Động lực từ một lần Đại tướng đến thăm
QĐND Online- Cách đây 38 năm, ngày 20-4-1976 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm Trường Sĩ quan Không quân và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường. Chuyến thăm của Đại tướng đã để lại trong lòng cán bộ, học viên Nhà trường những ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp và sự động viên khích lệ to lớn để Nhà trường vượt qua khó khăn của những năm đầu làm nhiệm vụ trên các sân bay miền Trung mới được giải phóng và tiếp quản. Đặc biệt là những lời căn dặn của Đại tướng đã giúp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường thêm hiểu về tình cảm, mong muốn của Đại tướng nhà trường sẽ hoàn thành tốt sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực “đặc biệt” cho quân đội và Tổ quốc... Bởi vì thời điểm đó, phi công của ta đa số phải đi đào tạo nước ngoài.
 |
(Đại tá Phạm Văn Đông, Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân)
|
Khắc ghi những lời căn dặn của Đại tướng, từ đó đến nay, Trường Sĩ quan Không quân đã không ngừng khắc phục mọi khó khăn, đầu tư nhiều trang thiết bị dạy học hiện đại; tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, góp phần đào tạo hàng nghìn phi công, sĩ quan các chuyên ngành và nhân viên chuyên môn kỹ thuật hàng không có trình độ đại học và cao đẳng cho Quân đội và nước bạn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.Cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Đại tướng. Cầu mong Đại tướng an giấc ngàn thu nơi đất mẹ!
Mai Đông (ghi)
Học Đại tướng về cách chăm lo cho bộ đội
 |
Trung tá Dương Quang Toản, Phó chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người được Bác Hồ giao nhiệm vụ tổ chức, rèn luyện, giáo dục quân đội ta. Ngay từ buổi ra mắt đầu tiên với 34 chiến sĩ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân dù còn vô cùng gian khó, đã được Bác Hồ và Đại tướng quan tâm đến việc ăn, mặc. Chỉ bắt đầu bằng 500 đồng cho công tác hậu cần, tài chính nhưng đội quân ấy sau này đã được gây dựng lớn mạnh, đủ sức đánh thắng những đội quân nhà nghề.
Trong cuộc đời cầm quân của mình, với bộ đội, Đại tướng đã hết mực yêu thương, thường xuyên chỉ đạo, có những quyết sách quan trọng để quân đội ta được nuôi dưỡng, rèn luyện chu đáo.
Bố tôi nguyên là cán bộ chiến đấu tại Điện Biên Phủ, từng là Sư đoàn trưởng nên tôi được nghe ông kể nhiều về cốt cách của Đại tướng quanh chuyện chăm lo cho bộ đội. Bài học về sự ân cần, cụ thể đến từng chi tiết đối với người chiến sĩ rất bổ ích cho đội ngũ những người làm công tác hậu cần chúng tôi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có tư tưởng chỉ đạo công tác nuôi dưỡng bộ đội phải được tiến hành chu đáo. Đặc biệt là quan điểm chủ động tạo nguồn hậu cần nhân dân và đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, cải thiện đời sống bộ đội.
Tấm gương đạo đức, hành động thực tế của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho bộ đội, dành cho cấp dưới soi rọi cho chúng tôi noi theo. Công tác hậu cần trong chiến đấu luôn “đi trước, về sau”, trong thời bình hiện nay, công tác hậu cần là “đi trước, đi cùng”, phục vụ chu đáo, nuôi dưỡng bộ đội ngày một tốt hơn. Chúng tôi thấm thía rằng, càng cụ thể, càng sâu sát, càng tỷ mỷ trong xây dựng kế hoạch, tổ chức bảo đảm hậu cần thường xuyên cũng như SSCĐ thì sẽ góp phần để đơn vị chủ động, nâng cao chất lượng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Thực tế, Sư đoàn 312 chúng tôi đã liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, nhất là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bộ đội. Không tự bằng lòng với kết quả đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn đã và đang đẩy mạnh TGSX, chủ động tạo nguồn sản phẩm dồi dào để cải thiện đời sống bộ đội.
Trước tấm gương sáng ngời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải vĩnh biệt Người, đội ngũ cán bộ làm công tác hậu cần chúng tôi xác định tiếp tục nêu cao quan điểm, thái đội phụ vụ, làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn, quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo đảm hậu cần. Đó cũng là hành động thiết thực, trân trọng tri ân với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp kính mến.
Thu Thảo (ghi)
Ngọn đuốc soi đường cho tuổi trẻ
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi học môn Lịch sử và qua phim ảnh, chúng tôi đã được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài năng, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đại tướng được cả thế giới biết đến và phải khâm phục về khả năng chỉ huy bộ đội trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
 |
(Binh nhất Thái Quốc Dũng, chiến sĩ Đại đội Thông tin 18 -Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa) |
Mấy ngày nay, biết tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, chúng tôi tuy chưa được gặp mặt nhưng khi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và được cán bộ đơn vị định hướng, phân tích thêm, giúp chúng tôi có dịp hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Dẫu biết rằng Đại tướng ra đi là một quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng tôi và các đồng đội vẫn tin rằng, hình ảnh và phẩm chất của Người sẽ luôn là tấm gương, ngọn đuốc để soi đường cho tuổi trẻ quân đội noi gương, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.
Tuổi trẻ chúng tôi rất tự hào và ngưỡng mộ vì đất nước có một vị tướng như thế.
Duy Hồng (ghi)
Học tập ở Đại tướng ở đức tính trung thành với Đảng, hết mình vì đất nước, vì nhân dân
 |
Thượng úy Lý A Tùng, Trung đội trưởng Trung đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Quân đoàn 3 |
Từ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, không khí trầm lắng bao trùm cả đơn vị. Ai cũng cảm thấy tiếc thương và kính trọng Đại tướng bởi đã từ lâu mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vẫn thầm hiểu và luôn coi ông là người Anh Cả trong quân đội. Đất nước có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay có một phần đóng góp công lao to lớn của Đại tướng. Càng xem những thước phim tư liệu và những bài báo viết về Đại tướng, giúp tôi hiểu tại sao không chỉ người dân Việt Nam tin yêu, ngưỡng mộ mà cả thế giới phải kính phục. Và để có được những thành công lớn trong đời binh nghiệp, Đại tướng không chỉ có trình độ uyên thâm mà còn đức độ và trên hết là sự trung thành tuyệt đối với Đảng, luôn hết mình phục vụ, cống hiến vì đất nước, vì nhân dân. Đó là đức tính để mỗi cán bộ trong quân đội, nhất là các sĩ quan trẻ hôm nay học tập, noi theo.
Khánh Chi (ghi)