QĐND - Sáng 24-3, tại Hà Nội, Bộ Tổng tham mưu đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Dân quân tự vệ Việt Nam-Lực lượng vô địch của dân tộc anh hùng". Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng chủ trì hội thảo. Các ý kiến phát biểu và tham luận gửi về hội thảo đã phân tích rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Dân quân tự vệ (DQTV) Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

"Bức tường sắt" của Tổ quốc

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Bế Xuân Trường khẳng định, cách đây 80 năm, ngày 28-3-1935, với tầm nhìn chiến lược của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, “Nghị quyết về Đội Tự vệ” đã được thông qua tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức chỉ đạo, xây dựng và hoạt động của lực lượng tự vệ; đặt cơ sở nền móng cho sự ra đời và phát triển của lực lượng DQTV Việt Nam-một trong ba thứ quân của LLVT nhân dân ngày nay. Và ngày 28-3 cũng là Ngày truyền thống của lực lượng DQTV Việt Nam

Trải qua chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành đầy gian lao, cùng với quân dân cả nước, lực lượng DQTV Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đội DQTV và du kích Việt Nam là lực lượng xung kích quan trọng, làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành thắng lợi Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Tiếp đó, DQTV đã góp phần to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng toàn dân tộc giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà; tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng nuôi dưỡng và đùm bọc, lực lượng DQTV đã không ngừng phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp, từng bước xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

Trung tướng Bế Xuân Trường phát biểu tại hội thảo.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục DQTV nêu rõ: Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, DQTV Việt Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Việc đúc kết các bài học kinh nghiệm này không chỉ có giá trị thực tiễn mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận về chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam.

Kế thừa truyền thống “trăm họ là binh”

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 50 bản tham luận của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Với những lập luận chặt chẽ trên cơ sở các tư liệu và sự kiện đã được chọn lọc, thẩm định, các tham luận khoa học đã làm rõ quá trình hình thành và phát triển ngày càng lớn mạnh, vững chắc của lực lượng DQTV Việt Nam. Kể từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân, DQTV cùng toàn dân, toàn quân đã lập nên những chiến công to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Suốt quá trình đó, nhiều bài học kinh nghiệm được đúc kết vẫn còn nguyên giá trị để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào việc tổ chức, xây dựng lực lượng DQTV ngày nay.

Các tham luận khoa học gửi đến hội thảo cũng đã minh chứng và khẳng định các luận điểm khoa học chủ yếu như: Xây dựng DQTV-sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam về LLVT và chiến tranh cách mạng; quá trình Đảng tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện lực lượng DQTV gắn liền với những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam…

Kế thừa truyền thống “trăm họ là binh”, “cả nước chung sức đánh giặc” của dân tộc, nên ngay sau khi thành lập, Đảng đã thấy được sức mạnh của cách mạng bắt nguồn từ quần chúng và đã đề ra chủ trương “vũ trang công nông”. Phát biểu của Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương-Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng, khẳng định: Ngay sau khi có Nghị quyết của Đảng (1935), các đội tự vệ công nông mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng ra đời, đây là tiền thân của các đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sau này. Trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng DQTV và du kích đã hỗ trợ quần chúng kịp thời đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Để bảo vệ vững chắc thành quả vừa mới giành được, lực lượng DQTV sát cánh cùng các LLVT cách mạng đập tan ý đồ quấy rối, chống phá của các thế lực thù địch, phản động...

Khẳng định vai trò của DQTV

Cùng với những con số cụ thể, những ví dụ thuyết phục về sự đóng góp to lớn của DQTV trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Văn Ngàng, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: DQTV là lực lượng chiến lược trong suốt quá trình đấu tranh vũ trang cách mạng của dân tộc và giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở nước ta, là lực lượng vô địch, là một "bức tường sắt" của Tổ quốc.

Trong tham luận của mình, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5 nêu rõ: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào chiến tranh du kích phát triển thành một phong trào quần chúng rộng rãi, thực sự phát huy hiệu quả trong tác chiến đánh địch tại chỗ, vừa có tác dụng kìm chân địch, khiến cho địch bị động, lúng túng, vừa tạo điều kiện cho các lực lượng đánh tiêu diệt, tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.

Trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng du kích tự vệ miền Đông đã có những đóng góp hết sức to lớn. Đó là khẳng định của Thiếu tướng Võ Minh Lương, Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 7 tại hội thảo.

Đề cập về vai trò của nữ dân quân tự vệ Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng, đồng chí Trần Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu rõ: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nữ dân quân tự vệ ở các thôn, xã đã đảm nhiệm việc chống càn, tiêu hao sinh lực địch; trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, toàn miền Nam có 40% dân quân du kích, tự vệ là nữ; nữ dân quân tự vệ còn giữ vai trò quan trọng trong công tác phục vụ chiến đấu, công tác binh, địch vận…

Tại hội thảo, các nhân chứng đã chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng tham gia đánh giặc, bảo vệ quê hương, nhà máy, công sở. Đó là bà Bùi Thị Vân (67 tuổi, quê xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), năm xưa là nữ dân quân du kích "rắn quấn bên chân vẫn bắn thù". Đó là bà Ngô Thị Hồng Thương, tự vệ Lâm trường Cẩm Kỳ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đã dùng súng trường K44 bắn rơi chiếc máy bay F-105 của giặc Mỹ năm 1968. Đó là bà Phạm Thị Viễn, nữ pháo thủ của Trung đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động (Hà Nội) cùng đồng đội lập công xuất sắc, bắn rơi chiếc máy bay F-111 của không quân Mỹ ngày 22-12-1972... Những câu chuyện cảm động của các nhân chứng đã tăng thêm những minh chứng sinh động về sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của DQTV trong các cuộc chiến tranh giải phóng.

Kết luận hội thảo, Trung tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh, các tham luận được trình bày tại hội thảo nói riêng, những tham luận được gửi về hội thảo nói chung, tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện lực lượng DQTV. Khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và những đóng góp to lớn của lực lượng DQTV gắn với các nhiệm vụ chính trị của đất nước qua các thời kỳ cách mạng. Đây là cơ sở để thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong tổ chức, xây dựng, huấn luyện và duy trì hoạt động của lực lượng DQTV Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: LÊ DUY HỒNG