QĐND - Đó là kỷ niệm sâu sắc của cựu chiến binh Trần Duy Khánh, nguyên cán bộ Ban Thông tin, Bộ tư lệnh Miền trong cuộc chiến đấu chống lại cuộc hành quân càn quét Gian-xơn Xi-ty của địch vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Cựu chiến binh Trần Duy Khánh (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội.

Sau nhiều ngày đêm củng cố công sự trận địa, mờ sáng 12-3-1967, có 6 chiếc xe tăng và bộ binh địch chia làm ba mũi tiến công vào căn cứ Ban Thông tin. Chúng vừa tiến đánh theo hướng chính diện vừa đánh tỏa ra xung quanh để thăm dò ta. Cán bộ, chiến sĩ Ban Thông tin vẫn bình tĩnh xuống hầm hào quan sát đợi địch đến gần mới nổ súng. Trong một tình huống ôm súng phục kích địch dưới công sự, một chiếc xe tăng M113 của địch chạy sát vị trí của đồng chí Khánh mà chúng không hay biết. Chớp thời cơ từ phía sau, đồng chí Khánh dùng lựu đạn ném trúng một chiếc xe tăng. Khi giương súng bắn, đồng chí Khánh mới phát hiện khẩu súng của mình bị đạn địch bắn đứt dây lúc nào không hay; sờ tay lên ngực thấy mình không bị thương, vui mừng vì may mắn, đồng chí Khánh cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Tình huống đánh giáp lá cà, khiến địch không phân tuyến được. Trước sự đánh trả quyết liệt, dũng cảm của quân ta, địch rối loạn đội hình, bắn phá bừa bãi ra xung quanh rồi quay đầu tháo chạy. Đồng chí Khánh nhanh chóng tiêu diệt thêm 5 tên địch nữa. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, trận đánh kết thúc.

Với thành tích trong trận đánh này, đồng chí Khánh vinh dự được cấp trên khen thưởng. Ông Khánh nhớ lại: “Ngay sau khi kết thúc trận đánh, đồng chí Phan Văn Đáng, Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam đã đến đơn vị chúc mừng, động viên cán bộ, chiến sĩ ngay trên công sự. Lúc đó, đơn vị cũng chỉ kịp chuẩn bị một ấm trà đón khách, nhưng mọi người rất vui, ai cũng tự hào, mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa, chấp nhận gian khổ hy sinh để giữ vững căn cứ kháng chiến”.

Cựu chiến binh Trần Duy Khánh quê ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ngày 20-9-1945,  ông tình nguyện tham gia Giải phóng quân liên quận Bà Điểm-Hóc Môn và trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông được tăng cường vào Đoàn 232, chiến đấu ở cánh quân hướng Tây Nam tại vùng ven Sài Gòn. Chiến tranh kết thúc, ông chuyển sang công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 1986, ông rời quân ngũ và luôn tận tình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà địa phương, đoàn thể giao, sống giản dị gần gũi, sẵn lòng giúp đỡ đồng đội.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN