QĐND - Năm 1972, Cựu chiến binh (CCB), Đại tá Nguyễn Sỹ Ngợi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 84 (Binh chủng Pháo binh) có cuộc gặp gỡ hết sức bất ngờ và thú vị với Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 ngụy. Qua cuộc trò chuyện giữa họ, chúng ta phần nào hiểu thêm: Vì sao Phạm Văn Đính quyết định hạ vũ khí, đưa cả trung đoàn ra đầu hàng, trở về với cách mạng?
 |
Đại tá Nguyễn Sỹ Ngợi. Ảnh: GIA LINH
|
Câu chuyện mà Đại tá Nguyễn Sỹ Ngợi kể với chúng tôi bắt đầu bằng dấu mốc năm 1972, khi Quảng Trị vừa được giải phóng. Thời điểm ấy, ông đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 84) thì được điều về cơ quan Quân khu Trị Thiên làm Tiểu đoàn trưởng Trinh sát. Trên đường đi nhận nhiệm vụ, ông ghé thăm thủ trưởng cũ là đồng chí Lương Tư Hòa, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 84 vừa được bổ nhiệm làm Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Trị. Đại tá Nguyễn Sỹ Ngợi nhớ lại:
- Gặp tôi, thủ trưởng Hòa rất vui. Ông đưa tôi vào phòng khách rồi chợt quay sang nói: "Ngợi có biết Phạm Văn Đính không?".
- Dạ! Đính nào cơ ạ?
- Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 ngụy vừa hạ vũ khí, trở về với cách mạng ấy.
- À! Em nhớ rồi. Đính là người chỉ huy cao nhất ở Căn cứ 241 bị pháo binh Bông Lau dội bão lửa mấy ngày trời.
 |
Phạm Văn Đính (bên trái) sau khi trở về với cách mạng. Ảnh tư liệu
|
- Đính đang ở phòng bên và được cách mạng bổ nhiệm làm Tỉnh đội phó, phụ trách mảng địch vận. Để tôi gọi Đính ấy sang đây uống nước nhé!
Phạm Văn Đính xuất hiện trong quân phục chỉnh tề. Đính tầm tuổi tôi, dáng người cao lớn, da trắng, rất đẹp trai. Thấy Đính xuất hiện, thủ trưởng Hòa liền giới thiệu:
- Đây là đồng chí Nguyễn Sỹ Ngợi, người từng đi trinh sát, đo đạc và lập đài quan sát để chỉ huy lực lượng pháo binh của Trung đoàn 84 tiêu diệt Căn cứ 241 của Mỹ ngày 6-3-1967. Và những ngày hè đỏ lửa vừa qua, đồng chí Ngợi cũng đã nằm trong hệ thống đài quan sát của Mặt trận B5 tham gia chỉ huy bắn vào Căn cứ 241 cùng với Đoàn Pháo binh Bông Lau.
