QĐND Online - Đón khách vào nhà, bà Nhật lặng lẽ lại gần bàn thờ chồng, tay run run thắp một nén nhang. Bao năm đã trôi qua, nay tuy sức yếu, mắt mờ, song hễ nhắc đến chuyện tình của hai người, bà Nhật lại rưng rưng xúc động như thể chuyện xảy ra vừa mới hôm qua...
Bà Lê Thị Nhật, nay đã 84 tuổi, sinh ra trong một gia đình nhà nho, ở thôn Bằng Nha, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Khi 17 tuổi, bà đẹp như bông hoa. Bao nhiêu chàng trai đến tìm hiểu nhưng bà chưa nhận lời. Năm 1947, bà giấu cha mẹ, bí mật tham gia đội nữ võ trang tuyên truyền của tỉnh. Đây là thời gian quân địch cắm bốt Thiết Trụ ở xã Bình Minh. Chúng tổ chức nhiều trận càn quét hòng phá vỡ cơ sở hoạt động của ta. Hàng trăm người dân trong làng và chiến sĩ cách mạng đã bị chúng tra tấn, giết hại man rợ như chặt đầu, mổ bụng moi gan, vứt xác xuống sông. Trước tình hình đó, Nhật được cử làm công tác quân báo của tỉnh, có nhiệm vụ theo dõi địch ở bốt Thiết Trụ.
 |
Bà Nhật nhận bằng khen với 8 chữ vàng danh dự: “Trọn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội”.
|
Bà Nhật chậm rãi kể lại:
- Chúng tôi đã thông tin cho nhau bằng cách viết tin mật lên lá trầu không. Nếu cứ để lá trầu bình thường như vậy thì không ai biết nội dung trên đó là gì, nhưng khi hơ lên lửa thì chữ sẽ nổi lên. Nhiều hôm lội dưới đầm, bị cây sậy cứa rỉ máu khắp người, đỉa bám đầy chân mà vẫn không dám kêu nửa lời.
Gần làng bà Nhật có ông Đào Tất Liễu, người hiền lành chất phác, là cán bộ huyện đội. Ông bà đã từng đi lại quen biết nhau. Nhưng ngày đó có tên Đinh Văn Lực, nguyên là huyện đội phó huyện đội Văn Giang, đã phản bội cách mạng, đầu hàng địch, gây cho ta nhiều tổn thất lớn. Đã vậy hắn còn dụ dỗ, rồi ép buộc ông Liễu ra hàng địch và kéo về làm đồn phó cho hắn. Năm 1951, khi tên Lực chuyển về bốt Công Luận (Văn Giang) thì thực dân Pháp đưa ông Liễu lên làm bốt trưởng bốt Thiết Trụ. Biết Liễu “mê” mình nhưng bà Nhật kiên quyết không nhận lời.
- Gia đình tôi cũng một mực không đồng ý cho ông Liễu đi lại với tôi bởi hai người anh ruột của tôi đều bị địch giết hại trước cổng bốt Thiết Trụ. Bố mẹ tôi đêm ngày khóc thương con, thù nhà chưa trả sao đành..., bà Nhật nhớ lại.
Biết được “điểm yếu” của Đào Tất Liễu, ta đã giao nhiệm vụ cho bà Nhật vận động đồn trưởng Liễu trở về với cách mạng. Chấp hành nhiệm vụ của trên, mỗi lần đi chợ huyện hoặc làm đồng, bà Nhật đều cố ý đi qua đường đê, ngay sát bốt Thiết Trụ nhằm… gây sự chú ý với sếp bốt. Có hôm bà giả vờ xin vào bốt cắt cỏ cho cá ăn. Bằng sắc đẹp và sự khéo léo của mình, sau nhiều lần tâm sự, bà Nhật đã cảm hóa được Đào Tất Liễu. Những ngày đầu Liễu cung cấp cho ta nhiều thông tin về kế hoạch càn quét và các địa điểm địch tổ chức phục kích, nhờ vậy đã hạn chế đáng kể tổn thất cho cách mạng.
Vậy nhưng khi Liễu ngỏ lời xin cưới Nhật, bố mẹ cô vẫn một mực không đồng ý. Nghĩ lại nhiệm vụ được cấp trên giao và tin vào khả năng cảm hóa, đưa Liễu trở về với cách mạng, bà Nhật đã lên xe hoa cùng ông, mặc cho dân làng dị nghị, đàm tiếu.
Sau hôn lễ, được vợ động viên, khuyên nhủ, ông Liễu đã gửi nhiều tài liệu quan trọng và thư cho quân ta, đồng thời tìm cách đưa anh Mai Văn- Trưởng ban địch vận vào bốt với danh nghĩa “anh vợ” vào thăm hai vợ chồng. Sau hai ngày nằm ở bốt Thiết Trụ, trinh sát nắm chắc tình hình địch, anh Mai Văn đã ra vùng du kích báo cáo và cùng đồng đội lập kế hoạch diệt bốt.
Tối ngày 3-1-1952, dưới sự chỉ huy của tỉnh đội trưởng Võ An Đông, Đại đội 27 được lệnh tiến công diệt bốt Thiết Trụ. Như đã hiệp đồng, khi quân ta tiếp cận bốt, Đào Tất Liễu chạy ra mở cổng cho bộ đội vào chiếm bốt, đồng thời kêu gọi binh lính chốt giữ bốt đầu hàng vô điều kiện. Kết quả ta đã bắt giữ 52 tên sĩ quan và binh lính địch, thu 2 trung liên, 4 tiểu liên và 50 súng trường. Phía ta không có thương vong và cũng không tốn một viên đạn.
Không lâu sau đó, ông Liễu trở về hoạt động trong hàng ngũ quân kháng chiến, rồi được địa phương tin tưởng giao chức đội phó dân quân. Ông đã tham gia nhiều trận đánh, diệt nhiều tên địch. Một thời gian sau, cả hai ông bà được điều về công tác tại đội tiếp viện ở Việt Bắc, tham gia hoạt động cho đến năm 1953.
Ông bà Liễu, Nhật có 5 người con, nay đều đã trưởng thành. Tuy đã ở độ tuổi xưa nay hiếm song bà Nhật vẫn tích cực tham gia các hoạt động xây dựng địa phương.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN