QĐND Online - Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975), ngoài các loại máy bay chiến đấu khác, đế quốc Mỹ đã sử dụng một số lượng lớn máy bay lên thẳng trên chiến trường miền Nam. Các máy bay này được giao nhiệm vụ tác chiến như: trinh sát, chỉ huy, chuyển quân, hậu cần và chi viện hỏa lực. Quân đội Mỹ đã dùng loại máy bay này để thực hiện những cuộc đổ bộ đường không chiến thuật, coi đó là loại hình cơ động lực lượng và tác chiến “lý tưởng” trên chiến trường miền Nam Việt Nam và Lào. Người ta còn gọi kiểu đổ bộ đường không chiến thuật bằng máy bay lên thẳng là “đổ bộ thẳng đứng”, để phân biệt với đổ bộ bằng nhảy dù.
Ban đầu, chiến thuật “đổ bộ thẳng đứng” của địch đã gây ra cho quân và dân ta trên chiến trường không ít những khó khăn, tổn thất. Tuy nhiên “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, qua quá trình tìm hiểu và dày công nghiên cứu, quân và dân ta đã tìm ra cách để “trị lại” chiến thuật “tân kỳ” của Mỹ-ngụy, từ “Trực thăng vận” đến “Phượng hoàng vồ mồi”, rồi “Cất vó”...
Tháng 1-1963, chiến thuật “Trực thăng vận” của Mỹ-ngụy gặp phải đòn đánh chí mạng của quân và dân ấp Bắc: 6 máy bay lên thẳng bị bắn rơi. Hác-kin, trưởng đoàn cố vấn quân sự Mỹ ở Sài Gòn khi ấy đã phải hoảng hốt kêu lên rằng: “Thật là một ngày xấu trời ngay từ lúc bắt đầu!”. Thất bại này làm cho Học thuyết quân sự Mỹ về sử dụng máy bay lên thẳng để đổ quân, bao vây, chụp bắt và tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng đứng trước nguy cơ phá sản.
Khi Nhà trắng thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên chiến trường miền Nam, giới quân sự Mỹ vội vàng tâng bốc lên là “chiến thuật trực thăng vận” có thể phản ứng thích hợp với cả 4 giai đoạn của cuộc “chiến tranh nổi dậy” (chỉ cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta) từ thấp đến cao. Ngày 11-9-1965, Sư đoàn “ kỵ binh bay” số 1 (Sư đoàn cơ động đổ bộ bằng máy bay lên thẳng Mỹ) được đưa vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Lực lượng gồm: 15.787 binh sĩ, 434 máy bay lên thẳng, 1.600 xe tải loại nhẹ. Quan điểm chiến thuật của địch là dùng máy bay lên thẳng để thay cho việc chuyển quân bằng xe cộ và dùng hỏa lực trên không để yểm trợ cho quân đổ bộ hoạt động trên mặt đất. Trận thử lửa thực sự đầu tiên của sư đoàn này là các trận đánh trong chiến dịch Plây- me (tháng 11-1965). Lực lượng địch sử dụng trong chiến dịch gồm 2 lữ đoàn “kỵ binh bay”. Chúng dùng chiến thuật đổ quân “nhảy cóc” để “bủa lưới” rồi “ phóng lao” hòng nhanh chóng chụp bắt và tiêu diệt quân giải phóng. Nhưng âm mưu không thành, chiến dịch phải kéo dài trên một tháng. Oét-xmô-len, Tư lệnh quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam khi ấy đã thú nhận: Toàn bộ chiến dịch này chưa từng có về mức độ ác liệt, quân số tham gia... Quân Mỹ thương vong nặng hơn bất cứ trận giao chiến nào trước đó. Sau Plây-me, Sư đoàn “kỵ binh bay” số 1 còn phải chịu thêm nhiều đòn đau nữa. Đặc biệt, đòn của quân và dân Bình Định từ ngày 28-1 đến 6-3-1966. Ở hướng trọng điểm của chiến dịch “5 mũi tên” trong cuộc phản công mùa khô 1965-1966, Sư đoàn “kỵ binh bay” số 1 sử dụng toàn bộ lực lượng chủ yếu. Chúng đã sử dụng thủ đoạn “bao vây có hợp điểm” và “bao vây không hợp điểm”, bao vây rộng, bao vây hẹp... hòng tiêu diệt từng bộ phận quân giải phóng. Song 1/3 số quân và 3/4 số máy bay của sư đoàn này đã bị quân và dân ta loại ra khỏi vòng chiến đấu.
Chiến thuật “đổ bộ thẳng đứng” không chỉ thông dụng với Sư đoàn “kỵ binh bay” số 1 mà còn được vận dụng khá phổ biến trong các kiểu hành binh khác của các sư đoàn bộ binh, sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ trong những chiến dịch “tìm diệt” quân giải phóng. Cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti của Mỹ ngụy (từ 22-2 đến 13-4-1967) âm mưu đánh vào cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam lại là một ví dụ. Địch huy động cho cuộc hành quân này một lực lượng gồm 45.000 lính bộ binh, 1.200 xe tăng và thiết giáp, 256 khẩu pháo, 300 máy bay lên thẳng, 160 máy bay chiến đấu các loại và nhiều trang bị, kỹ thuật hiện đại khác. Mỹ ngụy gọi chiến thuật chúng dùng cho chiến dịch này là “Cất vó”, nghĩa là kết hợp nhảy dù, đổ bộ bằng trực thăng và cơ gới, thọc sâu, chia cắt, đánh bất ngờ hòng hốt gọn cơ quan đầu não và tiêu diệt lực lượng ta. Thế nhưng hơn 50 ngày đêm hành quân “tìm diệt”, cuộc hành quân không những không đạt mục tiêu mà còn bị quân và dân ta đánh trả đến tan tác: 14.233 lính bị diệt, 992 xe bị bắn cháy, 112 khẩu pháo 105 ly bị phá hủy, 160 máy bay các loại bị bắn rơi.
Thua trong “Chiến tranh cục bộ”, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ vẫn hy vọng “Máy bay trực thăng với chiến thuật đổ bộ của nó là chiếc chìa khóa vạn năng” giúp quân ngụy giành thắng lợi.
Đến năm 1969, trên chiến trường miền Nam, Mỹ-ngụy có đến 4.000 máy bay lên thẳng. Thế nhưng, trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào (từ ngỳa 30-1 đến ngày 23-3-1971) thì ảo tưởng dựa vào kỹ thuật trực thăng tạo khả năng cơ động chiến thuật của Mỹ bị tan vỡ. Thất bại của các đơn vị thuộc sư đoàn dù Mỹ và sư đoàn dù ngụy cùng số máy bay lên thẳng chúng phải bỏ lại trên chiến trường làm cho các chuyên gia quân sự Mỹ sau chiến dịch đã phải ngán ngẩm thốt lên rằng, máy bay trực thăng cùng chiến thuật của nó không thể tiếp tục tồn tại trên chiến trường mà nên quay về với “công việc bếp núc” ở tuyến sau.
Trong chiến dịch Tây Nguyên (1975), nghệ thuật đánh quân địch đổ bộ đường không của quân dân ta có những phát triển với việc chiếm trước các khu vực, địa hình có lợi; thực hành chia cắt từng cụm quân địch; cô lập quân địch ở mặt đất, không cho chúng liên kết với nhau; giáng đòn hỏa lực mãnh liệt vào lực lượng đổ bộ; thực hành tiến công hành tiến bằng bộ binh và xe tăng, tiêu diệt lần lượt từng cụm quân địch, tập trung nỗ lực diệt nốt số quân còn lại.
Điểm yếu chí mạng của quân đổ bộ đường không địch là sau khi đã đổ quân xuống đất dễ bị mất sự liên lạc, hỗ trợ của không quân và lực lượng địch tiến công chính diện. Tài nghệ tổ chức, chỉ huy đánh quân địch đổ bộ đường không của ta thể hiện ở chỗ khoét sâu vào những điểm yếu đó, phát huy hỏa lực phòng không tiêu diệt máy bay chiến đấu, kịp thời chia cắt quân địch thành nhiều bộ phận nhỏ, không cho chúng liên hệ với nhau; không cho chúng tiến về mục tiêu để hợp điểm với quân tiến công của chúng trên mặt đất. Chúng ta cần khẩn trương cơ động và tập trung lực lượng, phương tiện, nhanh chóng đẩy địch vào thế bị bao vây, cô lập và dùng lực lượng hợp thành của bộ binh cơ giới, pháo binh, xe tăng, đặc công, không quân để tiêu diệt từng bộ phận quân địch, nhất là bộ phận chủ yếu. Đặc biệt, để nâng cao hiệu lực đánh địch đổ bộ đường không chiến thuật, chúng ta cần bố trí tốt thế trận trong khu vực phòng thủ, tổ chức chu đáo lực lượng đánh địch tại chỗ, bởi lực lượng tại chỗ chính là lực lượng cơ động nhanh nhất ./.
Nguyễn Thế Vỵ