Do bằng tuổi, lại hiểu biết về pháo binh nên tôi và Đính làm quen rất nhanh. Khi không còn khoảng cách, Đính dốc bầu tâm sự:
- Tôi thật không ngờ lại có được sự đặc ân khoan hồng của cách mạng. Tôi là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từng theo Mỹ, du học ở Mỹ rồi về làm sĩ quan hắc báo từ đại đội trưởng được thăng tiến rất nhanh. Sự thăng tiến ấy là cả quá trình tôi gây nhiều tội lỗi cho dân tộc. Khi nhận lệnh chỉ huy Trung đoàn 56 đồn trú tại Tân Lâm (Quảng Trị), tôi được Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh động viên, dặn dò và hứa hẹn nhiều điều. Tướng Phạm Văn Giai còn vỗ vai tôi: "Hoa mai sẽ mau nở trên ve áo ngài thôi!". Được biết Quân Giải phóng sẽ mở đợt tấn công, cấp trên nói quy mô có thể lớn. Nhưng theo lời hứa của cấp trên với Trung đoàn 56, tôi thấy yên lòng mặc dù trung đoàn mới tái lập để đóng giữ căn cứ quan trọng này. Sáng 30-3-1972, sau những đợt pháo kích ban đầu, tôi thấy tình hình chiến sự diễn ra không như tướng Giai nói. Hầu hết tuyến phòng ngự đều bị rung chuyển bởi hỏa lực pháo binh của Quân Giải phóng. Các pháo đội tầm xa của tôi và của thủy quân lục chiến bên Mai Lộc không tài nào ngóc đầu dậy được. Mật độ và sức phá hủy của pháo binh Quân Giải phóng ngày càng ác liệt. Sau những đợt pháo kích, tôi lợi dụng lúc tạm ngưng của pháo, lên chòi quan sát trong căn cứ kiểm tra thì ôi thôi, cảnh đổ nát và sự chết chóc diễn ra trước mặt. Tôi đã xin Quân đoàn 1 và Sư đoàn 3 phải cho triệt thoái khỏi căn cứ nhưng họ không cho…
Ngừng một lát, Trung tá Phạm Văn Đính kể tiếp:
- Khi đó, tôi nghĩ chỉ có đầu hàng thì mới cứu được sinh mạng của 1.500 binh lính dưới quyền… Nếu không đầu hàng thì Trung đoàn 56 của tôi sẽ chịu số phận giống như thủy quân lục chiến Mỹ ở đây đúng 5 năm về trước. Đó là tháng 3-1967, khi tôi chỉ huy Tiểu đoàn 52 kiêm Quận trưởng Quảng Điền ở Thừa Thiên đã được Tư lệnh Vùng 1, Tư lệnh Quân đoàn 1-tướng Chuân thông báo: Căn cứ Tân Lâm đã bị hỏa tiễn cỡ lớn của Việt Cộng triệt phá; 24/30 khẩu đại bác từ 105mm đến 155mm, hàng chục xe tăng, xe ủi đất, hàng ngàn nhà bạt bị phá hủy… Toàn bộ căn cứ phải nhiều ngày sau người Mỹ mới củng cố lại được.
Đồng chí Ngợi hỏi thêm Trung tá Phạm Văn Đính:
- Tại sao ông lại để cho 2 cố vấn Mỹ trốn thoát? Trong khi yêu cầu của Quân Giải phóng là phải bắt cố vấn Mỹ cùng ra đầu hàng?
- Sau khi họp với sĩ quan thuộc quyền, tôi mời cố vấn trưởng đến thông báo về quyết định ra hàng. Cố vấn Mỹ không đồng ý. Ông ta yêu cầu phải để cố vấn di tản. Trước khi quay về vị trí hầm, ông ta vỗ vai và nói với tôi như đe dọa, nếu ông ta bị bắt làm tù binh hoặc bị chết thì số phận vợ con tôi và một số gia đình sĩ quan dưới quyền đang ở Huế-Đà Nẵng… sẽ không được yên. Chính vì lẽ đó mà khi hai chiếc trực thăng đến cứu cố vấn Mỹ, tôi đành để cho họ lên máy bay di tản và nói dối qua thông tin liên lạc với người chỉ huy Đoàn Pháo binh Bông Lau rằng: "Lộn xộn quá, căng thẳng quá, đầu óc mụ hết, không biết làm thế nào nữa và đang đôn đốc anh em mau mau ra khỏi căn cứ". Sau sự việc này, tôi nghĩ thế nào cũng bị cách mạng xử lý. Nhưng thật không ngờ, mọi suy nghĩ của tôi hoàn toàn không đúng. Sau khi ra hàng, tôi và toàn bộ binh lính Trung đoàn 56 ngụy quân Sài Gòn đều nhận được sự khoan hồng của cách mạng. Đặc biệt, cách mạng còn cho tôi và toàn bộ sĩ quan binh lính dưới quyền được giữ nguyên cấp hàm, được giao việc phù hợp theo nguyện vọng của từng người-Phạm Văn Đính giải thích.
TRỊNH DŨNG