 |
Hình ảnh thanh xuyên của đạn SABOT. Ảnh: Answers. com |
Đạn chống tăng dưới cỡ là loại đạn được trang bị cho các xe tăng chủ lực và các loại pháo chống tăng, sử dụng khả năng xuyên phá động năng của thanh xuyên (lõi viên đạn) phá hủy hoặc làm mất khả năng tác chiến của xe tăng đối phương.
Đạn chống tăng dưới cỡ được cấu tạo từ một thanh xuyên cứng, thường được chế tạo từ các hợp kim có tỉ khối lớn, rất cứng và nặng; được bao bọc bởi một lớp vỏ kim loại mềm để tạo sơ tốc cho thanh xuyên. Khi bắn ra khỏi nòng pháo, nhờ sự chênh lệch về tỉ khối, thanh xuyên ở lõi viên đạn sẽ tách khỏi lớp vỏ kim loại mềm. Với gia tốc cực lớn, chúng sẽ xuyên qua vỏ thép bảo vệ của xe tăng; nhiệt và các mảnh vụn do va chạm sẽ gây sát thương và làm nổ các đầu đạn, nhiên liệu chứa trong xe tăng đối phương.
Thanh xuyên của đạn chống tăng dưới cỡ thường bay với tốc độ rất cao, nên các hệ thống phòng vệ chủ động và bị động của xe tăng hầu như không thể chống trả. Tuy nhiên, do cấu tạo từ hợp kim nặng, nên thanh xuyên của đạn dưới cỡ sẽ nhanh chóng mất động năng vì trọng lực, nên tầm bắn hiệu quả của loại đạn này chỉ từ 1,8km tới 2km.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, đạn chống tăng dưới cỡ của quân đội Đức quốc xã, với thanh xuyên được làm bằng hợp kim vôn-phram lần đầu tiên được sử dụng, phát huy hiệu quả rõ rệt so với các loại đạn chống tăng sử dụng đầu nổ thông thường. Sau chiến tranh, đạn chống tăng dưới cỡ liên tục được quân đội các nước nghiên cứu phát triển và cải tiến. Thanh xuyên được làm dài hơn và có cánh đuôi, làm tăng khả năng ổn định khi bay.
Hiện nay, đi đầu trong công nghệ này là quân đội Mỹ với đạn chống tăng dưới cỡ SABOT, sử dụng thanh xuyên làm từ u-ra-ni-um nén, có tỉ khối nặng và cứng hơn thép rất nhiều lần. Đạn SABOT được trang bị trên các xe tăng chủ lực M1A1 và M1A2. Trong cuộc chiến vùng Vịnh (năm 1991), đạn SABOT đã thể hiện khả năng vượt trội; giáp thép các xe tăng của quân đội I-rắc bị đạn SABOT dễ dàng xuyên thủng.
Cùng với các phát kiến vật liệu quân sự mới, nhiều nước đang phát triển giáp tăng có thể vô hiệu hóa đạn chống tăng dưới cỡ. Trong đó nổi bật nhất là phương pháp sử dụng giáp phản ứng nổ (ERA) và giáp com-pô-dít, có khả năng làm gẫy thanh xuyên nhờ nguyên lý phân tầng vật liệu, làm giảm đáng kể khả năng xuyên phá động năng của đạn chống tăng dưới cỡ.
TUẤN SƠN