Tại đây, chị được gặp nhiều nhân chứng lịch sử, nghe chuyện và cảm nhận về những con người đã làm nên lịch sử. Chị nói: “Tôi cảm nhận được về sức mạnh từ nhân dân Việt Nam. Một đất nước có những người dân như vậy thì không kẻ thù nào xâm lược nổi”.

Mặc dù câu chuyện thông qua phiên dịch có thể mất đi phần nào sự liền mạch, song Shara cũng hiểu được tâm trạng của những cô gái, chàng trai ở lứa tuổi mười chín, đôi mươi như bà Đỗ Thị Dưỡng khi tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Dưỡng kể: “Tôi là người trẻ nhất trong đại đội do anh Trương Cá chỉ huy. Đại đội lấy dân ở 5 xã của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ quê nhà, mỗi người khoác lên vai 20kg gạo và tư trang, ròng rã suốt một tháng, đêm đi ngày nghỉ lên đến sát mặt trận. Gạo để vào kho. Dân công lại lao vào sản xuất”.  

Chị Shara và bà Đỗ Thị Dưỡng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tháng 4-2019.

Nhiệm vụ của đại đội bà Dưỡng khi đó là giã và sàng gạo. Bà vẫn nhớ những đụn thóc rất lớn do bà con dân tộc Thái ủng hộ cách mạng. Đại đội phải làm những cối đất rất to, giã gạo bằng chân, thậm thịch giã suốt ngày. Chỉ khi đêm xuống, dân công hỏa tuyến mới nổi lửa nấu cơm, cơm ấy dùng cho cả ngày vì sợ máy bay địch đánh bom. Bà đã từng chứng kiến người chết vì bom và rất sợ. Nhưng càng sợ hãi lại càng nuôi chí căm thù.  

Tôi thấy đôi mắt Shara nhạt nhòa sau lời kể ấy. Cô bất chợt ôm lấy bờ vai của bà Dưỡng. Theo cách biểu lộ tình cảm của người phương Tây là áp má hai, ba lần nhưng bà không hiểu ý. Cô nói: “Bà ơi, bà thật là tuyệt vời!”. Giữa khán phòng ồn ã, hai bà cháu cứ đứng ngắm nhìn nhau mãi. Sau khi câu chuyện với Shara kết thúc, tôi hỏi bà Dưỡng thêm về thân thế gia đình thì được biết, bà là con của liệt sĩ Đỗ Khắc Dục (hy sinh năm 1950), mẹ bà ở vậy nuôi 4 người con rồi gửi tất cả theo kháng chiến. Dòng máu cách mạng, lòng căm thù giặc đã ăn sâu trong huyết quản rồi, lên đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ là vinh dự của gia đình, ai quản gì nỗi hy sinh!

Bà Trần Thị Tuyết Mai, 85 tuổi, quê ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cũng là dân công hỏa tuyến ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Bà Mai nói: “Tôi thích xem những bức hình dân công tải gạo ra mặt trận lắm, xem phim lại càng xúc động”. Dự lễ khai mạc triển lãm về dân công hỏa tuyến với tư cách nhân chứng lịch sử, bà Mai say sưa ngắm những tài liệu cũ như: Giấy chứng nhận Chiến sĩ dân công vẻ vang Mặt trận Điện Biên Phủ, Giấy khen số 41 và 24, Tập thơ ca dao dân công… Rồi những hiện vật như tấm áo sơ mi, ăng-gô, lốp xe đạp, tấm ni lông của những nhân chứng lịch sử. Bà Mai kể: “Đáng ra tôi cũng được lên tới Điện Biên Phủ đấy, nhưng đi đến ngã ba Cò Nòi thì đường bị sình lầy nên chúng tôi ở lại khắc phục và ở đó suốt cả chiến dịch”. Bà Mai từng ghé vai đẩy nhiều chuyến xe thồ đuối đà giữa lưng chừng dốc, chưa một lần thảnh thơi ngơi nghỉ đủ lâu để ngắm nhìn nên nhiều hiện vật với bà là mới lạ. Tất cả đều gợi nhớ về một thời hào hùng chưa xa.

Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, khi thăm triển lãm này đã rất xúc động, ghi vào sổ cảm tưởng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: "Tự hào thay! Cả dân tộc cùng ra mặt trận. Những người con của dân tộc bình dị, hiền lành nhưng với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã một lòng làm nên được những điều thần thánh, làm nên chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu". Tinh thần ấy, ý chí ấy, niềm tự hào ấy cần phải được tiếp tục thắp lên để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh".   

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG