QĐND - Trước đây, việc huấn luyện thực hành bay trên những chiếc trực thăng hiện đại là điều rất khó thực hiện tại Trung tâm huấn luyện (Binh đoàn 18), nhưng hiện nay, đây là một trong nhiều nội dung huấn luyện chuyên sâu, được trung tâm thực hiện thường xuyên, nhằm đào tạo ra những phi công chất lượng cao.
Được thành lập ngày 6-1-2012, trên cơ sở tách ra từ Công ty Trực thăng miền Nam, Trung tâm huấn luyện có nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật hàng không, sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc phòng-an ninh khi cần thiết. Hơn hai năm qua, đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, tập trung cao độ vào thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Hiện tại, đơn vị đang huấn luyện, đào tạo các học viên phi công theo “Đề án phát triển Trung tâm huấn luyện-Binh đoàn 18 giai đoạn 2013-2020” được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt ngày 25-7-2013.
Công tác huấn luyện tại trung tâm được thực hiện từng bước từ cơ bản đến phức tạp. Các học viên bay được tuyển chọn sẽ đưa vào Trường Sĩ quan Không quân học lý thuyết cơ bản và huấn luyện các môn quân sự, sau đó về trung tâm để huấn luyện các nội dung: Lý thuyết, bay buồng tập, bay trên máy bay, bay bằng thiết bị (IFR), đủ tiêu chuẩn phi công thương mại để Cục Hàng không Việt Nam cấp bằng lái thương mại CPL và vẫn phải thi tốt nghiệp quốc gia tại Trường Sĩ quan Không quân để cấp bằng đại học phi công quân sự.
 |
Giáo viên và học viên bay của Trung tâm huấn luyện (Binh đoàn 18) trao đổi sau chuyến bay.
|
Đại tá Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm huấn luyện, cho biết: “Công tác huấn luyện của trung tâm đã chuyên nghiệp và chất lượng cao hơn nhiều, đặc biệt là huấn luyện đội ngũ phi công, thợ máy, nhân viên phục vụ cho bay dầu khí. Trước đây, muốn đào tạo được các phi công, thợ máy giỏi, chúng ta thường phải gửi sang các nước như: Anh, Pháp, Na Uy, Ô-xtrây-li-a, Mỹ… với chi phí rất cao. Giờ đây, đào tạo ở trong nước chi phí giảm từ 30% đến 40% so với gửi đi nước ngoài mà vẫn bảo đảm trình độ chuyên môn cũng như khả năng về ngoại ngữ”.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên của Trung tâm huấn luyện đều là những người giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, có thể thực hiện đào tạo chuyển loại, đào tạo lái chính, đào tạo giáo viên bay, chuyển loại cơ giới trên không cho các đơn vị. Phi công sau khi tốt nghiệp sẽ học chuyển loại dễ dàng sang lái các loại máy bay hiện đại khác của hãng Eurocopter như EC-155B, EC-225... Trong huấn luyện thực hành bay, trung tâm thường sử dụng những loại máy bay hiện đại như EC-120 do hãng Eurocopter sản xuất. Theo Đại tá Lê Văn Hòa, Phó giám đốc trung tâm, máy bay EC-120 huấn luyện cho phi công rất tốt, vừa bảo đảm an toàn cũng như giảm được kinh phí huấn luyện. Ngoài ra, loại máy bay này cũng phù hợp với các máy bay lớn hệ Eurocopter hiện có của Tổng công ty, nên phi công sẽ thuận lợi khi chuyển loại máy bay.
Để nâng cao chất lượng huấn luyện, trung tâm đã kết hợp các phương pháp và kinh nghiệm truyền thống trong công tác huấn luyện của không quân Việt Nam với phương pháp huấn luyện hiện đại của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, trung tâm tổ chức chặt chẽ, khoa học giờ lên lớp lý thuyết, chuẩn bị bay và huấn luyện ngoại ngữ. Các phi công trẻ có trình độ bay tốt được phân công kèm cặp, hướng dẫn thêm ngoài giờ để nâng cao trình độ, kiến thức cho học viên khác. Thiếu úy Ngô Văn Linh, học viên khóa 2 của trung tâm, chia sẻ: “Được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp với những giáo viên tận tụy và giàu kinh nghiệm, tôi cảm thấy rất tin tưởng, tự tin khi thực hành bay và có thể làm chủ được trang bị kỹ thuật mới, hiện đại”.
Bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ bay, trung tâm rất chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ cho các học viên. Đây cũng là một trong những điểm yếu của hầu hết các học viên và phi công Việt Nam so với các bạn đồng nghiệp quốc tế. Nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành hàng không, Trung tâm huấn luyện đã kết hợp với các trung tâm Anh ngữ lớn để tổ chức các khóa đào tạo ngoại ngữ cho học viên. Hiện tại, nhiều cán bộ, phi công và học viên của trung tâm đã hoàn thành tốt chương trình tiếng Anh hàng không theo phần mềm Dyned của Mỹ và các trình độ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO) do Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra đánh giá.
Từ ngày thành lập đến nay, trung tâm đã tổ chức huấn luyện cho nhiều lớp phi công trực thăng Việt Nam và phi công nước ngoài. Trong năm 2012-2013, trung tâm đã hoàn thành 3 khóa huấn luyện bay bằng thiết bị (IFR) cho 14 phi công của Binh đoàn 18 có trình độ bay trong điều kiện khí tượng phức tạp và được Cục Hàng không Việt Nam cấp bằng lái phi công thương mại. Từ đầu năm 2013 đến nay, trung tâm đã đào tạo được 7 học viên cơ giới trên không, huấn luyện chuyển loại 71 nhân viên kỹ thuật hàng không của các đơn vị trong Binh đoàn 18 và 256 nhân viên sân đậu trực thăng, tra nạp nhiên liệu cho các đối tác dầu khí. Từ năm 2015, mỗi năm, trung tâm sẽ huấn luyện 15 học viên mới, huấn luyện chuyển loại, đào tạo giáo viên bay, cơ giới trên không… và sẵn sàng huấn luyện đào tạo phi công cho Hải quân, Cảnh sát biển, Công an và phi công trực thăng quốc tế cho các nước trong khu vực bằng loại máy bay mới Cabri G2.
Bài và ảnh: LÊ NGUYỄN