày. Nếu chủ điền nào không khai hoặc khai man sẽ bị phạt. Tiền phạt thu được đem bỏ vào công quỹ của làng để mua sắm dụng cụ, cây và con giống, giúp đỡ cho các hộ nghèo. Các Uỷ ban nhân dân sẽ công bố những phần ruộng đất để nông dân mượn. Những nông dân muốn mượn đất có quyền giao dịch thẳng với chủ điền; khi gieo trồng, họ được hưởng hoa lợi hoàn toàn. Các Uỷ ban nhân dân cũng điều tra số ruộng đất bị hoang hoá để cho nông dân mượn canh tác mà không phải nộp các thứ thuế.
Ngày 19-11-1945, Chính phủ cho lập Uỷ ban Trung ương phụ trách sản xuất. ở các tỉnh, huyện, xã và làng đều thành lập Tiểu ban canh nông. Tờ báo Tấc đất ra đời, phát cho các Tiểu ban này để phổ biến những chỉ thị của Chính phủ, tổ chức, hướng dẫn bà con kiến thức về nông nghiệp để tăng gia sản xuất. Lệnh cấm xuất khẩu gạo và các loại hoa màu khác được ban hành và có sự kiểm tra nghiêm ngặt. Chính phủ còn hô hào các nhà tư sản, những nhà giàu cho dân nghèo vay vốn để phát triển sản xuất.
Việc củng cố hệ thống đê để tránh sạt, lở, vỡ đê cũng được Chính phủ chú trọng. Đến khoảng cuối tháng 10-1945, được sự tham gia tích cực của toàn dân, tất cả các đoạn đê vỡ, xung yếu đều được khắc phục. Từ cuối tháng 11-1945, nhân dân các địa phương tập trung vào việc bồi đắp đê cũ và đắp thêm đê mới. Trước khi bước vào mùa lũ, lụt năm 1946, Chính phủ đã ra sắc lệnh thành lập “Uỷ ban Trung ương hộ đê ở Bắc Bộ”. Chính vì thế, công tác bảo vệ đê, phòng chống bão, lụt đã bước đầu ổn định.
Để phát triển sản xuất hơn nữa, Chính phủ còn lệnh cho các “Nông phố ngân hàng” và “Bình dân ngân quỹ” phải tạo điều kiện cho nông dân vay tiền mua cây, con giống. Chính phủ đã cấp 110 tấn thóc giống cho những vùng bị thiên tai nặng nhất. Việc chế tạo các công cụ sản xuất cũng được mở rộng và phát triển.
Nhằm bảo vệ và phát triển chăn nuôi, Chính phủ đã thành lập các đoàn bác sĩ thú y về tận các làng, xã để triển khai công tác phòng chống bệnh dịch cho gia súc, gia cầm. Công tác động viên nhân dân đi khai hoang sản xuất cũng được coi trọng. Nhiều trang trại mới đã được mọc lên ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang....
Bằng sự cố gắng nỗ lực của Đảng, Chính phủ và sự tích cực tăng gia sản xuất của toàn dân, việc giải quyết nạn đói đã thu được những kết quả to lớn. Vụ chiêm năm 1946, sản lượng lương thực thu được ở Bắc Bộ cao hơn vụ chiêm năm 1945 là 100.000 tấn. Vụ mùa năm 1946, nhiều tỉnh cũng đạt thu hoạch khá cao. Nếu vụ mùa năm 1943 ở Bắc Bộ chỉ đạt 952.730 tấn, năm 1944 là 832.000 tấn, thì năm 1946 đạt 1.550.000 tấn. Thu hoạch từ các loại hoa màu khác như: ngô, khoai, sắn, đỗ, lạc... cũng cao hơn nhiều so với các năm trước. Tăng gia sản xuất phát triển, sản lượng thu hoạch cao, đời sống nhân dân bước đầu đã được cải thiện. Điều này chẳng những có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Bằng những chủ trương, biện pháp đa dạng, tích cực Đảng và chính quyền cách mạng các cấp đã động viên được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia vào các phong trào đẩy lùi giặc đói. Chính nạn đói được đẩy lùi đã tạo điều kiện cho việc xây dựng và giữ vững chính quyền; phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, mở rộng khối đoàn kết toàn dân và thúc đẩy phong trào xoá nạn mù chữ trong đông đảo quần chúng nhân dân.
Nạn đói được đẩy lùi-một nhân tố rất quan trọng tạo thuận lợi cho nhân dân ta vượt qua được những khó khăn, thử thách nghiêm trọng và chuyển nhanh đất nước vào cuộc chiến tranh lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược. NGUYỄN HỮU ĐẠO